Lộc Bảo phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao

NHẬT QUỲNH 07:18, 12/04/2024

Nằm cách xa trung tâm huyện Bảo Lâm và có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), xã Lộc Bảo từng là một trong những xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân, nơi đây đang khoác lên mình diện mạo mới đầy sức sống, phấn đấu về đích nông thôn mới (NTM) nâng cao đúng với lộ trình đề ra.

Người dân chuyển đổi cây trồng, ứng dụng KH - KT để nâng cao thu nhập
Người dân chuyển đổi cây trồng, ứng dụng KH - KT để nâng cao thu nhập

ÐỔI THAY NHỜ Ý ÐẢNG HỢP LÒNG DÂN

Trước đây, Lộc Bảo gặp nhiều khó khăn về giao thông, cơ sở hạ tầng, đời sống người dân còn nhiều thiếu thốn. Tuy nhiên, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương và sự đồng lòng của người dân, Lộc Bảo đã có nhiều đổi thay tích cực.

Đến nay, 100% đường giao thông liên thôn, liên xã được cứng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và giao thương hàng hóa. Hệ thống điện lưới, trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng kiên cố, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập và chăm sóc sức khỏe người dân. Hệ thống kênh mương thủy lợi được kiên cố hóa, giúp bà con chủ động tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp.

Nhờ sự cải thiện về cơ sở hạ tầng và việc khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất của địa phương, kinh tế của Lộc Bảo đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều nông dân đã mạnh dạn áp dụng khoa học, kỹ thuật (KH - KT) vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ông K’Quảng - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Bảo, cho biết: “Bên cạnh hai cây chủ lực là cà phê và chè, địa phương cũng khuyến khích người dân đẩy mạnh trồng xen cây ăn quả, cây mắc ca, bơ, sầu riêng. Các mô hình thâm canh có hiệu quả như cà phê xen canh bơ, cà phê xen canh sầu riêng, cà phê xen các loại cây ăn quả khác đang được nhân rộng”.

Cùng với đó, việc phát triển sản xuất nông nghiệp, khuyến khích đầu tư sản xuất, kinh doanh các ngành nghề thương mại - dịch vụ, phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn… cũng đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của người dân trong xã ước đạt 47 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2023 giảm còn 3,53%; hộ cận nghèo còn 4,16%, đời sống người dân dần được cải thiện và nâng cao.

PHÁT HUY NỘI LỰC, CHUNG SỨC XÂY DỰNG NTM NÂNG CAO

“Sau khi được công nhận xã đạt chuẩn NTM và xã Văn hóa NTM năm 2021, địa phương đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về NTM nâng cao, xây dựng kế hoạch, kiện toàn lại Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý và Ban Phát triển thôn, đăng ký xây dựng xã NTM nâng cao”, ông K’Quảng cho biết. Xác định công tác tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ trọng tâm, Ban Quản lý xây dựng NTM xã đã giao nhiệm vụ cho trưởng các đoàn thể, ban thôn đẩy mạnh thực hiện. Mặt khác, địa phương tích cực tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ vai trò chủ thể chính của mình trong xây dựng NTM nâng cao; từ đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết trong thực hiện phong trào.

Nhiều mô hình sáng tạo, thiết thực được triển khai và nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của người dân. Điển hình như “Mô hình Phụ nữ với thực phẩm sạch”, “Thôn thể thao văn hóa văn nghệ”, “Tuyến đường hoa, tuyến đường không rác”, “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, Mô hình trồng Chanh dây, dâu tằm… Bên cạnh đó, người dân còn tích cực tham gia hiến đất mở đường; đóng góp tiền, ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo dựng môi trường sống văn minh, an toàn.

Nhờ những nỗ lực và phấn đấu này, đến nay, xã Lộc Bảo đã đạt 16/19 tiêu chí NTM nâng cao. Các tiêu chí về điện, trường học, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hoá, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, nhà ở dân cư… địa phương đều đã đạt chuẩn. Tuy nhiên, Lộc Bảo vẫn còn gặp khó khăn trong việc hoàn thành 3 tiêu chí còn lại là thu nhập, y tế và hộ nghèo đa chiều.

Địa phương đang tập trung dốc sức hoàn thành 3 tiêu chí này, hướng đến mục tiêu về đích NTM nâng cao vào năm 2026. Theo ông K’Quảng, tiêu chí y tế đang gặp phải rào cản lớn do tỷ lệ người dân sử dụng sổ khám, chữa bệnh điện tử chưa đạt. Nguyên nhân bởi phần lớn người dân ở đây là đồng bào DTTS, nhiều người chưa có điện thoại thông minh hoặc chưa thành thạo sử dụng phần mềm. Để giải quyết vấn đề này, chính quyền địa phương cùng các đoàn thể đang tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân. Đồng thời, các biện pháp hỗ trợ cài đặt và sử dụng ứng dụng khám, chữa bệnh điện tử cũng được triển khai, bao gồm tập huấn hướng dẫn sử dụng và hỗ trợ cài đặt tại nhà.

Đối với tiêu chí thu nhập và hộ nghèo đa chiều, bên cạnh tiếp tục hỗ trợ cây, con giống và vật tư nông nghiệp cho các hộ nghèo, cận nghèo, địa phương cũng phối hợp tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, giúp người dân nâng cao trình độ sản xuất, canh tác; đồng thời, khuyến khích nông dân phát triển kinh tế hộ gia đình, liên kết trong sản xuất, chăn nuôi để nâng cao thu nhập. Ngoài ra, Lộc Bảo cũng tạo điều kiện giúp người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng để phát triển sản xuất.

“Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng chính quyền và người dân Lộc Bảo luôn quyết tâm và nỗ lực để đạt được mục tiêu đề ra; qua đó, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, xây dựng quê hương thêm giàu đẹp”, Phó Chủ tịch UBND xã K’Quảng chia sẻ.