Sau 3 năm (2021-2023) thực hiện Bộ tiêu chí Điểm giao dịch xã kiểu mẫu (ĐGDXKM), Lâm Đồng có 43/142 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh được công nhận. Đây là các xã đã đạt 21/21 tiêu chí trong Bộ tiêu chí ĐGDXKM trong 2 tháng liền kề trước khi đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh công nhận; đồng thời, trong năm đề nghị không phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo về hoạt động tín dụng chính sách (TDCS) trên địa bàn.
Ông Nguyễn Hữu Quang - Phó Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng trao Quyết định công nhận ĐGDXKM tại xã Xuân Thọ |
21 tiêu chí là cơ sở để công nhận ĐGDXKM gồm có các tiêu chí định tính và định lượng. Trong đó, ngoài hình thức đảm bảo tính công khai, minh bạch về mọi yếu tố tại điểm giao dịch; thì nhiều tiêu chí định lượng được đưa vào cụ thể, như: 100% tổ Tiết kiệm và Vay vốn (Tổ TK&VV) tham gia giao dịch và trên 90% tổ được xếp loại tốt, có tỷ lệ giải ngân từ 95% trở lên, thu gốc từ 90%, thu lãi từ 99%, thu gốc đến hạn từ 95%...
Việc triển khai thực hiện mô hình ĐGDXKM, nhằm: Nâng cao trách nhiệm, kỹ năng giao tiếp, tác phong làm việc, tinh thần, ý thức phục vụ, kỹ năng thao tác, vận hành để tăng năng suất lao động của đội ngũ cán bộ NHCSXH tham gia giao dịch tại xã; phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ hội đoàn thể, Tổ trưởng Tổ TK&VV trong hoạt động triển khai TDCS, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng ủy thác, chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV, chất lượng và hiệu quả hoạt động tại ĐGDXKM; Tăng cường công tác tuyên truyền để đẩy mạnh huy động tiền gửi hộ vay, tiền gửi tiết kiệm tại ĐGDXKM; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giao dịch tại ĐGDXKM nhằm phục vụ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn được tốt hơn.
Trước ngày giao dịch xã, lãnh đạo phân công cán bộ Tổ giao dịch thông qua sổ phân công giao dịch xã (GDX); xây dựng phương án bảo vệ cho Tổ giao dịch. Tổ GDX có mặt tại trụ sở cơ quan trước giờ làm việc 10 phút để thực hiện khâu chuẩn bị trước khi đi giao dịch; xuất phát đến điểm giao dịch trước 15 phút để thực hiện khâu chuẩn bị cơ sở làm việc. Trước phiên giao dịch, Tổ trưởng tổ GDX thực hiện rà soát bảng biểu công khai, hộp thư góp ý trước phiên giao dịch bằng hình thức liên lạc phối hợp với các hội đoàn thể cấp xã để nắm tình hình chất lượng của bảng biểu và hòm thư góp ý để có phương án bổ sung khi đến phiên giao dịch xã cố định; đến phiên GDX khi tới trụ sở UBND xã Tổ trưởng tổ GDX thực hiện kiểm tra bảng biểu, mở khóa hộp thư góp ý trước khi tiến hành vào giao dịch.
Sau phiên giao dịch, Tổ giao dịch gửi báo cáo kết quả phiên giao dịch xã cho lãnh đạo UBND, các hội nhận ủy thác về tình hình thực hiện trong đó đưa ra những tồn tại, thiếu sót để UBND, hội chỉ đạo kịp thời và phối hợp với NHCSXH khắc phục những sai sót trong những tháng tiếp theo. Hằng tháng tổ chức họp giao ban triển khai công tác TDCS tại địa phương cùng với đại diện UBND xã, hội đoàn thể cấp xã và các Tổ TK&VV để có kế hoạch chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề tồn tại ở địa phương nhằm đưa chất lượng tín dụng chính sách đạt kết quả cao nhất.
Vai trò của đội ngũ cán bộ hội đoàn thể, Tổ trưởng Tổ TK&VV được nâng cao, chất lượng và hiệu quả hơn; việc giám sát phiên giao dịch của các hội đoàn thể cấp xã đã đi vào nền nếp, thực hiện xuyên suốt buổi giao dịch; hội đoàn thể nhận ủy thác và Tổ TK&VV có mặt tại ĐGDXKM trước 8h00 để thực hiện sắp xếp bàn ghế và đặt bảng tên hội theo từng khu vực, dãy bàn để thuận tiện trong việc giám sát của hội và giao dịch của Tổ TK&VV. Hội đoàn thể hướng dẫn Tổ trưởng Tổ TK&VV và tổ viên đến giao dịch với Ngân hàng giữ trật tự, tuân thủ nội quy giao dịch.
Chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV cũng được nâng lên rõ rệt, từ chỗ đi giao dịch không đúng giờ, ghi chép cập nhật số tiền trên mẫu 13/TD có nhiều sai sót, tổ viên tham gia tiền gửi không đều, lãi tồn đọng…; nay đã đi vào nền nếp, hạn chế sai sót, tổ xếp loại Tốt hàng tháng đạt tỷ lệ 100%.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Thu - Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng: Việc triển khai thực hiện ĐGDXKM, giúp các hoạt động tại điểm giao dịch từ chỗ chưa chuyên nghiệp tiến đến chuyên nghiệp, thời gian giao dịch được rút ngắn và giảm đáng kể. UBND xã, phường quan tâm hơn đến công tác TDCS tại địa phương, như: bố trí hội trường, tham gia họp giao ban với Ngân hàng để nắm bắt tình hình thực tế của của địa phương về chất lượng TDCS để kịp thời chỉ đạo và giải quyết các tồn tại vướng mắc không còn tình trạng nợ lãi tồn đọng nhiều tháng, nợ quá hạn… góp phần nâng cao chất lượng nguồn tín dụng ưu đãi…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin