BÁO XUÂN GIÁP THÌN 2024:
Vườn ở khắp nơi

HỒNG THẮM 01:33, 14/02/2024

Bằng tình yêu với cây rừng và cả một niềm tin sẽ gieo được những hạt mầm hi vọng từ việc trồng cây, chị đã trở thành cầu nối trồng hàng chục ngàn cây xanh vào vườn của người lạ, ở khắp mọi nơi.

Chị Linh cùng đi thăm những cây phượng tím được trồng 
tại vườn của anh Trần Hữu Tuấn (Phường 4, TP Đà Lạt)
Chị Linh cùng đi thăm những cây phượng tím được trồng tại vườn của anh Trần Hữu Tuấn (Phường 4, TP Đà Lạt)

Ở quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới Bhutan, quốc vương và hàng trăm nghìn người dân tổ chức lễ trồng cây nhân dịp hoàng tử bé chào đời. Hoàng gia đã xem đây là cách để cầu chúc những điều tốt lành cho hoàng tử với mong muốn hoàng tử sẽ lớn lên mạnh khỏe và vững vàng như cây xanh. Câu chuyện về 108.000 cây xanh của Khu vườn Hạnh phúc đã truyền cảm hứng để chị Phan Diệu Linh (Phường 5, TP Đà Lạt) trồng một khu vườn ở khắp mọi nơi, bất kể là vườn nhà người quen hay lạ.

Chị Phan Diệu Linh
Chị Phan Diệu Linh
• VƯỢT QUA KHUÔN MẪU

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất thơ mộng D’ran (huyện Đơn Dương), chị Phan Diệu Linh được thừa hưởng một tình yêu và trân quý với từng loại cây cối trên rừng từ cha mình - một thầy thuốc đông y. Ước mơ sở hữu cho mình một vườn cây cũng được hun đúc từ đó. Thế nhưng, sống nơi thành phố chật chội và đắt đỏ, không dễ gì để chị hiện thực hóa điều đó. Dù đã chuẩn bị rất nhiều loại cây giống khác nhau nhưng khi không thể có được mảnh đất của riêng mình, chị Linh đã nảy ra ý định tặng lại cây giống cho bạn bè.

Điều khiến chị Linh hết sức bất ngờ là mọi người lại vô cùng thích thú và đăng ký nhận cây, vượt xa số lượng cây giống sẵn có. Có người còn ở xa vài chục km sẵn sàng vượt khoảng cách và thời tiết mưa gió để đến nhận cây. “Mỗi cây giống không đắt, chỉ khoảng 10.000 - 20.000 đồng thôi nhưng khi thấy chúng được nâng niu, chăm sóc và phát triển một cách khỏe mạnh, mình thấy rất hạnh phúc”, chị Linh chia sẻ.

Khi làm dự án, chị Linh phát hiện có rất nhiều người giống mình trước đó, muốn trồng cây nhưng không có nhiều điều kiện để trồng. Và rồi qua đó, chị đã giúp mọi người hiểu được giá trị lớn nhất của dự án là không nhất thiết phải có đất, bạn vẫn có thể trồng cây một cách chủ động hoặc chia sẻ cây giống đến những người trồng cây tự do ở khắp nơi, gỡ bỏ những khuôn mẫu, giới hạn của việc sở hữu cây vườn. 

“Nếu không thể trực tiếp trồng trên đất nhà mình thì có thể trồng “nhờ” trên đất của mọi người. Mình cũng không cần tốn công chăm sóc, không cần có kinh nghiệm hay kiến thức trồng cây… Chỉ cần được biết cây của mình đang được trồng ở một nơi nào đó, đang sống và vươn lên thì đó đã là đủ đầy lắm rồi”, chị Linh nói.

Chị Linh cứ thế cần mẫn nhận thông tin, ghi chép lại cẩn thận, liên hệ với vườn ươm để mua cây theo đúng số lượng người gửi yêu cầu. Rồi sau đó lại đăng lên facebook để tìm các cá nhân muốn nhận cây. Ban đầu là vài chục cây mỗi tuần, đến giờ là vài trăm, thậm chí cả 1.000 - 2.000 cây mỗi tháng.

Dù hầu hết mọi kết nối giữa chị Linh và người tặng cây, người trồng cây đều thông qua kênh facebook, nhưng mỗi ngày, nhận từng tin nhắn gửi về, chị Linh cảm nhận được giá trị thật và ý nghĩa từ việc làm của mình. Dù không có bất kỳ yêu cầu nào đối với những người đã nhận cây nhưng hầu hết mọi người sẽ liên tục cập nhật trạng thái của cây, khoe rằng cây này đã đơm bông, cây kia đã kết trái.

Nhiều người bạn của chị, ban đầu là người nhận cây để trồng, sau đó trở về liên kết bạn bè để ươm cây, mua cây và tặng lại những người khác. Mỗi người có một “khu vườn” như thế, sẽ có rất nhiều cây xanh được trồng xuống và vô số “mầm xanh” mọc lên. 

“Mỗi cây con là một lời cầu nguyện và chúc phúc từ người trồng với mong muốn con được lớn lên khỏe mạnh, thông tuệ và giàu lòng bác ái” - nhiều người đã tìm đến và gửi tặng cây tại vườn của chị nhân dịp con mình chào đời, vào các ngày kỷ niệm sinh nhật con hay đơn giản như một dịp gì đó mang dấu ấn đặc biệt trong đời.

Cứ thế, “Vườn ở khắp nơi” đã thực sự được ở khắp nơi.

“Khu rừng Phan Diệu Linh”

Đó là khu rừng mà anh Trang Sử (huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) đặt tên cho khu rừng trồng các loại cây xanh như muồng, sưa, gõ… được gieo hạt từ hạt giống mà chị Phan Diệu Linh gom góp gửi sang từ Lâm Đồng.

Anh Sử vốn là người yêu thích trồng rừng và cũng trăn trở trước cảnh tượng hàng loạt cánh rừng ở nơi mình sinh sống lần lượt "chảy máu". Thông qua facebook, anh Sử biết đến chị Linh và kết nối. Anh cảm thấy được ủng hộ vì ở đâu đó có một người có cùng những mối bận lòng và tình yêu với thiên nhiên. Hàng trăm cây xanh được anh cùng các con và bạn bè trồng xuống và ở khu rừng đó được cắm một chiếc biển với dòng chữ “D.Linh’s Forest”.

Nông dân Lạc Dương nhận cây trồng 
từ dự án TreeBank. 
Ảnh: Vũ Ngọc Dũng
Nông dân Lạc Dương nhận cây trồng từ dự án TreeBank. Ảnh: Vũ Ngọc Dũng

NGÂN HÀNG CÂY XANH

Tại thời điểm bắt đầu dự án, chị Linh nói rằng mình chỉ xuất phát từ nhu cầu cá nhân và thấy bản thân mình vui khi làm được điều gì đó. Giờ nghĩ lại, có lẽ có một tình yêu vô hình nào đó đã giúp chị đi được con đường dài hơn, làm được nhiều việc hơn. 

“Mình cũng không phải gánh vác sứ mệnh phủ xanh đất trống đồi trọc gì lớn lao nên cứ làm và làm vậy thôi, không đặt mục tiêu phải trồng được bao nhiêu cây mỗi tháng. Miễn sao mình cứ làm từng chút, từng chút, lan tỏa những năng lượng tích cực và giá trị cho mọi người. Đó là lý do mình tự tin có thể trồng cây suốt đời”, chị Linh bộc bạch.

Nhiều đơn vị, công ty khi biết đến dự án đã muốn hỗ trợ hàng chục triệu đồng nhưng chị không nhận, bởi chị thấy rằng việc đó quá sức với mình. Chị bảo rằng, mình chỉ muốn là người kết nối, làm những việc trong khả năng và đem lại niềm vui, không áp lực. Đến nay, dự án không phát sinh chi phí gì ngoài cây giống và vận chuyển. Có lẽ vì thế mà tỉ lệ cây trồng thành công rất cao, có thể lên đến 80 - 90%. 

Đầu năm 2022, phát triển từ sáng kiến “Vườn ở khắp nơi” của Phan Diệu Linh, Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức lễ ra mắt dự án TreeBank tại TP Hồ Chí Minh, với sự hỗ trợ của Quỹ Sáng kiến Cộng đồng Canada (CFLI), thuộc Đại sứ quán Canada tại Việt Nam. Và, một “Ngân hàng cây xanh” được ra đời từ đó, với mục tiêu góp phần phục hồi đất rừng ở Việt Nam, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động xã hội nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. TreeBank dần phát triển với mô hình có phạm vi toàn quốc, trở thành một nhịp cầu tạo giá trị chung giải quyết các tình trạng trên, góp phần cải thiện môi trường và tạo sinh kế bền vững.

Trong năm đó, hơn 11.000 cây xanh được điều phối trồng tại Lâm Đồng và một số tỉnh lân cận. Chỉ trong vòng 1 tuần, toàn bộ đã được các vườn đăng ký nhận. Cả dự án gần như không phát sinh thêm chi phí, ngoại trừ tiền mua cây và vận chuyển. Mỗi cây trồng xuống đều có chủ, được chăm sóc tỉ mỉ và nâng niu như chính cách mà chị Linh và những người làm dự án hy vọng.

Giờ đây, chị Linh có thể tự hào vì mình đang có rất nhiều vườn cây và hạnh phúc bởi sự “giàu có” ấy. Mỗi khi đi ngang những con đường được trồng cây từ dự án tâm huyết của mình, nhìn những chùm hoa nở dù mới lưa thưa, những cánh hoa bé li ti rung rinh trước nắng gió mà chị Linh hạnh phúc với những gì mình đã và đang làm.