Thời gian qua, công tác đưa người lao động nói chung và người lao động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng đi làm việc ở nước ngoài đã được quan tâm triển khai thực hiện, tuy nhiên, kết quả chưa đạt như kỳ vọng.
Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu lao động là hai giải pháp được huyện Di Linh chú trọng nhằm giúp người dân nói chung, đặc biệt là bà con DTTS nói riêng phát triển kinh tế |
• KẾT QUẢ CHƯA ĐƯỢC NHƯ KỲ VỌNG
Di Linh có nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Địa phương này có 65.000 người DTTS của 28 dân tộc trong cả nước cùng sinh sống, chiếm 40% dân số toàn huyện. Với những khó khăn, thách thức chung đang đặt ra cho nền kinh tế nói chung và ngành sản xuất nông nghiệp nói riêng, huyện Di Linh xác định công tác xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp mang tính chiến lược, góp phần giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, dư thừa lao động và giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương.
Bà Trần Thị Hoa - Phó Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Di Linh thông tin, UBND huyện Di Linh hằng năm đều triển khai kế hoạch giải quyết việc làm, trong đó có việc tuyên truyền người dân tham gia xuất khẩu lao động. Các đơn vị, địa phương thuộc huyện Di Linh thường xuyên thông tin chính sách, thông tin xuất khẩu lao động đầy đủ, kịp thời để người dân được biết. Huyện Di Linh cũng đã phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Lâm Đồng, các đơn vị tư vấn xuất khẩu lao động tổ chức các phiên giao dịch việc làm và xuất khẩu lao động, hội chợ việc làm, tư vấn trực tiếp tại thôn, tổ dân phố...; đồng thời, bố trí cán bộ thường xuyên tiếp lao động đăng ký và tư vấn cho người dân về nội dung này. Các đơn vị, địa phương thuộc huyện cũng thường xuyên phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) thực hiện tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ vay vốn khi đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là chính sách vay ưu tiên cho các đối tượng như: bộ đội xuất ngũ, hộ nghèo, cận nghèo, người DTTS… và Ngân hàng CSXH cũng tạo điều kiện để người lao động được tham gia vay vốn đi làm việc tại nước ngoài thuận lợi, đúng quy trình…
Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Di Linh, từ năm 2018 đến nay, trung bình mỗi năm đưa được hơn 60 lao động đi làm việc tại nước ngoài.Tính đến nay, số lao động đã và đang làm việc tại nước ngoài là 246 người.
Ông Vũ Đức Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, đánh giá: Xuất khẩu lao động là phương án giải quyết việc làm hiệu quả, đem lại thu nhập cao. Tuy nhiên, người dân nói chung, nhất là bà con DTTS trên địa bàn chưa thực sự hiểu điều này, còn tâm lý e ngại dẫn đến kết quả đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa được như kỳ vọng.
• KHÓ KHĂN ĐẶT RA
Thực tế tại huyện Di Linh cho thấy, nhiều hộ dân, nhất là các hộ vùng đồng bào DTTS không mặn mà với xuất khẩu lao động bởi tâm lý e ngại, không muốn đi xa làm việc. Một số khác do hoàn cảnh khó khăn nên không có chi phí ban đầu để học định hướng, khám sức khỏe… Lao động là người DTTS, trình độ văn hoá, tay nghề, ngoại ngữ, tác phong lao động còn không ít hạn chế nên khó đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng ở các thị trường có thu nhập khá và cao. Bên cạnh những yếu tố xuất phát từ chính người lao động; việc một số ngành, địa phương vẫn còn chưa nhận thức được đầy đủ ý nghĩa của xuất khẩu lao động gắn với giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững nên chưa quan tâm và chỉ đạo hiệu quả về nội dung này. Bên cạnh đó, việc một số thông tin về việc gặp sự cố khi đi lao động nước ngoài không chính thống cũng làm ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của bà con đến công tác xuất khẩu lao động. Những vấn đề trên dẫn đến hiệu quả trong đưa người lao động ở Di Linh đi làm việc ở nước ngoài chưa cao…
Dù có những khó khăn trong thực tế nhưng huyện Di Linh vẫn xác định: Xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp thiết thực trong việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Và riêng năm 2024, huyện Di Linh phấn đấu đưa ít nhất 50 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và 100% các xã, thị trấn đều có lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Vì thế, địa phương chỉ đạo các ngành và các xã, thị trấn tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Nhà nước về xuất khẩu lao động. Trong đó chú trọng giúp người dân nâng cao, nắm rõ thông tin về thị trường lao động cả trong nước và ngoài nước. Đồng thời xây dựng kế hoạch rà soát, thống kê danh sách số người nằm trong độ tuổi lao động, tìm hiểu nguyện vọng, nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Trên cơ sở đó, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với khả năng, năng lực của người lao động và đúng pháp luật. Công tác phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động được triển khai kỹ lưỡng, nhất là các doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân và được phép tuyển dụng lao động, nhằm ngăn chặn, ngăn ngừa các hành vi, vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho người dân lao động trong lĩnh vực tuyển dụng, đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài, đồng thời tăng cường mối quan hệ gắn kết chặt chẽ với các đơn vị tuyển chọn lao động, bảo vệ được quyền lợi, lợi ích của người lao động theo đúng quy định của pháp luật.
Tiếp tục duy trì các thị trường trọng điểm có thu nhập cao, hiệu quả và phù hợp với lao động Lâm Đồng, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Đồng thời tìm kiếm, mở rộng thị trường mới, thị trường các nước châu Âu, Úc, đặc biệt chú ý đến việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong lĩnh vực nông nghiệp, lao động thời vụ.
Không dừng lại ở việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, huyện Di Linh còn hướng đến việc thực hiện song song nhiệm vụ đào tạo nghề và xuất khẩu lao động thông qua việc gắn kết giữa các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp dịch vụ để có nguồn lao động chất lượng đã qua đào tạo. Điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng nguồn lao động, giúp người lao động có cơ hội được làm việc ở các thị trường khó tính, đáp ứng nhu cầu của đối tác nước ngoài, đủ sức cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế và đem lại nguồn thu nhập cao cho người lao động. Đồng thời, đó cũng là cơ sở để địa phương này phấn đấu có ít nhất 95% lao động về nước có việc làm ổn định.
Huyện Di Linh cũng tiến hành xây dựng các mô hình điển hình phát triển kinh tế bằng việc xuất khẩu lao động. Bởi phương pháp tuyên truyền hiệu quả nhất chính là “người thật, việc thật” để những gia đình đã có người thân lao động ở nước ngoài thấy được điều kiện lao động tốt và mức thu nhập khá, chủ động tư vấn thêm cho anh em, họ hàng cùng đi và dần mở rộng, lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng dân cư nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho chính các gia đình và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin