70 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã “thay da đổi thịt”, bộ mặt nông thôn mới ngày càng khởi sắc, đời sống Nhân dân được cải thiện, nâng cao, như những vẫn thơ mà nhà thơ Tố Hữu đã viết “Mường Phăng, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”.
Thành phố Điện Biên Phủ hôm nay. Ảnh: Diệp Chi |
Đồng chí Trần Quốc Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, khẳng định không chỉ lập chiến công tại chiến trường để góp phần làm nên chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ, sau khi chiến dịch kết thúc, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rất nhiều chiến sĩ Điện Biên đã chuyển sang tham gia làm lãnh đạo, chỉ đạo, làm công nhân của các nông trường, các hợp tác xã; góp phần quan trọng trong việc xây dựng nên Điện Biên như hôm nay.
Mục tiêu của tỉnh Điện Biên là đến năm 2030 trở thành một địa phương phát triển khá vùng trung du và miền núi phía Bắc và là một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và du lịch ở cấp tiểu vùng. “Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 không chỉ là cơ hội để tỉnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mà còn tạo đà kêu gọi, xúc tiến đầu tư với kỳ vọng đổi mới toàn diện, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân” - ông Trần Quốc Cường nói. |
• ĐỔI THAY TỪNG NGÀY
Theo ông Cường, có thể kể đến nhiều di sản của các chiến sĩ Điện Biên Phủ trên mặt trận sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội như thương hiệu cà phê Mường Ảng, gạo Sén Cù. Hiện tại, tỉnh đã có trên 3.000 ha cà phê nổi tiếng. Đấy là công sức của nhiều chiến sĩ Điện Biên Phủ từ những năm 1960 để lại. Rồi các hợp tác xã, các tổ sản xuất trồng lúa, cánh đồng Mường Thanh cũng là thành quả lao động của các chiến sĩ Điện Biên Phủ từ bộ đội chuyển sang làm công nhân công trường, nông dân tại các hợp tác xã, tổ sản xuất. Đặc biệt, ngày nay, các cụ vẫn luôn động viên con, cháu hăng hái lao động để đóng góp xây dựng Điện Biên ngày một giàu đẹp hơn.
Cứ điểm Him Lam năm xưa giờ đã trở thành cửa ngõ quan trọng, khang trang vào bậc nhất của TP Điện Biên Phủ, với những con đường lớn mở rộng, đón chào du khách. Bà Vũ Thị Tuyết Lan - Phó Chủ tịch UBND phường Him Lam, cho biết đến năm 2022, phường không còn hộ nghèo. “Nếu thu nhập bình quân năm 1993 chỉ đạt 2,1 triệu đồng/người thì đến năm 2023 đã đạt 40 triệu đồng/người” - bà Lan cho biết. Còn các thôn, bản quanh cứ điểm Độc Lập ở xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, Nhân dân đã thi đua phát triển sản xuất. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế… được xây dựng, cuộc sống của Nhân dân đã từng bước cải thiện trên chính mảnh đất bị bom đạn cày xới năm xưa.
Cựu thanh niên xung phong Trần Công Chính, hiện là Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Điện Biên cho biết, Mường Thanh với diện tích hơn 140 km2, là cánh đồng chuyên canh lúa rộng lớn nhất Tây Bắc, được bao quanh bởi sông Nậm Rốm, trải dài qua các địa bàn từ thị trấn Điện Biên đến các xã Thanh Xương, Thanh An, Noong Hẹt, Sam Mứn, Noong Luống, Thanh Yên, Thanh Chăn, Thanh Hưng, Thanh Luông và Thanh Nưa. Ông Bùi Hải Bình - Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho biết, diện tích trồng lúa của huyện trên cánh đồng Mường Thanh là gần 4.000 ha, năng suất bình quân đạt 63,23 tạ/ha; sản lượng bình quân của toàn cánh đồng Mường Thanh đạt hơn 47.000 tấn/năm.
Tại xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ, nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, 70 năm sau, các điểm di tích thành phần thuộc di tích chiến trường Điện Biên Phủ đã được đầu tư, tôn tạo khang trang phục vụ tham quan du lịch. Bà con các dân tộc nơi đây luôn gìn giữ, bảo vệ Mường Phăng như khu rừng thiêng mà Nhân dân nơi đây vẫn gọi là “rừng Đại tướng”.
Dẫn chúng tôi lên hồ thủy lợi Loọng Luông, rồi chỉ tay về cánh đồng lúa trải dài, xanh ngát phía hạ lưu - Chủ tịch UBND xã Mường Phăng Lò Văn Hợp bảo rằng, với người dân Mường Phăng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn mãi như người cha, người ông của các gia đình. Ông Hợp cho biết với tình cảm dành cho Mường Phăng, ngày 30/9/2008, Đại tướng đã viết thư gửi Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị đáp ứng nguyện vọng của người dân xã Mường Phăng về xây dựng hồ chứa thủy lợi Loọng Luông. Cuối năm 2010, dự án bắt đầu được thi công xây dựng. Hồ có dung tích hữu ích hơn 1 triệu m3, cấp nước tưới 150 ha đất trồng lúa trên địa bàn. Sau 2 năm thi công, hồ Loọng Luông hoàn thành và đưa vào khai thác, đã mở ra thời kỳ phát triển nông nghiệp bền vững, ổn định tại xã Mường Phăng. Trước đây, các bản đồng bào dân tộc Mông như: Loọng Luông 1, Loọng Luông 2, Co Mận, Loọng Háy, Loọng Nghịu đất đai cằn cỗi, chỉ sản xuất được một vụ lúa vì thiếu nước. Từ khi có hồ chứa nước Loọng Luông, những hạn chế trong sản xuất đã được khắc phục.
Là người sinh ra, lớn lên, trưởng thành và giờ là lãnh đạo địa phương, ông Lò Văn Hợp cảm nhận được từng thay đổi nhỏ nhất ở mảnh đất Mường Phăng. Năm 2011, Mường Phăng bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới với tâm thế là xã có xuất phát điểm thấp nhất trong 5 xã điểm. Nhưng nay, từng đoàn xe kéo dài tít tắp, nối nhau đưa khách du lịch từ mọi miền Tổ quốc đến Mường Phăng. Từ TP Điện Biên Phủ vào Mường Phăng hôm nay đã có 2 tuyến đường: một tỉnh lộ và một quốc lộ to, đẹp. Dọc trung tâm xã đã có đường đôi với 4 làn xe mới khánh thành, vỉa hè ghép đá, hệ thống chiếu sáng, biển báo đầy đủ. Xa xa bên cánh đồng lúa mênh mông là những bản làng với những nhà sàn to, đẹp. “Nếu như tỉ lệ hộ nghèo năm 2011 chiếm hơn 42% thì đến nay toàn xã chỉ còn 4 hộ nghèo (chiếm 0,03%) và phấn đấu hết năm 2024, xã không còn hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 46 triệu đồng” - ông Hợp cho hay.
Những người lính già thắp hương cho các đồng đội đang an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ A1 |
• ĐIỆN BIÊN ĐANG DẦN “CẤT CÁNH”
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô, trong quý I/2024, các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn đạt được nhiều kết quả tích cực. Một số chỉ tiêu nổi bật, như: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 6,07%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên thị trường ước đạt 5.813 tỉ đồng, tăng 15,63%; tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 777 tỉ đồng, tăng 1,48 lần so với kế hoạch; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 25,68%, giảm 4,67% so với cùng kỳ năm trước...
Là tỉnh vùng cao, biên giới, Điện Biên đã phải trải qua hàng chục năm khó khăn, vất vả về giao thông vận tải. Đến nay, các tuyến quốc lộ đến Điện Biên đã được mở rộng, thuận tiện cho việc đi lại của Nhân dân khi 125/129 xã, có đường ô tô đến trung tâm xã đi được quanh năm. Thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ đó thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư các dự án về nông nghiệp. Giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã chấp thuận chủ trương 14 dự án đầu tư vào lĩnh vực phát triển nông lâm nghiệp với tổng mức đầu tư 11.981 tỉ đồng. Ông Lê Tiến Dũng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên cho biết, giai đoạn 2021-2023 Điện Biên đón hơn 2 triệu lượt khách du lịch, tạo việc làm cho trên 8.000 lao động, riêng năm 2023 lượng khách du lịch đạt 1 triệu lượt người.
Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường cho biết, 70 năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự ủng hộ, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành, các địa phương... Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên tiếp tục phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đưa Điện Biên sớm thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo đặc biệt khó khăn, trở thành tỉnh phát triển trung bình trong vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Ngày 29/11/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã ban hành Nghị quyết số 16 về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 16, hạ tầng giao thông tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cùng với quá trình đầu tư trước đó, đến nay toàn tỉnh có hơn 9.212 km đường giao thông các loại, tăng 874 km so với năm 2020; trong đó toàn tỉnh có 6 tuyến quốc lộ với chiều dài 745 km. Đặc biệt, việc hoàn thành và đã đưa vào khai thác trở lại sân bay Điện Biên vào cuối năm 2023 mang lại ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế Điện Biên nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung.
Có thể thấy, trong khoảng 1 năm trở lại đây, tỉnh Điện Biên đã có đổi thay rõ nét. Nhiều dự án hạ tầng được đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng đã tạo những động lực phát triển mới, như: Dự án đường 7-5, trục đường đẹp và hiện đại nhất Điện Biên; dự án cầu Thanh Bình - đáp ứng yêu cầu phát triển và đồng bộ hạ tầng giao thông, đồng thời là điểm nhấn về cảnh quan của thành phố. Đặc biệt, Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên hoàn thành và đưa vào khai thác trở lại, mở ra cơ hội lớn trong thu hút đầu tư, du lịch, mở rộng liên kết với các vùng kinh tế lớn trong cả nước...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin