“An cư” thì mới “lạc nghiệp”. Khi đã có một mái ấm khang trang che nắng, che mưa thì người dân mới có thể yên tâm lao động để phát triển cuộc sống bền vững. Tuy nhiên, với những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giấc mơ về một ngôi nhà dường như là mong ước viển vông khi cuộc mưu sinh “cơm ngày ba bữa” còn khó lòng trọn vẹn. Nhận thấy những vấn đề trên, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể xã hội luôn tìm cách hỗ trợ, tạo điều kiện cho Nhân dân cải thiện đời sống, xoá dần những căn nhà tạm bợ.
Vợ chồng anh Gia Thuyết và chị Kon Sane bên căn nhà mới được hỗ trợ xây dựng |
Ghi nhận tại các xã vùng xa thuộc huyện Đức Trọng, chính quyền và người dân địa phương đã thu được những kết quả tốt đẹp về lĩnh vực này trong năm 2023 và đang hướng đến mục tiêu 2024 đạt thành công cao hơn.
Theo ông Nguyễn Văn Dương - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đa Quyn, trong năm 2023, xã đã được phê duyệt xây dựng 8 công trình nhà ở. Tính đến hiện tại, đã có 7 căn được hoàn thiện và chính thức đưa vào sử dụng. Trong đó, mỗi căn nhà được chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ 40 triệu đồng, ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ 40 triệu đồng và trích lập ngân sách xã 6 triệu đồng. Các đối tượng được hỗ trợ là những gia đình thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Theo báo cáo, năm 2023, xã Đa Quyn đạt chỉ tiêu của HĐND huyện giao khi tỷ lệ hộ nghèo ước tính là 82 hộ (giảm 16 hộ so với năm 2022) và tỷ lệ hộ cận nghèo là 150 hộ (giảm 30 hộ so với năm 2022). Về định hướng kế hoạch cho năm 2024, ông Dương nhấn mạnh: “Địa phương luôn cố gắng lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Nhà nước để có thể hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo của xã có thể thoát nghèo bền vững. Hiện nay, xã đang nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (hộ nghèo và hộ cận nghèo); nhiệm vụ đề ra là 12,12%; trong đó hộ nghèo đa chiều người dân tộc thiểu số chiếm 13,94%...”.
Vừa nhận căn nhà mới từ ngày 2/3/2024, vợ chồng anh Gia Thuyết (dân tộc Churu) và chị Kon Sane (dân tộc K’Ho) bày tỏ niềm hạnh phúc: “Hai vợ chồng tôi là lao động chính trong gia đình có 7 nhân khẩu. Tuy nhiên, công việc làm công không ổn định, chỉ làm theo thời vụ với thu nhập trung bình 250 ngàn đồng/ngày. Chúng tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến một ngày nào đó, gia đình có thể được sống trong một ngôi nhà kiên cố khang trang như bây giờ. Trước đây, gia đình 7 người chúng tôi cùng chung sống trong một gian nhà tạm ẩm thấp. Nay, được chính quyền hỗ trợ chi phí vật tư, cùng với sự góp sức của người nhà đã xây dựng được căn nhà mới trên nền căn nhà ván cũ. Từ nay, các con tôi đã được sinh sống và học tập trong một không gian an toàn, ấm áp hơn. Gia đình cũng có thể yên tâm để làm việc, cố gắng trang trải cuộc sống”.
Cùng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, xã Tà Năng cũng đã được ghi nhận những kết quả tích cực về lĩnh vực giảm nghèo và xóa nhà tạm. Theo ông K’Tem - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tà Năng, từ năm 2021 đến nay, xã đã hỗ trợ xây dựng được 23 căn nhà. Trong quá trình hỗ trợ người dân khó khăn trên địa bàn, xã cũng đã huy động được các nhà hảo tâm giúp kinh phí xây dựng được 2 căn nhà tình thương. Ông K’Tem chia sẻ: “Hiện nay, xã Tà Năng còn 36 hộ nghèo trên tổng số 1.603 hộ. Trong đó, hơn 72% nhân khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số chọn canh tác nông nghiệp làm nghề mưu sinh, thu nhập không ổn định, dẫn đến cuộc sống vô cùng khó khăn. Trách nhiệm của địa phương là hỗ trợ người dân cải thiện đời sống, không chỉ là những đóng góp vật chất mà còn là những trợ giúp về sinh kế, truyền dạy những kinh nghiệm làm ăn để có thể thoát nghèo bền vững”. Về định hướng trong năm 2024, xã Tà Năng đẩy mạnh chỉ tiêu xoá đói giảm nghèo. Mục tiêu là giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2,25%; hộ cận nghèo dưới 3,06% theo chuẩn nghèo hiện hành; hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn đa chiều từ dưới 5,3%.
Với đặc thù hơn 81% nhân khẩu là người đồng bào dân tộc thiểu số (814 hộ/1.069 hộ), cấp ủy Đảng và chính quyền xã Tà Hine xác định công tác phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành. Từ đầu năm 2023, xã Tà Hine ghi nhận có 35 hộ nghèo đều là hộ đồng bào dân tộc thiểu số; 61 hộ cận nghèo (58 hộ là người dân tộc thiểu số). Đến cuối năm 2023, số hộ nghèo giảm còn 18 hộ; hộ cận nghèo còn 60 hộ. Mục tiêu năm 2024, xã Tà Hine quyết tâm thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, triển khai thực hiện kịp thời các chương trình, dự án giảm nghèo đảm bảo đúng đối tượng và mang lại hiệu quả. Đồng thời, xã cũng cố gắng phối hợp với các đoàn thể, Tổ tiết kiệm vay vốn và tiếp tục lập hồ sơ vay vốn đối với hộ nghèo và các hộ vùng khó khăn trên địa bàn xã, hướng đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,59% (trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm còn 2,09%)…
Không chỉ xây dựng nhà cửa, xoá nhà tạm, các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đức Trọng cũng đang nỗ lực hết mình hỗ trợ bà con cải thiện đời sống khi thường xuyên tổ chức các hoạt động thiết thực như: tổ chức các buổi hướng dẫn phương thức canh tác - sản xuất; đẩy mạnh hỗ trợ cung cấp nguồn giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả; thường xuyên vận động xã hội hỗ trợ người nghèo… Tất cả đều hướng đến mục tiêu tạo sinh kế ổn định, giúp bà con có thể thoát nghèo bền vững.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin