Ðào Nhật Tân khoe sắc đón xuân

C.PHONG - H.THẮM 06:59, 06/02/2024

“Thấy hoa đào nở là thấy Tết” - khi những cánh đào Nhật Tân bung nở khoe sắc đỏ hồng rực rỡ cũng là lúc không khí Tết đang gần kề. 

Người dân phấn khởi chăm sóc vườn đào để kịp cho khách mua hoặc thuê trong những ngày 
cận Tết Nguyên đán 2024
Người dân phấn khởi chăm sóc vườn đào để kịp cho khách mua hoặc thuê trong những ngày cận Tết Nguyên đán 2024

Thời điểm cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn, những cánh đào Nhật Tân được trồng tại thị trấn Nam Ban (huyện Lâm Hà) cũng kịp thời bung nở mang sắc hồng đỏ tươi tắn, cùng người dân phấn khởi đón một năm mới đầm ấm, hạnh phúc.

Người làm nên “sắc xuân” ấy là ông Chu Văn Lợi, tổ dân phố Đông Anh 1, thị trấn Nam Ban. Những ngày nay, gia đình ông tất bật tỉa búp, cột tán, vào chậu, vận chuyển “mùa xuân” đi khắp các xã, huyện lân cận.

Năm nay, gia đình ông tập trung chăm sóc gần 500 gốc đào các loại để phục vụ thị trường. Theo ông Lợi, những năm gần đây, người dân không còn chuộng đào cành mà chuyển sang trưng các gốc đào bon sai, đào thế, đào chậu. Chính vì thế, ngay từ đầu năm, ông đã tiến hành ghép, tạo tán các gốc đào theo thế huyền, thác đổ, ngũ phúc, long phụng...

Nhiều người dân huyện Lâm Hà còn giữ được nét đẹp truyền thống của nghề trồng hoa đào lâu đời từ làng đào Nhật Tân ngay trên vùng quê mới
Nhiều người dân huyện Lâm Hà còn giữ được nét đẹp truyền thống của nghề trồng hoa đào lâu đời từ làng đào Nhật Tân ngay trên vùng quê mới

Vùng Nam Ban là nơi tập trung trồng đào Nhật Tân nhiều nhất tại huyện Lâm Hà. Người dân đi xây dựng kinh tế mới từ TP Hà Nội năm nào không quên đem theo nghề trồng đào truyền thống của cha, ông. Những cành đào thắm đỏ cũng được xem như một biểu tượng truyền thống không thể thiếu trong mỗi gia đình dịp khi Tết đến, xuân về.

Với kinh nghiệm đời thứ 4 nối nghiệp nghề truyền thống, ông Chu Văn Lợi không khó để có thể nắm bắt được đặc trưng khí hậu theo từng năm để điều chỉnh các khâu chăm sóc, đảm bảo cây ra hoa vào đúng dịp Tết. 

Nắm bắt được thị hiếu của người dân, năm nay, ông Lợi tập trung các chậu cây với thế huyền, thác đổ, ngũ phúc... được thị trường rất ưa chuộng. Thế nên hơn 20 năm nay, vườn của ông vẫn là một địa chỉ uy tín để người chơi đào tìm đến mỗi độ Tết đến, xuân về.

Nhiều năm qua, người dân cũng tin tưởng “gửi” ông chăm sóc cây đào của gia đình để có thể đảm bảo cây ra hoa đúng thời điểm cuối năm.

Đến nay, phần lớn đào trong vườn đã có người đặt cọc thuê. Trung bình mỗi gốc đào được thuê với giá 2,5 triệu đồng. Cá biệt những gốc đào cổ thụ, có tuổi đời 40-50 năm thì cho thuê với giá 15-20 triệu đồng.

Theo ông Lợi, tùy thuộc vào “gu” cũng như khiếu thẩm mỹ của người trồng mà có thể làm nên những gốc đào mang hình dáng độc đáo, đẹp mắt. Đa phần người trồng đào ở Lâm Hà là người Hà Nội gốc, ở làng Nhật Tân. Họ đã mang theo hành trang là nghề truyền thống của cha ông đến lập nghiệp ở mảnh đất này.

Ngoài đòi hỏi sự tỉ mỉ, việc chăm sóc, tuốt lá đào cũng phải có kinh nghiệm để có thể căn chỉnh thời gian xuống lá hợp lý. Có như vậy thì mới có thể “làm chủ” được thời tiết, đảm bảo cây sẽ ra hoa vào đúng thời điểm Tết Nguyên đán.

Những cành đào khoe sắc trong nắng vàng cao nguyên càng khiến lòng người chộn rộn một cảm giác hướng về quê hương, nguồn cội.