Nhờ chủ động các nguồn cung cấp nước, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ xây dựng các công trình cấp nước sạch, hàng nghìn hộ dân ở nông thôn trên địa bàn huyện Lâm Hà đã và đang được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Nhiều hộ dân tại xã Liên Hà đã và đang sử dụng nguồn nước sạch từ công trình giếng khoan |
• NƯỚC HỢP VỆ SINH CUNG ỨNG CHO NGƯỜI DÂN
Tại xã Liên Hà, hiện toàn xã có 5 công trình giếng khoan. Đơn cử, công trình giếng khoan thôn Pốt Pe (xã Liên Hà) được đầu tư xây dựng từ năm 2006 từ nguồn vốn Chương trình 134. Tổng vốn đầu tư 80 triệu đồng với hệ thống thiết kế cấp nước cho 50 hộ dân trên địa bàn thôn. Đến năm 2023, công trình được UBND huyện Lâm Hà đầu tư nâng cấp với kinh phí 800 triệu đồng để làm lại bồn nước và hệ thống bơm nước, đường ống dẫn nước và phụ kiện khác, hiện tại công trình đang hoạt động cấp nước ổn định cho 50 hộ dân trên địa bàn. Cùng với đó, UBND xã Liên Hà đã xây dựng phương án quản lý vận hành và bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn theo quy định.
Hay tại thị trấn Đinh Văn, hiện có tổng số hộ 5.516 hộ, 21 tổ dân phố. Công trình nước hợp vệ sinh do Công ty Cấp thoát nước Lâm Đồng đóng trên địa bàn từ năm 2001. Hiện, trên địa bàn thị trấn có 2 công trình giếng khoan do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện hỗ trợ đầu tư xây dựng cho tổ dân phố Ryong Se có đông người dân là đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn sử dụng. Được xây dựng vào năm 2010, tuy nhiên bà con đi lại lấy nước sinh hoạt khó khăn nên đến năm 2014 địa phương đã đề nghị Công ty Cấp thoát nước Lâm Đồng đầu tư nguồn nước máy đến tổ dân phố để phục vụ cho Nhân dân.
Từ khi có nước sinh hoạt sử dụng hằng ngày, các hộ dân thị trấn Đinh Văn không còn cảnh sử dụng nước giếng khoan. Ông Nguyễn Du Hành (tổ dân phố Sơn Kim) phấn khởi cho biết: “Trước đây, do không có công trình cấp nước phục vụ nên gia đình tôi phải dùng nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh. Nhưng khi công trình cấp nước sạch tập trung hoàn thành đưa vào sử dụng, gia đình tôi và bà con trong tổ dân phố thấy an tâm hơn”.
Được Nhà nước đầu tư công trình nước sinh hoạt cho người dân địa phương đã giải quyết vấn đề nước sinh hoạt cho người dân và một số cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn. Trong những năm qua, cấp ủy đảng, UBND và các đoàn thể từ thị trấn đến các tổ dân phố đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân về mục đích, vai trò, ý nghĩa của dự án cấp nước sinh hoạt trên địa bàn. Không những giải quyết các vấn đề về nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư mà còn góp phần cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe của người dân, hạn chế việc người dân mắc các bệnh truyền nhiễm do sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Qua đó giúp thị trấn Đinh Văn hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định của địa phương.
• TIẾP TỤC ĐẦU TƯ, SỬA CHỮA
Hiện nay, trên địa bàn huyện Lâm Hà có tổng số 26 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung, trong đó có 21 công trình giếng khoan, 5 công trình cấp nước tự chảy. Tổng giá trị đầu tư khoảng 24.772 triệu đồng, các công trình được thiết kế để cấp nước sinh hoạt cho khoảng 2.329 hộ dân. Số hộ sử dụng thực tế hiện tại 867 hộ.
Để làm tốt công tác quản lý, huyện Lâm Hà đã giao Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Công trình công cộng huyện quản lý 2 công trình gồm hệ thống nước tự chảy thôn R'Teng (xã Phú Sơn); hệ thống cấp nước tự chảy thôn Hang Hớt (xã Mê Linh) và 24 công trình còn lại do UBND các xã Mê Linh, Phi Tô, Đạ Đờn, Tân Thanh, Phúc Thọ, Liên Hà, Đan Phượng quản lý, vận hành.
Ông Lê Văn Thiêm - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Hà cho biết: Hàng năm, huyện Lâm Hà luôn bố trí nguồn kinh phí từ nguồn sự nghiệp để chủ động đầu tư sửa chữa một số công trình bị hư hỏng nhưng người dân vẫn còn nhu cầu sử dụng. Đồng thời, thường xuyên quan tâm chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành công trình, chính quyền cơ cở tăng cường công tác quản lý công trình, tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức trong việc sử dụng nước tiết kiệm, không xả nước chảy tràn lan và chấp hành việc nộp phí sử dụng nước theo quy định.
Cùng với đó, các đơn vị quản lý đã bố trí nhân viên trực tiếp quản lý vận hành công trình thường xuyên kiểm kê số hộ dùng nước, số lượng đồng hồ còn sử dụng được và không sử dụng được đối với từng công trình nước sinh hoạt để lập phương án thu phí sử dụng nước; kiểm tra tình hình hoạt động của các công trình, kịp thời khắc phục, sửa chữa những hư hỏng...
Tuy nhiên, theo UBND huyện Lâm Hà trong quá trình vận hành các công trình gặp một số khó khăn, vướng mắc như phần lớn hồ sơ của công trình đã bị thất lạc, đơn vị quản lý công trình hiện tại đang khó khăn về xác định giá trị còn lại của công trình để lập hồ sơ thanh lý theo quy định. Bên cạnh đó, các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung trên địa bàn huyện có thời gian khai khác đã lâu (trên 15 năm), nhiều công trình bị hư hỏng ngưng hoạt động và người dân còn nhu cầu sử dụng nguồn nước nhưng địa phương chưa bố trí được kinh phí để sửa chữa, ảnh hưởng đến cuộc sống Nhân dân trên địa bàn.
Để các công trình cấp nước tiếp tục phát huy hiệu quả, thời gian tới, UBND huyện Lâm Hà tiếp tục sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước sinh hoạt; thường xuyên đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng và bảo vệ các công trình cấp nước tập trung.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin