Dưới bàn tay của những họa sỹ tài hoa, những vách tường xám ngắt rêu phong của Đà Lạt bỗng trở nên sống động bởi những bức bích họa nhiều màu sắc.
Bức tranh tường tại Tổ dân phố 6, Phường 1, Đà Lạt |
Một trong những họa sỹ như thế là anh Nguyễn Đình Huy, 36 tuổi, người Đà Lạt.
Có năng khiếu và mê vẽ từ nhỏ, anh Huy đã tự học và dần vẽ được nhiều thể loại tranh. Đến nay, anh đã có 12 năm kinh nghiệm trong nghề thì có trên 10 năm anh chuyên vẽ các bức tranh tường ở những căn nhà hay trên đường phố.
Anh chia sẻ, người Đà Lạt tương đối chuộng tranh tường theo phong cách cổ điển (vintage) với các mảng màu hay tranh nổi. Riêng anh có thể vẽ được nhiều thể loại tranh như: tranh đường phố (Graffiti), tranh phun (2D hoặc 3D), tranh sơn dầu, tranh chân dung… nhưng anh thích nhất là vẽ tranh tường với phong cảnh thiên nhiên, đặc biệt là phong cảnh Đà Lạt.
“Tôi thích nhất là vẽ về Đà Lạt, thiên nhiên Đà Lạt bốn mùa trong năm đều đẹp với cây lá, hoa cỏ, rừng thông, hoa đào nở, những đỉnh núi mây trắng, những con đường đèo quanh co trong sương mù, nắng sớm trong rừng thông buổi sáng” - anh Huy nói.
Trong những năm làm nghề, anh cho biết đã vẽ một khối lượng rất lớn tranh tường, lên đến cả ngàn tác phẩm và hầu hết trong đó là tranh phong cảnh.
Mỗi bức họa trên tường như thế, anh cho biết, tùy theo lớn nhỏ, vẽ bên ngoài hay trong nhà, điều kiện thời tiết, địa hình có thuận lợi hay không. Tranh vẽ trong nhà thì nhanh hơn còn tranh ngoài trời thì cần thời gian nhiều hơn, trung bình cần chừng 3 - 4 tuần để hoàn thành.
“Vẽ tranh tường khó hơn tranh giấy, loại sơn dùng để vẽ là sơn Acrylic và cần đè nhiều lớp màu, phải dùng cọ bản to, nếu bề mặt tường xấu thì phải phủ thêm một lớp sơn lót Epoxy trước khi vẽ, sau khi vẽ xong sẽ phủ thêm một lớp sơn bảo vệ để các bức tranh tường ngoài trời có thể duy trì trong khoảng thời gian chừng 5 năm” - anh Huy nói.
Với thời tiết, anh cho biết, khi vẽ tranh tường ngoài trời, người vẽ phụ thuộc rất nhiều vào chuyện nắng, mưa. Lúc thì phải đứng giữa trời nắng nóng, lúc đứng dưới trời mưa, màu bị nước tạt vào rửa trôi phải dùng bạt che lại để vẽ. Có một số nơi nhà có tường cao hay đất dốc phải bắt giàn giáo, khi vẽ cần cẩn thận vì lỡ khi quá chú tâm vào từng đường nét mà lỡ quên… độ cao thì nguy hiểm!
“Mỗi tác phẩm vẽ tường như vậy, phải căn cứ theo yêu cầu của chủ nhà hay người thuê, sau đó lên ý tưởng cho bức vẽ, làm sao cho bức tranh hài hòa, có chiều sâu trong tổng thể” - anh Huy nói.
Không chỉ vẽ ở Đà Lạt, không ít lần thông qua sự giới thiệu của người quen hay khách hàng, anh được mời đi vẽ ở các tỉnh ngoài, có lúc ra tận các tỉnh phía Bắc. Các công trình anh vẽ thường của tư nhân, tại các nhà hàng, khách sạn nhưng cũng có lúc là các công trình công cộng.
Tại Đà Lạt, anh vẽ nhiều cho các công trình lớn khi họ cần, vẽ tại các trường học, quán cà phê, khu du lịch, khách sạn… Anh cho biết, đã từng vẽ một bức bích họa mất đến 6 tháng cho một khu du lịch ở Đà Lạt.
“Những dịp cuối năm thường có nhiều người đặt vẽ tranh nhất, vì các nhà, các hàng quán, khách sạn trang hoàng lại nhà cửa để đón năm mới, do đó với những người trong nghề vẽ tranh tường như tôi dịp cuối năm thường khá bận rộn” - anh Huy cho biết.
Tuy anh làm chỉ một mình và không vẽ theo nhóm, cũng không mở lớp dạy nhưng anh gần đây cũng có hỗ trợ, đào tạo các sinh viên hoặc những ai có đam mê với nghề. Đa phần học viên của anh là các bạn sinh viên kiến trúc; anh dạy vẽ nhiều thể loại tranh nhưng chủ yếu là dạy vẽ tranh tường, hướng dẫn cho các bạn về bố cục, cách đi màu,... thời gian học sẽ tùy theo năng khiếu của mỗi người. Anh đang tính năm đến mở một lớp dạy vẽ tranh tường.
Gần đây, anh được mời vẽ một bức tranh tường lớn tại Tổ dân phố 6, Phường 1, Đà Lạt. Bức bích họa này dài đến 44 m, cao 2 m với yêu cầu phải thể hiện được những cảnh đẹp tiêu biểu của TP Đà Lạt, nhằm biến bức tường xám nơi đây thành một điểm nhấn của khu phố. Trước khi nhận lời, anh Huy đã đến khảo sát và đưa ý tưởng cho Tổ dân phố. Ý tưởng này đã được ghi nhận và theo Bí thư Tổ dân phố Phan Tuấn Vinh, tổ đã vận động các nhà hảo tâm trong tổ đóng góp theo hình thức xã hội hóa để thuê anh Huy vẽ.
Để hoàn thành bức tranh tường này, anh Huy đã phải mất trên 1 tháng. Nhiều biểu tượng nổi danh của Đà Lạt như nhà ga Đà Lạt, quảng trường Lâm Viên, hồ Xuân Hương, tháp chuông Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt… được anh chọn đưa vào tranh, cùng đó là các loài hoa đặc trưng Đà Lạt. Cứ vẽ xong mỗi địa điểm như thế, anh Huy phải ngừng lại một ít để nghĩ cách phối màu, cách sắp xếp các địa điểm khác vào bức tranh sao cho hài hòa, hợp lý trong tổng thể.
Bức tranh tường lớn này của anh gần đây đã giành giải Nhất về tranh tường trong Hội thi “Xanh - sạch - đẹp” lần thứ 18 năm 2023 của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Đà Lạt tổ chức nhân kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển.
“Rất vui khi biết nhiều người thích tranh tôi vẽ. Chỉ mong những bức vẽ này khiến các con phố đẹp hơn, sinh động hơn, làm cho đô thị Đà Lạt có thêm sức sống, có thêm khách du lịch đến” - anh Huy tươi cười.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin