Đơn Dương là huyện có hơn 31% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), sinh sống tại 9/10 xã, thị trấn. Vì vậy, địa phương đã và đang ưu tiên nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho vùng DTTS. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện nhờ đó đã có nhiều bước phát triển rõ rệt, góp phần tạo dựng diện mạo, sức sống mới cho vùng đồng bào DTTS.
Người dân vùng đồng bào DTTS đồng lòng xây dựng nông thôn mới |
• ƯU TIÊN NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ
Theo ông Trần Hùng Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương, phát triển vùng đồng bào DTTS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng với việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội ở địa phương. Vì vậy, thời gian qua, địa phương luôn quan tâm, ưu tiên các nguồn lực, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS.
Trong giai đoạn 2019 - 2024, không tính các chương trình và chính sách đầu tư vào giáo dục, y tế và phát triển nông thôn mới, vùng đồng bào DTTS huyện Đơn Dương đã được đầu tư hơn 64 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm gần 6 tỷ đồng cho chương trình giảm nghèo bền vững, hơn 53 tỷ đồng để xây dựng các công trình nước sinh hoạt, giao thông nông thôn, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ nhà ở... Đến nay, 10/10 xã, thị trấn có đường nhựa kiên cố đến trung tâm xã; 98% đường liên thôn được bê tông hóa. 100% thôn, xã vùng đồng bào DTTS có điện lưới quốc gia, với 98% hộ đồng bào DTTS sử dụng điện; hơn 70% hộ DTTS sử dụng nước sạch. Hệ thống y tế, giáo dục được đầu tư đầy đủ với 53 trường học, 1 Trung tâm Y tế, 2 Phòng khám đa khoa và trạm y tế tại tất cả các xã; 35/35 thôn DTTS có nhà sinh hoạt cộng đồng.
Địa phương cũng đã thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng ưu đãi cho các hộ đồng bào DTTS với nguồn vốn vay hơn 100 tỷ đồng. Đặc biệt, chương trình cho đồng bào DTTS thuộc diện hộ nghèo, đặc biệt khó khăn với lãi suất 0% đã giúp cho 350 hộ đồng bào DTTS có nguồn vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Nhờ đó, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. “Giá trị thu nhập bình quân trên một đơn vị sản xuất đất đạt hơn 220 triệu/ha/năm; nhiều mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao đạt 250 - 300 triệu/ha/năm; cá biệt có một số mô hình đạt xấp xỉ 1 tỷ đồng/ha/năm”, ông Trần Hùng Dũng cho biết.
• KHƠI THÔNG NGUỒN NỘI LỰC
Tuy nhiên, để những bước phát triển ở vùng đồng bào DTTS được bền vững, các nguồn lực hỗ trợ cần kết hợp với việc thúc đẩy người dân phát huy tinh thần tự lực, tự cường, xây dựng cuộc sống giàu đẹp và văn minh hơn. Vì vậy, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả thông tin, truyền thông nhằm tuyên truyền, vận động cũng như hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Một trong những cách làm hay ở địa phương là đầu tư phát triển các mô hình mẫu, sau đó, tuyên truyền rộng rãi để người dân học tập và làm theo. Trong quá trình người dân triển khai, địa phương sẽ hỗ trợ giống, khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, người dân vùng đồng bào DTTS ngày càng tự tin chuyển đổi cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. “Đến nay, vùng đồng bào DTTS không còn hộ nghèo, chỉ còn 196 hộ cận nghèo; xuất hiện nhiều tấm gương vượt khó, làm giàu chính đáng với thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm như hộ Touneh Ly Nia (thôn Lạc Bình, xã Lạc Xuân), hộ ông K’Bril, ông Ya Uông (thôn Kambute, xã Tu Tra)...”, ông Trần Hùng Dũng phấn khởi chia sẻ.
Mặt khác, địa phương cũng tích cực hỗ trợ đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng, tay nghề cho người lao động là đồng bào DTTS. Từ năm 2019 đến nay, huyện đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tổ chức 30 lớp dạy nghề cho 550 học viên DTTS, đa dạng các ngành nghề từ trồng trọt, chăn nuôi, thú y cho đến sửa chữa máy móc... Song song với quá trình đào tạo, huyện cũng có nhiều chính sách để hỗ trợ tìm kiếm và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS. Trong đó, việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và mở rộng sản xuất, kinh doanh đã giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động; trong đó có nhiều đồng bào DTTS. Việc phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể để giới thiệu việc làm trong và ngoài nước đã giúp giải quyết 800 - 900 lao động DTTS mỗi năm. Nhờ đó, thu nhập người dân được nâng cao đáng kể, góp phần ổn định kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.
Mặt khác, địa phương cũng đặc biệt quan tâm đến việc phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bài trừ hủ tục ở vùng đồng bào DTTS. Để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc, huyện đã quan tâm, phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo, nhân sĩ, người uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước trong các tầng lớp Nhân dân trong việc hưởng ứng, tham gia các phong trào, cuộc vận động xây dựng văn hóa, nông thôn mới trong từng thôn, xã, thị trấn. Kết quả, năm 2023, huyện Đơn Dương có 35/35 thôn đồng bào DTTS được công nhận thôn văn hóa, 15 Khu dân cư kiểu mẫu cấp huyện và 5 Khu dân cư kiểu mẫu cấp tỉnh.
Nhìn lại 5 năm qua, có thể nói, đời sống kinh tế - xã hội của người dân vùng đồng bào DTTS huyện Đơn Dương đã có những bước phát triển toàn diện, bền vững. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Hùng Dũng, việc thực hiện các chính sách phát triển vùng đồng DTTS ở địa phương cũng đã bộc lộ một số mặt hạn chế cần khắc phục. Đơn cử như tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng chưa bền vững, sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, sức cạnh tranh yếu... Để khắc phục những tồn tại này, thời gian tới, Đơn Dương sẽ huy động, tranh thủ tối đa mọi nguồn lực, thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án... để hỗ trợ phát triển toàn diện kinh tế - xã hội người dân vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, địa phương sẽ có nhiều giải pháp nhằm phát huy hơn nữa sức mạnh nội tại của người dân là đồng bào DTTS và khối đại đoàn kết toàn dân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin