Mái ấm của những người yếu thế

NHẬT MINH 07:15, 01/01/2024

Mỗi người một số phận, một hoàn cảnh khác nhau, nhưng khi sống dưới mái nhà chung: Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, họ đã cùng nhau sống trong sự yêu thương, đùm bọc và chia sẻ.

Người già tìm sách tại thư viện của Trung tâm
Người già tìm sách tại thư viện của Trung tâm

NƠI TRAO GỬI YÊU THƯƠNG

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh được thành lập năm 1993. Theo ông Trần Văn Kết - Giám đốc Trung tâm, từ ngày thành lập đến nay, đơn vị đã tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục cho hơn 1.500 lượt đối tượng, trong đó, có khoảng 520 trẻ mồ côi, trẻ lang thang, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ bị bỏ rơi đến tuổi trưởng thành. Trong số này, có 480 trường hợp hồi gia, 40 trẻ làm con nuôi trong và ngoài nước; trên 1.000 đối tượng còn lại là người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa, người tàn tật, tâm thần lang thang cơ nhỡ. Và, hiện, đơn vị đang chăm sóc, nuôi dưỡng 82 đối tượng, trong đó, có 25 trẻ em, 57 người cao tuổi và tâm thần.

Ở Trung tâm đặc biệt này, mỗi người có một số phận, hoàn cảnh khác nhau, thế nhưng, họ đều được sống trong tình thương, đùm bọc của cán bộ, nhân viên Trung tâm và được sẻ chia những vui buồn với những người có cùng cảnh ngộ.

Bà Trần Thị Thái - người đã gắn bó với Trung tâm 23 năm nay, xúc động cho biết: “Trước khi vào đây, tôi là đối tượng lang thang cơ nhỡ. Từ khi được vào đây, tôi được chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, được chăm lo khi ốm đau, bệnh tật, tôi thấy mình rất hạnh phúc và may mắn”.

Chăm sóc các đối tượng nằm liệt giường
Chăm sóc các đối tượng nằm liệt giường

CHĂM SÓC BẰNG TẤT CẢ TÌNH THƯƠNG VÀ TRÁCH NHIỆM

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Trần Văn Kết, trong những năm đầu mới thành lập, cơ sở vật chất của Trung tâm còn tạm bợ, điều kiện sinh hoạt của đối tượng gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay, qua nhiều lần sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới, nơi ở, sinh hoạt của các đối tượng ngày càng được nâng cấp, thuận lợi hơn. Hiện, đã có nơi sinh hoạt, nói chuyện thời sự, đọc báo, xem tivi cho những người cao tuổi; khu vui chơi giải trí cũng đã được đầu tư, có sân bóng đá mini cỏ nhân tạo. Các cháu có được thư viện đọc sách và nơi học trong những lúc không đến trường, có đầy đủ sách phổ thông và sách nâng cao từ lớp 1 đến lớp 12 cho các cháu tham khảo, học tập...; có phòng tập vật lý trị liệu cho đối tượng, đặc biệt là đối tượng có bệnh nền...

Được chứng kiến cuộc sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, được trò chuyện với những số phận thiệt thòi đang được chăm sóc tại đây, chúng tôi mới thấy rõ được ý nghĩa thiết thực mà Trung tâm đã và đang mang lại cho công tác bảo trợ xã hội; giúp đỡ những người yếu thế vượt qua những rào cản của cuộc sống, để họ từng bước xóa bỏ mặc cảm tự ti, hòa nhập với cộng đồng. Và, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song bằng tình thương, trách nhiệm của những người làm công tác xã hội, cán bộ, nhân viên tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đã mang yêu thương, "sưởi ấm" cho rất nhiều phận đời kém may mắn.

Trẻ đọc sách tại thư viện của Trung tâm
Trẻ đọc sách tại thư viện của Trung tâm

Chị Đặng Thị Cúc - nhân viên Phòng Quản lý trẻ em, cho biết: “Lúc đầu khi mới vào đây làm, nói thật là tôi thật sự bị ngợp, vì công việc áp lực, không như những gì mình tưởng tượng và lúc đó, nhiều lúc cũng có suy nghĩ là sẽ nghỉ việc ở đây để đi tìm việc ở một nơi khác. Nhưng rồi, cùng với thời gian, hàng ngày tiếp xúc, chứng kiến nhiều hoàn cảnh không may ở đây, thấy thương các cháu nhiều hơn. Và thế là tôi đã gắn bó với công việc này được 12 năm rồi”.

Vất vả nhiều khi không đong đếm được nhưng chị Cúc và các đồng nghiệp của mình luôn tự hào về nghề của mình; cống hiến hết mình bằng cái tâm, nhằm giúp đỡ những số phận không may vượt qua những rào cản của cuộc sống, giúp họ phát triển, hòa nhập với cộng đồng.

Người già đang tập dưỡng sinh buổi sáng
Người già đang tập dưỡng sinh buổi sáng

Lê Thị Thùy Linh - nhân viên Công tác xã hội, thuộc Phòng Quản lý chăm sóc Người cao tuổi - Người tâm thần của Trung tâm cũng chia sẻ: “Tôi gắn bó với Trung tâm từ ngày mới ra trường, đến nay đã được 7 năm. Từ đó đến nay, hàng ngày, gặp gỡ, tiếp xúc với những hoàn cảnh không may, tôi thấy mình cảm thông và chia sẻ với mọi người nhiều hơn, và cũng thấy yêu hơn công việc của mình”.

Ông Trần Văn Kết nói thêm: “Theo điều kiện tuyển dụng, nhân viên khi vào làm việc tại đây phải có bằng xã hội học hoặc công tác xã hội hoặc bằng cấp khác. Tuy nhiên, tại trung tâm, công việc vốn rất đặc thù, ngoài bằng cấp ra, điều quan trọng nhất là tình thương, là tấm lòng nhiệt huyết của mỗi cán bộ nơi đây, phải xem các đối tượng như là người thân của mình, phải biết gần gũi, thông cảm và sẻ chia với những mảnh đời yếu thế, bất hạnh nơi đây, giúp họ dần xóa bỏ những mặc cảm, tự ti, có như vậy mới gắn bó với công việc lâu dài được. Trong thời gian tới, với sứ mệnh của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực chăm sóc các đối tượng dễ bị tổn thương tại trung tâm bằng tất cả tình thương và trách nhiệm của mình”.