Tạm gác thời gian sum vầy cùng gia đình vào thời khắc cuối cùng của năm cũ và khởi đầu của năm mới, bóng dáng những người công nhân Đội vệ sinh môi trường huyện Lâm Hà vẫn luôn cần mẫn, căng mình làm việc để những tuyến đường được sạch sẽ, tinh tươm, đặc biệt là những ngày cận kề Tết.
19 năm làm nghề là ngần ấy thời gian chị Thuần chưa lần nào đón giao thừa trọn vẹn cùng gia đình |
Suốt hành trình hơn 20 năm gắn bó với nghề thu gom rác thải, trên khắp mọi ngả đường, ngõ thôn của xã Tân Hà đều in dấu chân thầm lặng của ông Nguyễn Hữu Bình (62 tuổi) - công nhân Đội vệ sinh môi trường huyện Lâm Hà. Trong ánh mắt và những chia sẻ, ông Bình luôn rạng rỡ và đầy hãnh diện bởi công việc của mình không chỉ góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường cho địa phương mà qua đó còn giúp ông có thu nhập ổn định để lo cho gia đình, nuôi các con ăn học trong nhiều năm qua.
Ông Bình là người có tuổi nghề lớn nhất trong số các đồng nghiệp nên mọi khó khăn, vất vả và những câu chuyện trong nghề đều được ông ghi nhớ trong từng lời nói, hành động. “Đối với bản thân tôi hay bất kỳ những người làm cùng, nghề công nhân vệ sinh môi trường là một công việc rất cao quý, đòi hỏi sự hy sinh, âm thầm cống hiến, giúp người dân có môi trường xanh, sạch, trong lành để làm việc, sinh hoạt. Mỗi người công nhân như chúng tôi gắn bó với nghề đều đến từ lòng yêu nghề chứ không chỉ vì thu nhập” - ông Bình tâm sự.
Dưới ánh sáng của đèn cao áp, chị Lê Thị Thuần - Công nhân Đội vệ sinh môi trường đang hối hả quét sạch sẽ trên những tuyến đường quen thuộc. Được phân công và giao nhiệm vụ dọn dẹp, thu gom rác thải tại thị trấn Đinh Văn, chị Thuần trải lòng: “Nghề công nhân môi trường nhìn vào thấy đơn giản nhưng ẩn trong đó là sự nhọc nhằn với trăm nỗi khó khăn. Công việc của tôi bắt đầu từ 5 giờ chiều và thường kết thúc lúc 10 giờ đêm và bắt đầu vào 4 giờ sáng của ngày hôm sau. Giờ mọi người đi ngủ thì chúng tôi phải thức để làm sạch những con đường”.
Ngược dòng ký ức, chị Thuần kể cho chúng tôi nghe về những câu chuyện “dở khóc, dở cười” lúc mới bước chân vào nghề. Đặc biệt, khi được hỏi “làm việc trong đêm giao thừa thường kết thúc vào lúc mấy giờ?”, chị Thuần cười rồi bảo rằng, 19 năm gắn bó với nghề này là chừng ấy thời gian tôi đón giao thừa không trọn vẹn với gia đình. Bởi không thể xác định được thời gian, chỉ biết khi nào hết rác thì mới hết việc, hết giờ. Rác được quét gom, tập trung tại điểm tập kết, xe vận chuyển rác đến thu gom thì công nhân quét rác mới hoàn thành nhiệm vụ.
“Bởi, đặc thù công việc của mình là phải luôn túc trực ngoài đường để đảm bảo vệ sinh đường sá. Những ngày cuối năm, lượng rác tăng nhiều hơn, tôi cùng đồng nghiệp thường phải làm việc không có ngày nghỉ, liên tục từ 28 đến 30 Tết, thậm chí còn phải làm đến sáng Mồng 1” - chị Thuần cho hay.
Hay với chị Huỳnh Thị Mai có gần 8 năm trong nghề, chị cũng đã phần nào thấu hiểu được những nỗi lo, khó khăn, vất vả và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm của nghề thu gom rác thải. Theo chị Mai, khoảng vài năm gần đây, rác thải nhiều nên những ngày Tết chị vẫn phải đi làm, không được ăn Tết trọn vẹn với gia đình. “Lúc nào cũng dặn bản thân phải cố gắng, chứ những ngày như thế, ai không muốn ngủ trong chăn ấm, đón Tết cùng gia đình mình. Thế nhưng mỗi khi quét dọn xong 1 tuyến đường, nhìn đường sạch sẽ, không còn rác cũng phần nào động viên và khiến bản thân thấy vui thêm vì góp phần làm những tuyến đường mình phụ trách thêm xanh, sạch” - chị Mai chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Đội trưởng Đội Quản lý công trình công cộng thuộc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và Công trình công cộng huyện Lâm Hà cho biết: Trong các dịp lễ, tết, lượng rác thải tăng nên Đội huy động 100% nhân lực, tăng ca, tăng giờ, dùng toàn bộ xe chở rác tham gia dọn vệ sinh trên tất cả các tuyến đường, điểm tập kết rác trên địa bàn. Đội thành lập các tổ tập trung xử lý rác thải ở các khu vực có lượng rác phát sinh lớn như các chợ, điểm buôn bán hàng hóa phục vụ Nhân dân. Tại khu dân cư đông đúc, lượng rác sẽ dồn ứ và tăng nhanh, Đội phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ, đảm bảo thu gom kịp thời, tránh tồn đọng, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng cảnh quan đô thị.
Theo ông Tuấn, công nhân vệ sinh nhiều năm liền phải ăn Tết sau mọi người vì lượng rác cuối năm tăng cao nên công ty phải dồn lực phục vụ để đảm bảo trên từng tuyến đường phải luôn sạch sẽ để người dân đón Tết, vui xuân. Thấu hiểu được nỗi vất vả, hy sinh của các công nhân, những năm qua, Đội cũng như Ban, luôn đảm bảo chế độ lương, thưởng, thăm hỏi và chia sẻ tâm tư cùng công nhân. Đây cũng là một cách để công nhân ấm lòng, an tâm làm việc.
Giữa dòng người ngược xuôi, khi Tết đến xuân về, những công nhân vệ sinh môi trường đang giữ niềm vui trọn vẹn là âm thầm lặng lẽ, ngày đêm “bám đường” để góp phần “làm đẹp cho đời”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin