Dấu ấn chuyển đổi xanh, chuyển đổi số làm nền móng, thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”. Tại đây, việc ứng dụng số trong phát triển nông nghiệp đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, trở thành động lực để phát triển kinh tế, đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Đơn Dương.
Trung tâm huyện Đơn Dương |
• “XANH HÓA” NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU
Ông Nguyễn Đình Tịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cho biết, huyện Đơn Dương xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nâng cao thu nhập trên địa bàn. Đi vào thực hiện từng nhiệm vụ và mục tiêu đề ra, huyện Đơn Dương hướng dẫn nông dân ứng dụng đồng bộ quy trình canh tác cải tạo đất, luân canh, chuyển đổi cây trồng, phòng, chống dịch hại và kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn chất lượng an toàn sản phẩm thu hoạch. Quy mô phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh trong giai đoạn hơn 4 năm qua, huyện đã nhân rộng diện tích từ các vùng nông nghiệp trọng điểm đến tất cả vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Dấu ấn trong nông nghiệp công nghệ cao đó là UBND tỉnh đã công nhận 2 vùng sản xuất rau công nghệ cao với gần 285 ha thuộc 2 xã Lạc Xuân, Lạc Lâm; 1 vùng chăn nuôi công nghệ cao hơn 13.850 con bò sữa, tổng diện tích tự nhiên gần 10.640 ha thuộc địa bàn 2 xã Đạ Ròn và Tu Tra. Toàn huyện đang phát triển hoạt động 36 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả, dược liệu... do doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác chủ trì, đạt tỷ lệ hơn 30% sản lượng hàng năm, 70% sản lượng là do người nông dân chủ động liên kết tiêu thụ với các thương nhân đầu mối thu mua, cung ứng cho thị trường trong nước...
Việc phát triển kinh tế tuần hoàn cũng nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng tại huyện Đơn Dương. Với các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, hiệu quả kinh tế nông nghiệp của huyện Đơn Dương đảm bảo thân thiện với môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và tác động của thị trường, hướng đến phát triển nông nghiệp toàn diện, hiện đại và bền vững.
Kết quả xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh đến ngày 30/6/2023, huyện Đơn Dương đã đạt các mục tiêu đề ra. Với 6 xã Lạc Lâm, Ka Đô, Quảng Lập, Lạc Xuân, Đạ Ròn và Tu Tra công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong đó, 3 xã Lạc Lâm, Ka Đô và Quảng Lập đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Sản xuất rau, hoa công nghệ chiếm tỷ lệ 95% tổng diện tích canh tác, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 220 triệu đồng/ha/năm và thu nhập bình quân đầu người 72 triệu đồng/năm.
Mục tiêu đến năm 2025, huyện Đơn Dương đạt chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia huyện nông thôn mới nâng cao, được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh, thu nhập bình quân đầu người 100 triệu đồng/năm.
“Kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các UBND huyện, thành phố trên toàn tỉnh, huyện Đơn Dương đã vươn lên vị trí thứ nhất. Đây là dấu ấn “số hóa” trong điều hành, xây dựng huyện NTM kiểu mẫu mà Đơn Dương đã kiến tạo, người dân là chủ thể hưởng thụ các tiện ích của chuyển đổi số trong các thủ tục hành chính. Để có được kết quả này, UBND huyện đã xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Huyện ủy, trong đó chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong giải quyết, xử lý hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp”.
Ông Dương Đức Đại - Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương
Trung tâm Điều hành thông minh IOC huyện Đơn Dương - não bộ số trong xây dựng NTM |
• NÔNG THÔN MỚI THÔNG MINH
Ông Trương Văn Tùng - Bí thư Huyện ủy Đơn Dương cho hay, huyện định hướng cho các địa phương ngay từ khi bắt đầu xây dựng NTM, NTM kiểu mẫu đã xây dựng các tiêu chí của NTM thông minh. Các tiêu chí, chỉ tiêu mà gắn được với chuyển đổi số, hiện đại hóa, gắn với công nghệ thông tin, huyện chủ trương phải bắt tay vào làm ngay, không để người dân nằm ngoài xu thế của Cuộc cách mạng 4.0. Chuyển đổi số được xem là giải pháp, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, sinh thái, có hiệu quả cao, hướng đến nông thôn hiện đại, thông minh. Mô hình chuyển đổi số đang được triển khai, nhân rộng nhằm hỗ trợ các cá nhân, tổ chức tiếp cận ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp theo đúng kiểu mẫu mà huyện đã chọn “Huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.
Hiện nay, hầu hết các thôn được chọn xây dựng thôn thông minh trên địa bàn huyện đều đã thành lập trang thông tin điện tử trên nền tảng mạng xã hội zalo, giúp người dân nhanh chóng tiếp cận thông tin mới một cách chính xác, thuận tiện. Cùng với sự hỗ trợ của xã, các thôn đã huy động xã hội hóa để lắp đặt hệ thống wifi tốc độ cao miễn phí, camera an ninh giám sát tại các khu vực công cộng, tuyến đường trục chính... Ngoài ra, các xã, thị trấn toàn huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, cập nhật kiến thức cho người dân mở tài khoản, thúc đẩy các dịch vụ thanh toán điện tử. Đồng thời, tập trung hướng dẫn, khuyến khích người dân tiếp cận các nền tảng công nghệ số, đẩy mạnh quảng bá, mua bán hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, nhất là các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Song song đó, tại các xã đang xây dựng Mô hình Thôn thông minh đều thực hiện công khai thông tin số điện thoại của cán bộ chính quyền xã cho người dân trên địa bàn. Các tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng địa chỉ số. Hiện nay, 100% cán bộ xã sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet, sử dụng ứng dụng zalo, facebook để chia sẻ thông tin, kết nối, tương tác và nhận phản hồi của người dân. 100% số thôn ở tất cả các xã đều đã thành lập Tổ Công nghệ số cộng đồng. Đây là điều kiện thuận lợi để tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi số và giúp người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử. Hạ tầng bưu chính, viễn thông của huyện hiện nay đảm bảo được nền tảng phát triển số hóa.
Kinh tế số cũng có nhiều bước tiến, huyện đã triển khai đến các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn, doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn các nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng nền tảng số; hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử (15/15 sản phẩm được đưa lên trang https://nongsandalatlamdong.vn/; sử dụng hóa đơn điện tử (304/304 doanh nghiệp); đẩy mạnh giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và trong các bệnh viện, cơ sở y tế, chợ 4.0.
Trong xây dựng NTM thông minh, địa phương đặc biệt chú trọng đến chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng phát triển toàn diện, sinh thái, hiệu quả. Nhiều mô hình nông nghiệp thông minh trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt đã ứng dụng công nghệ tự động hóa để theo dõi, giám sát, truy xuất, xử lý dữ liệu giúp giảm chi phí sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Công nghệ số đã và đang mở ra tương lai mới cho phong trào xây dựng NTM thông minh với mô hình thôn, xã thông minh kết nối dịch vụ đô thị thông minh, nông thôn - thành thị thu hẹp khoảng cách khi tất cả đều được số hóa. Với dấu ấn của chuyển đổi số, NTM thông minh được huyện Đơn Dương xây dựng trên “hạt nhân” là chính quyền điện tử với sự phân tích và trích xuất các giá trị bản địa, đặc sắc của xã hội nông thôn: chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số; tạo lập xã hội nông thôn số, hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững theo hướng hàm lượng công nghệ số.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin