To, khỏe, sải cánh rộng, oai hùng và kiêu hãnh đạp mây, cưỡi gió, cõng nắng vượt đại dương băng băng về ngàn, sêm kring - chim hồng hoàng - trở thành biểu tượng của chàng trai K’Ho yêu tự do, yêu rừng xanh, yêu cái bao la, kỳ vĩ của đất trời. Sêm kring còn được người K’Ho ở cao nguyên Lang Biang xem như một chỉ báo của mùa xuân, mang nắng ấm, vượng khí, sự no đủ về với bon làng.
Màu lông đẹp, chiếc mỏ sừng độc đáo khiến sêm kring luôn thu hút mọi ánh nhìn |
Bộ lông đen diềm trắng, đôi mắt đỏ rực ráng chiều, cộng thêm chiếc mỏ dài và cong như chiếc ngà voi tươi tắn ánh cam càng tôn lên vẻ sang quý của chiếc mũ màu vàng quyền uy trên đỉnh đầu, cùng tập tính thích đậu nghỉ nơi những tàng cây cao chót vót, chim hồng hoàng quá nổi bật giữa rừng già xanh thẫm. Chính vẻ ngoài đẹp đến siêu thực, sêm kring không chỉ thu hút mọi ánh nhìn, còn đi vào sử thi K’Ho như một biểu tượng của sự dịch đổi. “Cữ tháng 11, tháng 12 hàng năm, nếu thấy sêm kring dập dìu bay sóng đôi trên bầu trời Lang Biang, rồi chao mình đáp xuống những tàng cây, chọn một chỗ đậu bình yên, nghĩa là giá rét dần qua để chào đón mùa xuân ấm áp”, Krajan Plin - người có nhiều công trình nghiên cứu về sử thi K’Ho, cho biết.
Sêm kring có tập tính ưa đậu nghỉ ở những tàng cây cao |
Theo nhà folklore Tây Nguyên Krajan Plin, chim hồng hoàng ở cao nguyên Lang Biang có 2 loại. Một loại to lớn, sải cánh dang rộng kín cả một góc trời, vượt được đại dương, vượt cả những khoảng không mênh mông nắng gió, người K’Ho gọi là sêm kring bla. Nó là loài chim cõng nắng về ngàn, loan mừng tin xuân. Một loại nhỏ, không vượt được đại dương, chỉ sống ở miền rừng Lang Biang, người K’Ho gọi là sêm kring kok. Sêm kring kok xuất hiện, đó là chỉ dấu của mùa màng. “Màu lông đẹp, nhất là chiếc mỏ sừng rất dị, sêm kring trở nên khác biệt trong thế giới tự nhiên”, nhà folklore Tây Nguyên Krajan Plin tâm sự.
Sêm kring sở hữu chiếc mỏ sừng "siêu thực" |
Bị thuyết phục bởi vẻ ngoài độc dị của chim hồng hoàng, nghệ nhân Tây Nguyên đã dựa trên hình tướng của loài chim này, sáng tạo ra chiếc-chuông-gió-sêm-kring. Ấy cũng là cách cư dân nơi đây đưa chim hồng hoàng đến gần hơn với đời sống, vượt thoát khỏi những ràng buộc của định biên tự nhiên. Bằng đôi tay tài hoa, cùng năng lực thẩm mỹ thiên phú, nghệ nhân kỳ công khắc họa tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ để tạo nên vẻ đẹp siêu thực của sêm kring, từ chiếc mỏ to quá khổ, cái cổ dài linh động đến đôi cánh rợp nắng, đôi chân rắn khỏe, bên cạnh sở trường tạo ra những âm thanh trong trẻo của chuông gió. Ngay cả khâu chọn vật liệu tre, nứa để chế tác chiếc chuông gió chim hồng hoàng cũng được nghệ nhân Tây Nguyên lựa chọn hết sức cẩn trọng. Vật liệu phải lựa chọn thật kỹ lưỡng, chế tác phải thật sự cẩn trọng thì chiếc chuông gió sêm kring ra đời mới bền, đẹp, không bị cong, bị vênh dưới tác động của thời tiết lắm mưa, nhiều nắng ở cao nguyên.
Chuông gió chim hồng hoàng thường được người Tây Nguyên treo trên những cành cây ở rẫy. Mỗi khi có gió lướt qua, nó lại vang ngân những âm thanh của rừng - những thanh âm của đời sống người miền cao, lốc cốc, lốc cốc, trầm, vang, xa thẳm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin