Lâm Hà: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao, đứng thứ 3 toàn tỉnh

THÂN THU HIỀN 17:53, 19/05/2024

(LĐ online) - Ghi nhận đến ngày 15/5, huyện Lâm Hà đã có 139 ca mắc sốt xuất huyết tại 14/16 xã, thị trấn, tăng 106 ca so với cùng kỳ năm 2023. UBND huyện Lâm Hà đã có chỉ đạo quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại địa phương.

Người dân thị trấn Đinh Văn diệt lăng quăng để chủ động phòng chống sốt xuất huyết
Người dân thị trấn Đinh Văn diệt lăng quăng để chủ động phòng chống sốt xuất huyết

Ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất là tại thị trấn Đinh Văn có 33 ca, Nam Ban 25 ca; các xã Đạ Đờn 22 ca, Tân Hà 10 ca, Phúc Thọ 9 ca, Mê Linh 11 ca, Phú Sơn 6 ca, Tân Văn 4 ca, Phi Tô 3 ca, Tân Thanh 4 ca, Hoài Đức 2 ca, Đan Phượng 2 ca, Liên Hà 5 ca, Gia Lâm 2 ca. Số ca SXH nặng có 4 ca, chiếm 80% số ca mắc sốt xuất huyết nặng trong toàn tỉnh.

Mặc dù địa phương chưa ghi nhận ca tử vong do sốt xuất huyết gây ra, tuy nhiên, tính đến ngày 15/5, Lâm Hà có số ca mắc cao đứng thứ 3 trong toàn tỉnh. Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, UBND huyện Lâm Hà yêu cầu các phòng, ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung để công tác phòng chống được đảm bảo, hạn chế số ca mắc bệnh.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch huyện Lâm Hà tổ chức họp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách các xã, thị trấn. Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch huyện Lâm Hà, Phòng Y tế huyện chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn huyện.

Chỉ đạo các phòng khám tư nhân nghiêm túc thực hiện việc thông báo ngay cho trạm y tế xã, thị trấn nơi cơ sở hoạt động khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm trong danh muc bệnh được quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế để thực hiện việc điều tra, xác minh và báo cáo bệnh theo quy định.

Trung tâm Y tế huyện chỉ đạo thực hiện tốt công tác khám bệnh, phát hiện sớm ca bệnh, phân độ, thu dung và điều trị bệnh nhân, theo dõi, chuyển tuyến kịp thời, an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất bệnh nhân chuyển nặng và tử vong; thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi.

Rà soát, đảm bảo đầy đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, nhân lực phục vụ thu dung và điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm, lưu ý đảm bảo có dung dịch cao phân tử dùng trong điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết và thuốc điều trị cho bệnh tay chân miệng... Thực hiện điều tra giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp bệnh truyền nhiễm theo quy định, lưu ý các bệnh có vắc xin dự phòng như sốt phát ban nghi sởi/rubella, ho gà, bạch hầu, liệt mềm cấp.

Phòng Văn hóa Thông tin, Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường trên địa bàn, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thiết thực, hiệu quả.

UBND các xã, thị trấn, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch; tổ chức họp, phân công nhiệm vụ, địa bàn phụ trách cụ thể từng thôn/tổ dân phố cho thành viên Ban Chỉ đạo để trực tiếp thực hiện chỉ đạo, giám sát; đảm bảo tại khu vực có dịch mỗi hộ gia đình được kiểm tra, giám sát triển khai các biện pháp phòng, chống dịch 1 lần/ tuần đến khi tình hình ổ dịch ổn định.


Từ khóa:

sốt xuất huyết