Chiến thắng Điện Biên Phủ - ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại

TUẤN HƯƠNG (ghi) 06:08, 07/05/2024

70 năm đã trôi qua, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là một mốc son chói lọi trong lịch sử và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, là sức mạnh tinh thần, nguồn cổ vũ, động viên to lớn, đồng thời để lại nhiều bài học quý giá đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

PGS. TS Phạm Hồng Phi
PGS. TS Phạm Hồng Phi

PGS. TS PHẠM HỒNG PHI - Trường Đại học Yersin Đà Lạt: “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - bài học về phương pháp phân tích và giải quyết mâu thuẫn tài tình của Đảng ta”

Cách đây vừa tròn 70 năm, ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc đã đưa cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 và cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược đến thắng lợi vẻ vang. Quá trình lãnh đạo kháng chiến là quá trình làm chuyển biến so sánh lực lượng địch - ta, là sự phân tích, đánh giá các mâu thuẫn và đề ra những phương pháp giải quyết mâu thuẫn một cách biện chứng và khoa học để nhỏ hóa lớn, yếu thành mạnh, đi đến kết cục: mạnh được yếu thua. Đây là bài học kinh nghiệm quý giá trong lãnh đạo kháng chiến của Đảng ta.

Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ là chiến thắng lớn nhất của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược và bọn can thiệp Mỹ, là một trong những trận tiêu diệt lớn nhất trong lịch sử đấu tranh vũ trang của các dân tộc nhỏ chống quân đội nhà nghề của bọn đế quốc thực dân lúc bấy giờ. Thắng lợi của chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích trong lãnh đạo đất nước tiến hành chống chiến tranh xâm lược của các thế lực thù địch, các nước lớn và đế quốc to để bảo vệ độc lập dân tộc. Trong đó có bài học về đánh giá đúng so sánh lực lượng địch - ta, về phương pháp phân tích và giải quyết mâu thuẫn, làm chuyển biến so sánh lực lượng để lấy nhỏ thắng lớn, chuyển yếu thành mạnh, để chiến thắng kẻ thù. 

Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, phương pháp giải quyết mâu thuẫn về mặt chỉ đạo chiến lược có những nét nổi bật là: Phát hiện và đánh giá đúng âm mưu chiến lược của địch, giữ vững và phát huy quyền chủ động chiến lược của ta; xác định phương hướng chiến lược đúng đắn, chỉ đạo kiên quyết và linh hoạt, nắm vững nguyên tắc phải giữ vững quyền chủ động tiến công địch trên những hướng mà địch sơ hở nhưng hiểm yếu, buộc địch phải bị động đối phó lại; kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy, phối hợp nhịp nhàng giữa mặt trận chính diện và mặt trận sau lưng địch, giữa các hướng chiến lược trên toàn chiến trường Đông Dương; xây dựng và phát huy sức mạnh to lớn của hậu phương, chi viện đầy đủ và kịp thời cho tiền tuyến; và cuối cùng là biết kết thúc chiến tranh đúng lúc.

Đây vừa thể hiện sự tài tình của Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tham mưu của Quân đội Nhân dân Việt Nam, vừa là bước phát triển cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Bài học kinh nghiệm đó đã được Đảng ta tiếp tục vận dụng và phát triển lên một tầm cao mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để đánh thắng một tên đế quốc đầu sỏ có tiềm lực kinh tế và quân sự hàng đầu thế giới. 

 

Ths. Trương Thị Thu Thảo
Ths. Trương Thị Thu Thảo

Ths. TRƯƠNG THỊ THU THẢO - Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng: “Những kì tích trên mặt trận hậu cần trong chiến dịch Điện Biên Phủ”

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một trong những chiến công chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, là kết quả của sự hội tụ nhiều nhân tố, trong đó có trí tuệ, bản lĩnh và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, được thể hiện trên mọi phương diện, từ hậu phương cho đến trận tiền, đặc biệt là khâu kết nối đưa nguồn nhân vật lực từ hậu phương chuyển đến tiền tuyến một cách thông suốt, kịp thời và đầy đủ, tạo nên những kì tích trong công tác làm đường, sửa chữa đường, vận chuyển vật chất, phá bom mìn…

Chiến dịch Điện Biên Phủ có chất kết dính giữa hậu phương và tiền tuyến, làm cho nguồn nhân vật lực từ hậu phương có thể chuyển đến tiền tuyến một cách thông suốt, kịp thời và đầy đủ. Chất kết dính đó được tạo nên bởi mặt trận hậu cần với những đội thanh niên xung phong, hàng đoàn dân công hỏa tuyến và lực lượng bộ đội (chủ yếu là công binh) ngày đêm đối mặt với hiểm nguy, gian khó, gánh trên vai không đơn thuần là lương thực, đạn dược mà là tấm lòng, là kết tinh sức mạnh toàn dân trên đường ra chiến trận để phục vụ chiến trường, góp phần to lớn vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng bộ đội công binh, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến cũng như sự kết hợp giữa xe cơ giới với phương tiện vận chuyển thô sơ cùng những đôi bàn chân vạn dặm đã tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân - cả nước cùng đánh giặc, đó chính là nguồn sức mạnh tổng hợp giúp quân và dân ta lập nên những kì tích đáng khâm phục trong công tác vận chuyển và phục vụ vận chuyển, đảm bảo cho khối lượng vật chất cung cấp cho chiến dịch hơn 20.000 tấn được đến nơi an toàn. Tất cả “trẩy” lên tiền tuyến, tất cả dội vào lòng chảo Điện Biên, người người lớp lớp như một nhịp cầu vô tận, như những dòng thác mạnh góp phần dìm dã tâm thâm độc của kẻ thù xuống vực sâu, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vĩ đại.


 

Đại tá, PGS. TS Nguyễn Đình Chung
Đại tá, PGS. TS Nguyễn Đình Chung

Đại tá, PGS. TS NGUYỄN ĐÌNH CHUNG - Học viện Lục quân: “Vận dụng nghệ thuật quân sự trong chiến dịch Điện Biên Phủ vào nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”

Cách đây tròn 70 năm, tại chiến trường Bắc Bộ đã diễn ra một sự kiện lịch sử vô cùng trọng đại: Quân và dân ta đập tan Tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ 20, thể hiện trình độ vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Những kinh nghiệm được đúc rút ra từ nghệ thuật quân sự vận dụng trong chiến dịch đến nay vẫn giữ nguyên giá trị và là những kinh nghiệm quý báu để chúng ta vận dụng vào nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là dấu mốc thể hiện bước phát triển cao nhất của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1953 - 1954; đánh dấu sự phát triển vượt bậc về nghệ thuật quân sự trong chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật. Đó là giữ vững và phát huy quyền chủ động chiến lược của ta; xác định phương hướng chiến lược đúng đắn, chỉ đạo kiên quyết linh hoạt; sáng tạo trong việc xác định phương châm chiến dịch đúng. Đồng thời, từ chủ trương lúc đầu là “đánh nhanh, thắng nhanh” kịp thời chuyển sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của chiến dịch.

Về chiến thuật, đó là tư tưởng chủ động, tích cực tiêu diệt địch, vận dụng chiến thuật linh hoạt, phong phú, thực hiện đánh tiêu diệt, hiệu suất cao. Có thể thấy, từ vận dụng sáng tạo nghệ thuật tác chiến chiến dịch “vây hãm” và “tiến công”, chiến thuật của ta đã có sự phát triển rất linh hoạt và đa dạng. Thế trận bao vây của ta ngày càng khép chặt, khống chế từng phần đến khống chế hoàn toàn mọi sự tiếp viện và tiếp tế của địch cả bằng đường bộ và đường không, làm cho địch ở tập đoàn cứ điểm ngày một thu hẹp và rơi vào thế cô lập. Ta tiến công từng cứ điểm giành thắng lợi đến đâu, tổ chức phòng ngự ngay đến đó, hình thành hệ thống trận địa tiến công vây hãm địch ngày càng chặt, dồn quân địch vào thế phải bị tiêu diệt hoặc đầu hàng, trong lúc lực lượng của chúng còn đang mạnh, trên 1 vạn tên, nhưng tinh thần hoang mang, sức chiến đấu bị suy giảm nghiêm trọng. Đây chính là sự vận dụng chiến thuật sáng tạo của bộ đội ta trong chiến dịch.

 

ThS. Nguyễn Thị Hồng
ThS. Nguyễn Thị Hồng

ThS. NGUYỄN THỊ HỒNG - Trường Đại học Đà Lạt: “Chiến thắng Điện Biên Phủ, ý nghĩa đối với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho sinh viên hiện nay”

Cách đây 70 năm, quân và dân Việt Nam đã làm lên thắng lợi Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi này không chỉ có ý nghĩa thời đại mà nó còn có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên hiện nay.

Đối với sinh viên, việc giáo dục chính trị, tư tưởng là hết sức quan trọng nhằm xây dựng và củng cố quyết tâm chiến đấu không lùi bước trước kẻ thù. Trong tình hình hiện nay, chiến tranh không còn nhưng chúng ta lại phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức: kinh tế chậm phát triển, giảm sút; tranh chấp chủ quyền biển, đảo diễn biến phức tạp; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề về an ninh, quốc phòng... đe dọa sự ổn định và phát triển bền vững đất nước. Các thế lực thù địch vẫn không ngừng gia tăng thực hiện “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền... để can thiệp vào công việc nội bộ nước ta, chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp đổi mới của Nhân dân ta. Sinh viên cần kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa lớn đối với công tác giáo dục chính trị cho sinh viên hiện nay. Để công tác giáo dục đạt hiệu quả cao, chúng ta cần có những nguyên tắc nhất định. Đối tượng mà chúng ta hướng đến là các em sinh viên nên cần khai thác nội dung phù hợp, phong phú; có phương pháp giáo dục tích cực dựa trên sự tôn trọng, tránh áp đặt để sinh viên tự nguyện, tự giác tiếp thu, tăng cường tính tương tác trong giảng dạy; giáo dục tư tưởng, tình cảm gắn với hoạt động thực tiễn, lồng ghép các nội dung mới, hiện đại, có tính thời sự vào bài giảng; đặc biệt cần xây dựng lý tưởng, niềm tin, hình thành nghĩa vụ công dân cho các em trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… 

Thông qua chiến thắng Điện Biên Phủ, các em sinh viên hiểu biết, ý thức về quá khứ của dân tộc để vững bước vào tương lai. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khu vực như hiện nay, việc giáo dục lí tưởng cách mạng cho các em nhằm khuyến khích phát triển lòng yêu nước, thương dân và lòng trắc ẩn với những người xung quanh. Luôn luôn ý thức việc củng cố độc lập, chủ quyền dân tộc gắn liền với việc bảo vệ truyền thống, bản sắc dân tộc. Sinh viên không chỉ học tập và phát triển bản thân mà còn phát huy giá trị nhân đạo và tình yêu quê hương, đất nước; có tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sẵn sàng tham gia vào các hoạt động xã hội, đóng góp ý kiến xây dựng cho cộng đồng và xã hội. Việc hiểu biết và áp dụng những giá trị lịch sử không chỉ giúp sinh viên có cái nhìn sâu sắc hơn về tình yêu quê hương và truyền thống, mà còn giúp họ đối mặt và vượt qua những thách thức đương đại.