Lâm Đồng căng mình chống hạn (Bài cuối)

KHÁNH PHÚC - HOÀNG SA 06:56, 25/03/2024

(LĐ online) - Ở Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng hầu như năm nào cũng bị hạn hán đe dọa. Trong đó, tần suất xuất hiện những năm hạn nghiêm trọng ở Tây Nguyên vượt 20%, tức khoảng 5 năm lại có 1 năm hạn nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Khí hậu đang có sự biến đổi bất thường, khó dự báo, việc tính đến các giải pháp đồng bộ hơn cho công tác phòng chống thiên tai nói chung, hạn hán nói riêng ở tỉnh Lâm Đồng là đặc biệt cần thiết.

Biến đổi khí hậu khiến tình hình hạn hán trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Lâm Đồng nói riêng ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường
Biến đổi khí hậu khiến tình hình hạn hán trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Lâm Đồng nói riêng ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường

NÂNG CAO NĂNG LỰC DỰ BÁO, CẢNH BÁO

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, tình hình thiên tai tại Lâm Đồng diễn biến ngày càng phức tạp. Để chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời với mọi tình huống và đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho Nhân dân; đồng thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, việc nâng cao chất lượng công tác thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai được các cấp, ngành chức năng đặc biệt quan tâm.

Trong đó, công tác nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thủy văn đóng vai trò quan trọng, bởi đây là cơ sở để đưa ra những thông tin cảnh báo, biện pháp ứng phó với thiên tai của chính quyền, cơ quan chức năng và Nhân dân.

Việc dự báo
Công tác dự báo, cảnh báo chính xác diễn biến của thời tiết sẽ góp phần quan trọng để chủ động triển khai có hiệu quả công tác chống hạn

Ông Trần Xuân Hiền - Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Công tác dự báo tình hình khí tượng, thủy văn chính xác sẽ giúp các cấp chính quyền và người dân có sự chuẩn bị chu đáo các giải pháp ứng phó hiệu quả. Do đó, việc đầu tư hiện đại hóa, tự động hóa hệ thống quan trắc, cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai là rất cần thiết; trong đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa một số hoạt động khí tượng thủy văn; xây dựng hệ thống quan trắc chuyên dùng phòng, chống thiên tai cần được quan tâm thực hiện.

Trong những năm qua, Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các trạm duy tu, bảo dưỡng công trình, cấp mới đầy đủ các loại máy dự phòng, trang thiết bị chuyên môn tiêu chuẩn ngành. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, tần suất cảnh báo, dự báo thiên tai trên toàn địa bàn tỉnh. Trong đó, trọng tâm là dự báo cụ thể hóa các bản tin về tình hình khô hạn, bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, sạt lở đất, dông lốc, sét, mưa đá… phục vụ hoạt động phòng ngừa, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại trên địa bàn tỉnh.

Điều tiết
Công tác phối hợp điều tiết nguồn nước giữa đơn vị quản lý hồ đập và cơ quan khí tượng thủy văn có vai trò quan trọng trong công tác chống hạn của người dân

“Thực tế tại Lâm Đồng, các nhà quản lý các hồ chứa chưa có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan khí tượng thủy văn để chủ động điều tiết mực nước các hồ thủy lợi, thủy điện. Do vậy, vẫn còn xảy ra tình trạng xả lũ đột ngột gây ngập lụt cho hạ lưu, khi thì tích không đủ nước cho mùa khô” – ông Hiền cho hay.

Ngoài ra, đại đa số người dân hiện nay vẫn còn thờ ơ với các bản tin dự báo, hay cảnh báo của các cơ quan khí tượng thủy văn. Đơn cử như trước khi bước vào thời điểm mùa khô năm 2024, đơn vị đã xây dựng các bản tin; đồng thời, phát đi các cảnh báo về nguy cơ thiếu nước do tình trạng hạn hán gây ra. Tuy nhiên, việc tiếp nhận thông tin để chủ động các phương án ứng phó trong sản xuất nông nghiệp của người dân vẫn chưa thực sự triệt để.

ĐỂ CÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI PHÁT HUY HIỆU QUẢ

Ông Hoàng Văn Thanh - Chi cục Trưởng Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng cho biết: Để chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, thiếu nước có thể xảy ra trong mùa khô năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng kế phòng chống hạn hán ngay từ đầu năm. Các khu vực được dự báo có nguy cơ xảy ra hạn hán đều là các khu vực cách xa công trình thủy lợi, sông suối. Đơn vị cũng dự báo có khoảng 1.700 hộ dân tại các huyện Lâm Hà, Lạc Dương, Bảo Lâm, Di Linh, Cát Tiên và Lạc Dương có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt do ảnh hưởng của hạn hán.

Hàng năm, hạn hán ảnh hưởng nghiêm trọng khiến hàng ngàn ha cây trồng của người dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giảm năng suất
Hàng năm, hạn hán ảnh hưởng nghiêm trọng khiến hàng ngàn ha cây trồng của người dân do thiếu nước tưới

Trước nguy cơ xảy ra hạn hán, Chi cục Thủy lợi cũng đã đề ra 2 nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài để chủ động ứng phó. Cụ thể, nhóm giải pháp trước mắt, ngắn hạn sẽ tập trung tuyên truyền đến tổ chức và người dân về tình hình hạn hán, thiếu nước để nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả; huy động người dân tham gia nạo vét ao hồ, giếng và khơi thông kênh mương. Vận hành công trình theo đúng quy trình vận hành được phê duyệt; khi xảy ra hạn hán cần thực hiện các biện pháp ưu tiên cấp nước sinh hoạt, cấp nước cho gia súc và cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao. Trong mọi tình huống không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Cần có những giải pháp đảm bảo nguồn nước bền vững, lâu dài cho người dân vùng xa, vùng cao trong mùa khô tránh tình trạng cứ đến mùa khô lại khát nước như hiện nay
Cần có những giải pháp đảm bảo nguồn nước sinh hoạt bền vững, lâu dài cho người dân vùng xa, vùng cao tránh tình trạng cứ đến mùa khô lại "khát" nước như hiện nay

Tăng cường phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm nước. Đến nay trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 50 nghìn ha đất canh tác áp dụng các hình thức tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. HĐND, UBND tỉnh đã ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển tưới tiên tiến tiết kiệm nước cho 4 loại cây trồng chủ lực của tỉnh là chè, cà phê, dâu tằm và cây ăn quả với mức hỗ trợ tối đa không quá 20 triệu đồng/ha; đồng thời, tỉnh đã ban hành mẫu thiết kế định hình để các tổ chức, cá nhân dễ dàng áp dụng, triển khai trong thực tế sản xuất.

Đối với những khu vực cách xa công trình thủy lợi, khu vực không có công trình thủy lợi, khu vực canh tác dựa vào nước trời, khuyến cáo người dân canh tác một cách chủ động, chuyển đổi lựa chọn những cây trồng chịu hạn, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất.

Phát triển ao hồ nhở đang mang lại hiệu quả rõ nét trong công tác chống hạn tại các địa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Phát triển ao hồ nhỏ đang mang lại hiệu quả rõ nét trong công tác chống hạn tại một số địa phương trong tỉnh

Đầu tư cải tạo, nâng cấp và nạo vét các hồ chứa bị hư hỏng, bồi lấp để đảm bảo an toàn công trình, tăng dung tích trữ nước mùa mưa, phục vụ chống hạn. Xây dựng các kịch bản chống hạn, thường xuyên cập nhật và điều chỉnh để có các giải pháp chống hạn hiệu quả.

Theo ông Hoàng Văn Thanh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 444 công trình thủy lợi, bao gồm 230 hồ chứa, 79 đập dâng, 13 cống dâng, 19 trạm bơm, 91 đập tạm, 12 kênh tiêu cùng với khoảng 1.300 km kênh mương đang chủ động cấp nước tưới cho khoảng 50.000 ha đất sản xuất nông nghiệp.

Công tác duy tu, nâng cấp
Công tác duy tu, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi đóng vai trò then chốt đảm bảo công tác chống hạn trong mùa khô

Để quản lý, khai thác công trình thủy lợi có hiệu quả, các địa phương cần rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức thủy lợi trên cơ sở tự nguyện, hợp tác, tương trợ lẫn nhau; tổ chức thực hiện đặt hàng hoặc đấu thầu nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thủy lợi thay cho cơ chế giao kế hoạch; triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung về an toàn hồ đập theo quy định của Luật Thuỷ lợi; tiếp tục đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình thuỷ lợi bị hư hỏng, xuống cấp theo kế hoạch của UBND tỉnh.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục bố trí kinh phí để tiếp tục đầu tư nâng cấp, sửa chữa công trình thủy lợi bị hư hỏng. Ngoài ra, các địa phương, đơn vị quản lý khai thác vận hành công trình thuỷ lợi cần chủ động bố trí kinh phí để thực hiện đầy đủ 16 nội dung về an toàn đập, hồ chứa; vận hành công trình theo đúng quy trình được phê duyệt.

• NÔNG DÂN CẦN THAY ĐỔI THÓI QUEN CANH TÁC

Ông Trần Văn Tuận - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, nhìn nhận: Hạn hán có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau; trong đó, có nguyên nhân chủ quan là thiếu nguồn nước tưới do chưa có công trình thủy lợi, hoặc có công trình thủy lợi nhưng do quản lý yếu kém, công trình xuống cấp, không có chủ quản lý đích thực; việc phân phối nước chưa hợp lý, sử dụng nước lãng phí, quy hoạch cơ cấu cây trồng chưa phù hợp với khả năng nguồn nước...; nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết biến động, ít mưa, nắng nóng kéo dài, rừng đầu nguồn bị phá hoại...

Biến đổi khí hậu là nguyên nhân khiến hạn hán ngày càng xảy ra nghiêm trọng và gây ra những hậu quả khó lường cần có chiến lược
Biến đổi khí hậu là nguyên nhân khiến hạn hán ngày càng xảy ra nghiêm trọng và gây ra những hậu quả khó lường cần có chiến lược phòng chống lâu dài, hiệu quả

Để giảm bớt tác hại của hạn hán, bà con nông dân cần quan tâm thực hiện các biện pháp chủ yếu như thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong điều kiện nguồn nước thiếu, nhất là những vùng thường hay bị hạn thì không nên trồng lúa nước. Thay vào đó, cần phải chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng cạn như bắp, cây họ đậu... để đảm bảo ổn định sản xuất trong mùa khô.

Đồng thời, để sử dụng nước tưới hiệu quả đối với cây trồng cạn, cần áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước như tưới phun sương, tưới nhỏ giọt...

Tưới tiết kiệm
Tưới tiết kiệm đang là giải pháp mang lại hiệu quả trong công tác chống hạn hiện nay của người dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh

Cụ thể, đối với cây lúa, nước tưới cho cây lúa yêu cầu khối lượng khá lớn, nhưng việc sử dụng nước tưới cho lúa hiện nay còn rất lãng phí. Để tiết kiệm nước tưới cho cây lúa cần áp dụng phương pháp điều tiết nước “ngập khô xen kẽ” theo giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa.

Đối với cây ăn trái, cây công nghiệp dài ngày để tiết kiệm nước tưới cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật như tăng cường bón phân hữu cơ; tưới thấm theo gốc; xới xáo quanh gốc để cắt đứt mao dẫn nhằm hạn chế bốc thoát hơi nước; tủ gốc bằng rơm rạ, cỏ khô; trồng cây che bóng, cây chắn gió...