Là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, hoạt động đưa người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động đã đạt nhiều kết quả. Trong thời gian tới, hoạt động này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Người lao động được Trung tâm Nhật ngữ và tư vấn du học Minori Education đào tạo tiếng Nhật trước khi lên đường sang Nhật làm việc |
• NHIỀU KẾT QUẢ KHẢ QUAN
Theo ông Nguyễn Hồng Cường - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đạ Tẻh, thời gian qua, công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn luôn được Huyện ủy, UBND huyện quan tâm chỉ đạo quyết liệt, vì hoạt động này góp phần rất lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người lao động. Theo thống kê, năm 2019, trên địa bàn huyện Đạ Tẻh có 38 lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài; từ năm 2020 - 2022, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trên địa bàn huyện có 28 lao động đăng ký học định hướng và xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài; đến năm 2023, con số này là 22 lao động.
Xác định tầm quan trọng của hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, hàng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp các cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, người lao động và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Mặt khác, Sở luôn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có khả năng, uy tín mở chi nhánh, đặt văn phòng đại diện tại một số địa phương để tư vấn, tuyển chọn lao động. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố đa dạng hóa hình thức, phương thức tuyên truyền, đổi mới nội dung, lồng ghép phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật Nhà nước về công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cho học viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; người lao động tại các phiên giao dịch việc làm được tổ chức định kỳ hàng tháng và các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm được tổ chức lưu động tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp thực hiện tuyên truyền, tổ chức tư vấn, đào tạo... và công khai đầy đủ, chính xác, minh bạch các khoản chi phí, đóng góp cũng như tiền lương, thu nhập và các quyền lợi của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
Ngoài thực hiện Chương trình EPS giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội còn phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh về việc ký kết (MOU) thỏa thuận hợp tác về phái cử lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc.
Trong giai đoạn 2020-2023, tỉnh Lâm Đồng đã đưa 1.050 lao động đi làm việc ở nước ngoài tập trung vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Đông… Hàng năm, tỉnh Lâm Đồng có từ 20 - 30 doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ các tỉnh, thành phố về phối hợp với tỉnh.
• CẦN TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ NHIỀU GIẢI PHÁP
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn một số hạn chế như: Công tác thông tin, tuyên truyền đã được quan tâm, tuy nhiên việc tiếp cận các thông tin của người lao động về thị trường lao động do các doanh nghiệp, cá nhân cung cấp còn nhiều hạn chế. Số người đi làm việc ở nước ngoài chưa tương xứng với nguồn lao động của tỉnh; lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh chủ yếu là lao động phổ thông, ở vùng nông thôn; trình độ ngoại ngữ, hiểu biết pháp luật của Việt Nam, pháp luật, phong tục, tập quán của nước đến làm việc còn hạn chế, dẫn đến số lao động vi phạm hợp đồng, cư trú bất hợp pháp và vi phạm pháp luật ở nước sở tại còn nhiều...
Mới đây, tại Hội nghị triển khai công tác đưa lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng lao động giai đoạn 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S đã đề nghị, các cơ quan, đơn vị có liên quan và các huyện, thành phố cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về thị trường lao động, hiệu quả của xuất khẩu lao động, trong đó, cần phân tích, làm rõ về hiệu quả kinh tế do xuất khẩu lao động mang lại. Mặt khác, cần tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm, phiên chuyên đề về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài định kỳ hàng tháng, lưu động tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần tiếp cận các quy định mới nhất của nhà nước về lĩnh vực xuất khẩu lao động, để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao các địa phương cần rà soát lại nguồn nhân lực lao động trên địa bàn từ 15 tuổi trở lên để xác định và phân bố lại lao động theo 3 nhóm, gồm: Lao động phổ thông, thực tập sinh và chuyên gia. Cùng đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế để nắm bắt và chia sẻ thông tin tốt hơn, cũng như dự báo được thị trường lao động trong các năm tới...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin