Hơn 20 năm qua, tại ngôi chùa nhỏ Huệ Quang (Tổ 3, thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng) đã có hơn 100 em nhỏ có hoàn cảnh không may lần lượt được Sư cô Thích nữ Minh Tài - trụ trì nhà chùa giang rộng vòng tay cưu mang, nuôi nấng.
Sư cô Thích nữ Minh Tài cùng các con hành thiền |
Mở đầu câu chuyện giữa chúng tôi, Sư cô Thích nữ Minh Tài trải lòng: “Những việc tôi làm cũng bình thường thôi mà, có gì đáng nói đâu. Bản thân tôi, ngay từ nhỏ, đã luôn tâm niệm phải làm gì đó giúp đỡ cộng đồng. Rồi nhân duyên của tôi và những đứa trẻ không may mắn cũng bắt đầu từ cách đây hơn 20 năm trước. Đó là một buổi chiều, tôi nhìn thấy trong túi xách đặt trước cổng chùa Sư nữ Đà Lạt có 1 bé gái sơ sinh chỉ được vài ngày tuổi. Lúc đó, tôi đã đưa đứa trẻ vào chùa, rồi báo lên chính quyền địa phương để hướng dẫn làm thủ tục khai sinh, nhận bé làm con. Những tháng ngày sau đó, tôi vừa học năm 3, lớp Trung cấp Phật học, vừa chăm bé, vất vả không kể sao cho xiết, nhưng rồi, cùng với tình thương và trách nhiệm, mọi chuyện cũng qua”.
Đứa bé mà Sư cô Minh Tài nhặt được trước cổng chùa năm nào, giờ đây đã là thiếu nữ tuổi đôi mươi, đang vừa học vừa làm, rảnh rỗi lại tranh thủ về chùa thăm sư phụ, ăn với sư phụ bữa cơm. Và, sau lần đó, từ năm 2004, khi về trụ trì chùa Huệ Quang cho đến nay, với tấm lòng nhân hậu của mình, cổng chùa Huệ Quang luôn rộng mở, lần lượt đón nhận hơn 100 đứa trẻ bị bỏ rơi, không may trong cuộc sống. Các em đến với chùa, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau: Có em thì bố mẹ bỏ nhau, rồi cả 2 đều đi lấy chồng, vợ mới, không ai nuôi dưỡng đứa con chung. Rồi cũng có những người phụ nữ mang thai sắp sinh nở với ý định đòi tự tử vì nhiều lý do để giải thoát, được Phật tử đưa đến chùa Huệ Quang nhờ cứu giúp, rồi sau khi được Sư cô Thích nữ Minh Tài giúp đỡ, tất cả đều mẹ tròn con vuông, xin tá túc tại chùa 1 đến 2 năm; có em thì được bố (mẹ) gửi tạm chùa Huệ Quang vài ngày rồi biền biệt nhiều năm “quên” quay lại đón... Đó còn là trường hợp của V.K bị bỏ trong rẫy cà phê khi mới 7 tháng tuổi, được người dân đem tới gửi chùa, hay đó là trường hợp của T.P bỏ rơi trước cổng chùa khi mới 3 - 4 tháng tuổi... Không thể nào đong đếm được những vất vả, khó khăn mà Sư cô Thích nữ Minh Tài đã trải qua trong những ngày “làm mẹ” của các con, phải lo từng cái ăn, cái mặc, những lúc các con đau, ốm... Nhưng vượt lên tất cả, bằng tình thương yêu của mình, Sư cô Minh Tài luôn muốn lo cho các con một cách chu toàn nhất có thể. Tất cả các con khi được nhận vào chùa đều được Sư cô Minh Tài làm giấy khai sinh, rồi cho đi học. “Trong số các con được nhận vào chùa, có em đã học lên, có em đang đi làm và hiện chùa đang nuôi dưỡng 6 em nhỏ đang học các lớp mầm, chồi, lá, cấp 1, cấp 3 trên địa bàn. Từ năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, chùa đóng cửa, không tiếp nhận các em nữa, nhưng giờ, có hoàn cảnh nào tìm tới, trong khả năng của mình, chùa vẫn tiếp nhận, vì trước những hoàn cảnh đó, chùa không nỡ...” - Sư cô Minh Tài bộc bạch.
Để có nguồn thu nhập trang trải bữa ăn hàng ngày, rồi đóng tiền học cho các con, hơn 10 năm qua, Sư cô Thích nữ Minh Tài có thuê vài sào đất của người dân xung quanh để trồng thêm rau, củ, vừa để tự túc bữa ăn hàng ngày, vừa bán để có thêm đồng ra đồng vào; ngoài ra, Sư cô Minh Tài còn làm mứt gừng, khoai lang sấy, rau sạch không bán kịp cũng được sư cô sấy để bán lấy tiền cho các con ăn, học. Tuy nhiên, khi tuổi ngày một cao, nên nỗi lo làm sao có đủ sức khỏe, thu nhập để nuôi các con ăn học tới nơi tới chốn, thành người có ích cho xã hội, cũng là một điều canh cánh bên lòng của sư cô những năm qua.
Không chỉ dành tình thương cho các con, Sư cô Minh Tài còn thường xuyên làm từ thiện, kết nối các mạnh thường quân đến với những hoàn cảnh khó khăn tại những vùng sâu, vùng xa của huyện Đức Trọng nói riêng và một số địa bàn khó khăn của tỉnh Lâm Đồng. Ngay tại chùa Huệ Quang - nơi Sư cô Thích nữ Minh Tài trụ trì, từ năm 2021, sư cô cũng lập nên một shop không đồng, với thông điệp “Dư mang đến, thiếu thì lấy”, ở đó, sư cô đặt quần áo cũ vẫn còn mặc được và cả nông sản mà bà con trong vùng không dùng tới, để những ai cần có thể đến lấy mang về dùng.
Trong câu chuyện giữa chúng tôi, Sư cô Minh Tài bộc bạch, trong luận văn tốt nghiệp đại học của mình, sư cô đã chọn đề tài về môi trường. Và, trong quá trình nghiên cứu, tìm tòi để làm đề tài, sư cô nhận ra rằng, muốn bảo vệ môi trường thì phải hành động ngay, chứ không phải chỉ dừng ở lời nói. “Ngọn đồi thuộc sở hữu của chùa Huệ Quang rộng 20 ha nhưng hơn một nửa đã thành đồi trọc và bị lấn chiếm. Từ năm 2012, thầy trò nhà chùa đã dành tâm huyết mang từng cây thông con lên đỉnh ngọn đồi trồng hơn 10 ha nhưng cứ bị chặt phá nên gần 8 năm mà cũng chưa phục hồi hết số đất trọc. Và, khi các bạn trẻ với dự án Xanh lại Đà Lạt ơi khởi xướng vào năm 2020, chúng tôi đã hoan hỷ kết nối đồng hành, trồng dặm lại những phần đất bị chặt phá và chăm sóc. Và, hiện, mong muốn lớn nhất của tôi bây giờ là những cánh rừng bị lấn chiếm sớm được trả lại để ni chúng tại chùa tiếp tục được phủ xanh những cánh rừng, trả lại màu xanh cho mẹ thiên nhiên” - Sư cô Minh Tài cho hay.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin