Thực hiện thỏa thuận liên ngành giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam về việc thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn, Agribank Chi nhánh Bảo Lâm đã chủ động phối hợp với Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bảo Lâm triển khai có hiệu quả hệ thống Tổ vay vốn nhằm tạo kênh dẫn vốn giúp người dân tiếp cận nguồn vốn, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống...
Trang trại nuôi dê hiệu quả của hộ Vũ Tường Vy (Tổ 4, thị trấn Lộc Thắng) từ nguồn vốn vay qua Tổ vay vốn của Hội Nông dân Bảo Lâm |
Agribank Chi nhánh Bảo Lâm cũng tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tạo điều kiện cho các hộ gia đình và cá nhân tiếp cận vốn một cách nhanh chóng và hiệu quả; nhất là đối với các hộ gia đình và cá nhân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc cho vay qua tổ, nhóm đã giảm tải khối lượng công việc trong hoạt động tín dụng, tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí và thời gian giao dịch, gắn kết hoạt động ngân hàng với chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn, ổn định lượng khách hàng truyền thống và tạo đà phát triển khách hàng mới sử dụng sản phẩm dịch vụ của Agribank.
Tính đến hết năm 2023, Agribank Chi nhánh Bảo Lâm đã triển khai thực hiện và đạt kết quả cho vay qua Tổ vay vốn liên kết là 28 tổ, với 457 thành viên và dư nợ 89.355 triệu đồng; trong đó, dư nợ do Hội Nông dân huyện quản lý là 25 tổ, với 417 thành viên và dư nợ 79.685 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 89,18% trên tổng dư nợ cho vay thông qua Tổ vay vốn.
Theo ông Lưu Vũ Chủng - Giám đốc Agribank Chi nhánh Bảo Lâm: Ngân hàng tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền địa phương, phối hợp với Hội Nông dân cơ sở tư vấn, hỗ trợ việc thành lập mới và củng cố hoạt động của các Tổ vay vốn để phát triển tập trung khách hàng là hộ gia đình, cá nhân kinh doanh là thành viên của Tổ vay vốn; đồng thời, đẩy mạnh kết nạp thêm thành viên vay vốn thông qua tổ liên kết Hội Nông dân, nhằm khai thác lợi thế để bán chéo sản phẩm và phát triển sản phẩm dịch vụ kèm theo; nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng, cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng đối với hộ gia đình và cá nhân...
Agribank cũng triển khai hoạt động của Tổ vay vốn gắn với mô hình ngân hàng số, đẩy mạnh thu nợ tự động, thu nợ qua ứng dụng Agribank E-Mobile Banking, phát triển dịch vụ thanh toán qua các kênh giao dịch điện tử để đáp ứng việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ đa dạng, đem lại sự trải nghiệm về sử dụng dịch vụ cho khách hàng, tiết kiệm thời gian giao dịch, giảm tải áp lực công việc cho cán bộ tín dụng, nâng cao năng suất lao động.
Bên cạnh đó, Chi nhánh phối hợp với Hội Nông dân huyện hướng dẫn Tổ trưởng Tổ vay vốn về thực hiện quy trình, nghiệp vụ của Ngân hàng trong việc cho vay, cung cấp, các sản phẩm dịch vụ của Agribank; nâng cao năng lực của các tổ trưởng tổ vay vốn, phát huy vai trò tư vấn, hướng dẫn của các tổ trưởng đến các thành viên trong tổ; góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ vay vốn, không chỉ là phát triển hoạt động tín dụng mà còn phát huy vai trò là kênh phân phối sản phẩm dịch vụ hiệu quả của Agribank.
Công tác kiểm tra hoạt động của các Tổ vay vốn và việc thực hiện Hợp đồng dịch vụ mà Tổ vay vốn đã ký với Agribank cũng được Chi nhánh Bảo Lâm thực hiện thường xuyên để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại vi phạm không đúng theo quy định của Agribank; cũng như việc kiểm tra, giám sát và đối chiếu nợ vay đối với Tổ vay vốn; kiểm tra việc chấp hành quy trình nghiệp vụ cho vay nhằm hạn chế rủi ro có thể xảy ra đối với khách hàng... Chi nhánh còn phối hợp với Hội Nông dân huyện nắm bắt thông tin hoạt động của Tổ vay vốn, các phản ảnh kiến nghị từ Tổ vay vốn để có biện pháp giải quyết kịp thời, đảm bảo thực hiện đúng thỏa thuận; đôn đốc các Tổ vay vốn, tổ viên vay vốn thực hiện tốt trách nhiệm của mình...
Các giải pháp phối hợp thực hiện công tác cho vay qua Tổ vay vốn giữa Agribank Chi nhánh Bảo Lâm và Hội Nông dân huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên nông dân được vay vốn và sử dụng các dịch vụ của ngân hàng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tiêu dùng của người dân theo quy định hiện hành; góp phần đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen; hạn chế tình trạng bán non nông sản, hàng hóa ở khu vực nông thôn; ngoài ra, còn giúp các hộ nông dân học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị nông sản, hàng hóa...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin