Có một người phụ nữ thật đặc biệt tên gọi thân mật Anna, tên khai sinh Nguyễn Thị Chung, trú tại số 30, chợ Lạc Nghiệp, thị trấn D'ran, Đơn Dương, Lâm Đồng. Thi thoảng tôi vẫn gặp bà tại nhà doanh nhân người Hà Nội lại có nhiều hoạt động kinh doanh tại Đà Lạt. Khởi nghiệp xanh ở Nam Tây Nguyên là chủ hai doanh nghiệp khoa học cộng nghệ Bò Kạp và Troy. Những việc tâm linh của doanh nghiệp và gia đình gần như do một tay bà Anna quán xuyến. Tôi hỏi Ngô Hồng Phượng:
- Hai gốc quê: Hà Nội và quan họ Kinh Bắc, vào Nam người trên cao nguyên, người xứ biển mà sao nghĩa tình, thân thiết như cùng một nguồn cội?
Ngô Hồng Phượng trả lời, không quên câu quan họ “Người ơi người ở đừng về”:
- Cháu gặp cô Anna tại TP Đà Lạt từ năm 1993, chặng đường gần 1/3 thế kỷ. Ngay giây phút đầu tiên, cháu đã nhận cô là người Mẹ hiền nhân hậu và cháu đã rất yêu quý cô Anna. Tình thân ngày càng sâu nặng, bền chặt “Người ơi người ở đừng về”. Cháu thật sự coi cô Anna là mẹ - cháu có bà mẹ đẻ sinh thành, dưỡng dục; nay cháu có thêm mẹ Anna chăm lo, nuôi dưỡng cho cháu niềm tin cuộc đời, sức mạnh tinh thần. Cô Anna có 4 người con trai nhưng không có con gái, nên coi Ngô Hồng Phượng là con gái luôn. Công việc mẹ Anna rất nhiều, chỉ khi nhà có việc mẹ lui tới chỉ 1-2 ngày.
Bà Ngô Hồng Phượng trong những chuyến thiện nguyện |
Ngừng lại giây lát, Ngô Hồng Phượng nở nụ cười mãn nguyện:
- Mọi việc trong nhà, lễ lạt, hiếu hỉ, thờ phụng “đấng bề trên”, mẹ đẻ ở Hà Nội nên trời Nam mẹ Anna lo hết cho con gái, trọn vẹn, chu toàn.
Ngô Hồng Phượng kể cho tôi nghe nhiều chuyện cảm động về bà Anna, người luôn đón nhận niềm vui khi làm được việc gì đó có ích cho đời, cho người. Anna Nguyễn Thị Chung sinh năm 1948, nhưng bà nói tuổi thực, bà sinh năm 1945, đúng năm Tổng Khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, năm 2024 tròn 79 tuổi. Sinh ra và lớn lên tại Bắc Ninh bên dòng Sông Cầu quê ngoại, quê nội bên dòng Sông Thương, tỉnh Bắc Giang. 10 tuổi bà theo gia đình vào định cư tại tỉnh Lâm Đồng cho đến nay. Bà Anna yêu thành phố ngàn hoa, thành phố mộng mơ, bà thuộc gần như các bản nhạc, bài hát du dương trầm bổng của thành phố hoa. Bà tâm tình cùng tôi và bạn bè thân quý:
- Thành phố Đà Lạt tươi đẹp, nên thơ, đất và người hiền hòa, bầu sữa nuôi các con cháu khôn lớn, thành phố chắp cánh ước mơ. Tôi có 4 người con trai là Nguyễn Ngọc Tuyến, sinh năm 1964; Nguyễn Vũ Tôn Mạc, sinh năm 1970; Nguyễn Vũ Tôn Cương, sinh năm 1972, bị bệnh qua đời năm 1994; Nguyễn Vũ Tôn Phúc, sinh năm 1975, qua đời do đuối nước trên đường đi thiện nguyện trở về.
Bà Ngô Hồng Phượng trong những chuyến thiện nguyện |
Đôi mắt của bà Anna rớm lệ, cuộc đời nhiều ân phúc và bao truân chuyên, giọng của bà nhỏ nhẹ như chùng xuống, khi nhớ tới con trai Nguyễn Vũ Tôn Phúc:
- Tôi có người em trai là Nguyễn Ngọc Lương, vợ là bác sỹ chuyên khoa mắt Nguyễn Thị Yến, sống và làm việc tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Cậu mợ và các em yêu quý Nguyễn Vũ Tôn Phúc nhiều lắm, nhưng cháu ngoan gặp định mệnh đã ra đi sớm không kịp về Đức Trọng uống chén rượu hồng, bàn về một chương trình thiện nguyện tại Lâm Đồng, dù cậu cháu đã hò hẹn cùng nhau.
Bà Anna xúc động:
- Cậu Nguyễn Ngọc Lương dành cho cháu út Nguyễn Vũ Tôn Phúc nhiều tình cảm, sự yêu thương. Gia đình của hai chị em chúng tôi vừa theo đạo Thiên chúa (theo bà ngoại), vừa theo đạo hiếu (theo ông ngoại), mọi người sống hòa thuận, thủy chung, sống chết có nhau, rất mực thương yêu nhau.
Một cơn gió rừng Nam Tây Nguyên thổi nhẹ, tiếng xào xạc từ các kẽ lá, kẽ hoa, bà Anna tiếp tục mạch chuyện:
- Ông bà nội từ Bắc Giang, làm nghề bốc thuốc Nam bằng cây thảo dược. Có chút ít ruộng đất, ông bà vẫn thường dành dụm thóc gạo, ngày xưa gọi là mở cửa “phát chẩn” cho người nghèo lúc giáp hạt. Những lúc như vậy, ông bà cho đi theo “phát chẩn”. Tôi may mắn sinh ra và lớn lên trong gia đình trọng tri thức, cần cù, sống vì mọi người, làm việc thiện, lấy tình thương, hiếu thảo đặt lên đầu. Ông nội và ông ngoại của Anna, bên Sông Thương, Sông Cầu, là chiến tuyến bảo vệ non sông gấm vóc Đại Việt từ thời các thế lực phong kiến phương Bắc nhòm ngó trời Nam. Họ là đôi bạn tâm giao, thân thiết, sẻ chia, thân thương cùng câu quan họ.
Bà Anna kể tiếp:
- Tôi có duyên với nhà chùa, tôn thờ triết lý “CHO mà không nghĩ đến NHẬN”. Trong túi nhiều khi chỉ có dăm bảy đồng dành dụm nhưng bất chợt gặp ai đang gặp khó, tôi đưa hết cho họ, dù chẳng biết họ là ai, từ đâu tới. Cha là Nho học, thích Đức Khổng Tử. Đồng tiền dành dụm được bằng sức lao động của chính mình, đều chăm lo thiện nguyện, chăm sóc trẻ mồ côi không nơi nương tựa, đến vùng sâu, vùng xa trao tặng học bổng, trẻ em nghèo hiếu học; làm đường, bắc cầu qua sông, suối cho bà con qua lại, trẻ nhỏ thuận tiện đến trường.
Từ năm 2000 - năm Canh Thìn đến nay, nhiều lần bà Anna về chùa ở Đức Trọng cùng các phật tử làm từ thiện, đặc biệt là chăm sóc các trẻ mồ côi được sư chùa nơi đây nuôi dưỡng. Từ Lâm Đồng, bà Anna còn tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện ở tỉnh Đồng Nai, các địa phương Tây Nam Bộ.
Tháng 12/2023, tuổi cao sức yếu bà Anna bị vấp té, chân đau, bác sỹ bó nẹp cố định xương, yêu cầu không di chuyển. Bà Anna nhắn tin cho bạn: “Chân chạy mà nay phải nằm yên tù túng. Năm nào cũng đóng vai ông già Noel đi phát quà cho các cháu. Hy vọng mọi việc lại vẫn tiếp tục”. Bà Anna vui chuyện:
- Lễ, tết, mùa Noel... nhà tôi có nhiều cô bác, các em nhỏ vẫn vào ra. Họ đến với Anna bằng tấm lòng, tình thương mến, đến thăm để biết bà có khỏe không, tặng bà nải chuối tự trồng, bó rau rừng tự hái, uống ly nước mát, ăn nửa củ mì, củ khoai rồi tạm biệt. Họ đến khi khó khăn và cả lúc có niềm vui nho nhỏ. Anna không giàu có, có lúc cạn tiền, cạn gạo nhưng chút tâm tình, tấm lòng thơm thảo, quý nhau vô bờ bến. Nghĩa tình, như bông hoa đẹp giữa đời thường là vậy.
***
Tại Trung tâm Phát triển Giáo dục và Truyền thông (CEDC), Nguyễn Vũ Tôn Phúc làm Giám đốc Ban Nghiệp vụ Truyền thông. Nguyễn Vũ Tôn Phúc cùng cộng sự chăm lo hoạt động xã hội. CEDC lập quỹ Học bổng Trần Chút (Nhà giáo Ưu tú Trần Chút), tặng cặp, sách vở và học bổng cho hàng trăm học trò nghèo hiếu học ở vùng sâu, vùng xa. Nguyễn Vũ Tôn Phúc, con trai út của bà Anna Nguyễn Thị Chung, trong một chuyến đi hoạt động thiện nguyện không may bị đuối nước và qua đời, để lại người vợ trẻ, hai con nhỏ. Sau tai nạn của con trai, bà mẹ Anna bị hụt hẫng, nhưng bằng bản lĩnh và sự kiên cường bà đã đứng dậy, tham gia nhiều hoạt động xã hội của CEDC, phần việc con trai Nguyễn Vũ Tôn Phúc, Nhà giáo Ưu tú Trần Chút đang thực hiện dang dở.
Xuân Giáp Thìn, 2024
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin