Thời gian qua, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Lâm Đồng đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về bình đẳng giới, tạo sự chuyển biến trong nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức và Nhân dân về thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Lãnh đạo tỉnh trao quà cho phụ nữ khuyết tật thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tiêu biểu của TP Đà Lạt, tại Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới năm 2023 |
Theo Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh, năm 2023, để triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên đôn đốc các cơ quan, đơn vị và địa phương, cụ thể hóa kế hoạch của tỉnh trong việc thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Cùng đó, 12/12 huyện, thành phố cũng đã chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện chương trình công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 và kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tại địa phương mình.
Trong đó, công tác truyền thông đã được chú trọng thực hiện. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức các hoạt động truyền thông về công tác bình đẳng giới và về sự tiến bộ của phụ nữ như: Ban hành văn bản hướng dẫn tuyên truyền Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; xây dựng 1 clip và triển khai công tác Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế xã hội. Xây dựng 5 chuyên mục, tin, bài tuyên truyền về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ. In ấn và cấp phát 10.000 tờ rơi, 150 băng rôn, khẩu hiệu truyền thông nhân Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, các sở, ngành cũng triển khai thực hiện một số hoạt động thiết thực, cụ thể khác. Điển hình như: Sở Nội vụ tham mưu thực hiện các nội dung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị; Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức các hoạt động với chủ đề bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch thực hiện lồng ghép tuyên truyền trong các đợt truyền thông nhân kỷ niệm các ngày lễ liên quan đến lĩnh vực gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình... Đồng thời, các ngành, các cấp còn tổ chức các hoạt động như: Xây dựng chuyên mục, chuyên trang trên Báo Lâm Đồng, Đài Phát thanh – Truyền hình Lâm Đồng. Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, 20/10 hoặc nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tổ chức giao lưu, gặp gỡ, trao đổi thông tin, hỏi đáp pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Các địa phương đã triển khai in và trao dựng hàng trăm băng rôn, cờ phướn, panô; phát hành hàng ngàn tờ rơi tuyên truyền về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ...
Song song với đó, các sở, ngành, đoàn thể, địa phương luôn chủ động phòng ngừa, hòa giải, giải quyết kịp thời nhiều vụ bạo lực trên cơ sở giới. Đẩy mạnh hoạt động triển khai và nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới bằng hình thức thành lập các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, hướng dẫn trạm y tế bố trí nơi tạm lánh, tư vấn và điều trị cho bệnh nhân là nạn nhân bị bạo lực. Các địa phương tiếp tục duy trì và nhân rộng các đường dây nóng, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực kịp thời về nơi tạm lánh nhằm tránh rủi ro về sức khỏe, tinh thần, tính mạng, giảm thiểu được hậu quả của bạo lực.
Điển hình, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các địa phương lồng ghép tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về công tác phòng, chống mại dâm và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, phòng, ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cho 451 đại biểu làm công tác xã hội tại các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn và thành viên Đội công tác xã hội tình nguyện trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Tỉnh Đoàn Lâm Đồng tổ chức tập huấn nâng cao năng lực công tác bình đẳng giới, phòng, ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; phòng, chống tệ nạn xã hội cho 203 đại biểu là cán bộ đoàn chuyên trách cấp huyện.
Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp duy trì và thành lập mới các mô hình phòng, chống bạo lực, an toàn cho phụ nữ và trẻ em như: Tập trung nâng cao kiến thức kỹ năng cho phụ nữ về giáo dục tiền hôn nhân, phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, phòng, chống tệ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết với 45 lớp tập huấn cho 4.500 lượt chị tham gia và 2.512 buổi sinh hoạt thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia. Luôn quan tâm, lên tiếng đối với các vụ xâm hại đến phái nữ và trẻ em gái; kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị hại; theo dõi tiến độ giải quyết của ngành chức năng đối với các vụ ly hôn có liên quan đến con cái. Tiếp tục duy trì 142 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng và 57 Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, với hơn 2.700 thành viên; hỗ trợ, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho 89 chị...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin