Sơn Điền, xã vùng sâu xa tít tắp, đường ra thị trấn Di Linh - trung tâm huyện dài theo những cánh rừng. Nơi ấy, những cô, cậu bé vẫn ngày ngày tới lớp, với những bữa ăn bán trú ngon lành, đủ dinh dưỡng, góp phần bồi bổ, nâng cao thể lực cho các em, giúp các em tới trường.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Sơn Điền tổ chức cho học trò gói bánh chưng |
Thầy Nguyễn Đức Văn - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Sơn Điền cho biết, Sơn Điền là xã có điều kiện kinh tế khó khăn với gần 97% học trò là con em người dân tộc ít người bản địa. Các thôn trong xã cách nhau cũng rất xa, nhiều bạn phải đi mỗi ngày cả chục km tới trường đi học. Vào mùa mưa, khó khăn còn nhân lên nhiều lần, tỷ lệ học sinh nghỉ học khiến thầy cô giáo, ngành Giáo dục cũng như chính quyền xã, huyện rất trăn trở. Từ năm học 2015, nhà trường thực hiện chuyển đổi mô hình trường Phổ thông Dân tộc bán trú và bắt đầu thực hiện ăn, ở bán trú từ năm 2019. Việc tổ chức các bữa ăn bán trú nhằm đảm bảo dinh dưỡng, nâng cao thể lực, trí tuệ cho học sinh. Việc làm này đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đảm bảo sĩ số học sinh đi học.
Thầy Nguyễn Đức Văn chia sẻ, toàn trường có 254 em học sinh, là một sĩ số không nhỏ, việc lo thực hiện bữa ăn bán trú cho các em khá vất vả. Thầy nhấn mạnh, Ban Giám hiệu nhà trường chú trọng tới bữa ăn, đảm bảo các em được ăn đủ chất, đủ lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh những nguy cơ như ngộ độc thực phẩm... Thức ăn hàng ngày đều đảm bảo dinh dưỡng với 3 món và một món tráng miệng. Để bữa ăn phong phú, nhà trường thực hiện việc xây dựng thực đơn khoa học, luân phiên món ăn hàng ngày, hàng tuần, dinh dưỡng đa dạng cho học trò ngon miệng. Các quy định về bếp ăn bán trú luôn đảm các điều kiện về nhà ăn, nhà bếp, kho chứa thực phẩm; điều kiện về thực phẩm, nhân viên làm việc tại nhà ăn, nhà bếp và đảm bảo các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật, thầy Văn khẳng định.
Chị Ka Thổm, bếp trưởng nhà trường chia sẻ, hàng ngày khi nhận thực phẩm vào bếp chế biến thức ăn, 4 thành viên trong tổ nấu ăn kiểm tra nguyên vật liệu trước khi nhận. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là yêu cầu đầu tiên, vì vậy các chị phải kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo nguồn rau - thịt - thực phẩm phải tươi mới, không có dấu hiệu hư hỏng. Chị Ka Thổm đánh giá: “Muốn bữa ăn ngon, sạch thì chất lượng thực phẩm phải đặt lên hàng đầu, chúng tôi phải đặc biệt lưu tâm, không để sai sót. Trong quá trình nấu ăn, chị em thường xuyên kiểm tra dụng cụ, hệ thống điện, nước, ga, trang thiết bị trước khi sử dụng. Nếu phát hiện sai sót sẽ báo cáo Ban quản lý. Đối với thức ăn hàng ngày của các em, khi chế biến xong đều được lưu mẫu trong tủ mát”. Những quy trình của bếp ăn tập thể được thực hiện nghiêm ngặt giúp bếp ăn tập thể của trường chưa bao giờ xảy ra tình trạng ngộ độc tập thể từ năm 2019.
Em Ka Ngọc, học sinh khối 7, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Sơn Điền chia sẻ, hàng ngày em phải đi hơn 4 km để đến trường, sau buổi học buổi sáng, em đến bếp ăn của trường để ăn bữa trưa. Bữa cơm được chuẩn bị đầy đủ 3 món, rau, thịt, canh nên em ăn thấy rất ngon và no. Buổi trưa, bố mẹ em không phải đi lại đưa đón vất vả và em cũng được ngủ đủ giấc hơn để buổi chiều có những tiết học tốt hơn. Không chỉ được ăn bán trú, ngủ trưa tại trường, thầy Vũ Văn Thành, giáo viên thể chất của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Sơn Điền cho biết thêm, vì tiền ăn của các em khi nấu bếp tập thể là có dư, cuối năm học các em còn được mang gạo dư về nhà. Nhà trường cũng quy hoạch một khu xây dựng vườn rau để thầy và trò cùng chăm sóc, cũng là dịp thầy cô giáo hướng dẫn các em về môn sinh học.
Thầy Nguyễn Đức Văn cho biết, từ khi áp dụng mô hình bán trú, tỷ lệ học sinh chuyên cần luôn đạt 100%. Khu bán trú của trường hiện có phòng ở, bếp ăn, công trình vệ sinh, khu vui chơi, thể thao, vườn trồng rau, khu chăn nuôi. Các bữa ăn bán trú của trường luôn đặt vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng dinh dưỡng cho học sinh lên hàng đầu. Cùng với các biện pháp như nâng cao chất lượng dạy học, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho phụ huynh, học sinh, các bữa ăn bán trú đã góp phần duy trì sĩ số, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh yên tâm đi học. Thầy chia sẻ: “Các trò no bụng, cha mẹ học sinh yên tâm thì việc học mới được duy trì, không để các em bỏ học sớm. Vì vậy nhà trường hết sức chú trọng tới bếp ăn tập thể của nhà trường, đảm bảo cho các trò một môi trường sinh hoạt đầy đủ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nơi vùng sâu, vùng xa Sơn Điền”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin