Đẩy mạnh cải cách hành chính trong ngành Nông nghiệp

CHÍNH THÀNH 01:01, 10/05/2024

Xác định công tác cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của đơn vị, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng đã tích cực triển khai nhiều nội dung, giải pháp đồng bộ để nâng cao kết quả thực hiện công tác CCHC của Sở.

Giải quyết TTHC trong lĩnh vực nông nghiệp cho người dân tại Bộ phận Một cửa
huyện Đơn Dương
Giải quyết TTHC trong lĩnh vực nông nghiệp cho người dân tại Bộ phận Một cửa huyện Đơn Dương

Lãnh đạo Sở NN&PTNT thông tin, trong giai đoạn từ năm 2021 đến ngày 15/3/2024, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả. Danh mục TTHC lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn cấp tỉnh được rà soát, đề xuất công bố, công khai kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Kết quả, 99,9% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở thực hiện đúng và trước hạn. Các TTHC liên quan đến doanh nghiệp được rút ngắn thời gian thực hiện.

Cụ thể, tổng số hồ sơ nhận giải quyết từ năm 2021 đến 15/3/2024 là 30.298 hồ sơ. Trong đó số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến 9.705, đạt tỷ lệ 33%; số hồ sơ tiếp nhận không qua trực tuyến là 20.593 hồ sơ, đạt tỷ lệ 67%. Đã giải quyết và trả kết quả đúng và trước hạn 30.259 hồ sơ, đạt tỷ lệ 100%, còn 39 hồ sơ trong hạn đang giải quyết.

Về số hóa hồ sơ và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Sở NN&PTNT đã thực hiện số hóa thành phần hồ sơ đầu vào và kết quả giải quyết các TTHC. Tuy nhiên, Sở chưa thực hiện số hóa toàn trình quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Trong thời gian báo cáo, Sở đã thực hiện số hóa thành phần hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC đối với 9.705 hồ sơ và hiện nay đang thực hiện tiếp nhận và giải quyết 12 TTHC một phần, 14 TTHC toàn trình. Đây là các TTHC thường xuyên phát sinh hồ sơ đem lại hiệu quả cao trong quá trình thực hiện.

Đối với nội dung đẩy mạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, ngành Nông nghiệp đã thực hiện rà soát, xây dựng phương án đơn giản hóa về thành phần hồ sơ đối với 3 TTHC, gồm: Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; Cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; Cấp, gia hạn chứng chỉ hành nghề thú y. Như vậy, tỷ lệ cắt giảm chi phí tuân thủ của TTHC bình quân là 47,15% và đề nghị rút ngắn thời gian thực hiện đối với 2 TTHC với tỷ lệ cắt giảm bình quân là 9,5 ngày/1 thủ tục.

Riêng trong quý I/2024, Sở NN&PTNT đã thực hiện rà soát, tham mưu trình UBND tỉnh ban hành 1 quyết định công bố danh mục TTHC trong đó ban hành mới 1 thủ tục cấp huyện, sửa đổi, bổ sung 4 TTHC cấp tỉnh và 2 TTHC cấp huyện. Tiếp 2.545 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến (đạt tỷ lệ 100%) và thực hiện thanh toán trực tuyến qua Cổng dịch vụ công Quốc gia 2.422 hồ sơ với số tiền thanh toán trên 230 triệu đồng. Hiện nay, Sở NN&PTNT được cấp 36 tài khoản thư điện tử cá nhân và tổ chức, về cơ bản các tài khoản thư điện tử được sử dụng thường xuyên.

Tuy nhiên, theo nhận định từ Sở NN&PTNT tỉnh, quá trình cải cách TTHC cũng còn tồn tại nhiều khó khăn. Đó là việc một số TTHC do Bộ NN&PTNT công bố nhưng văn bản quy phạm pháp luật không quy định thời gian giải quyết nên khó khăn cho việc xây dựng quy trình điện tử, quy trình nội bộ cũng như khó theo dõi, quản lý giải quyết. Bên cạnh đó, số lượng hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình còn thấp so với số hồ sơ tiếp nhận giải quyết trong các năm 2021, 2022. Chưa triển khai được số hóa 100% tiến trình giải quyết thủ tục hành chính qua hệ thống một cửa nên chưa bóc tách được các dữ liệu trên hệ thống;...

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Sở NN&PTNT tỉnh cho biết sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các kế hoạch, nghị định của Chính phủ, của UBND tỉnh, ngành về thực hiện quyết liệt công tác cải cách TTHC, thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tiếp tục quan tâm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các đơn vị thuộc Sở, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC. Thường xuyên rà soát, kiến nghị đơn giản hóa hoặc cắt giảm những TTHC không cần thiết, không phù hợp thực tiễn nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.