Người “truyền lửa” cho bà con vùng khó vươn lên

LAM PHƯƠNG 05:26, 22/05/2024

Là Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) trồng dâu, nuôi tằm xã Đạ M’rông (Đam Rông), những năm qua, chị Ma Rương thường xuyên sâu sát, gần gũi để tuyên truyền, vận động đồng bào trên địa bàn xã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp bà con trồng dâu, nuôi tằm theo quy trình kỹ thuật mới, từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo và làm giàu trên quê hương.

Chị Ma Rương (áo đen) cùng thành viên THT đang chăm sóc tằm
Chị Ma Rương (áo đen) cùng thành viên THT đang chăm sóc tằm

Trước đây, xã Đạ M’rông nói riêng và vùng Đầm Ròn nói chung được ví như vùng “ốc đảo”, điều kiện đi lại gặp nhiều khó khăn, việc tiếp cận với thông tin đại chúng còn nhiều hạn chế, trình độ dân trí không đồng đều, một số hủ tục còn ăn sâu trong tâm thức của bà con và một bộ phận người dân vẫn còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước... nên đời sống khó khăn, cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám dai dẳng. Đây là một trở ngại lớn của những người làm công tác tuyên truyền để truyền đạt, vận động có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người dân. 

Chị Ma Rương chia sẻ: “Nhiều năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương về mọi mặt nên giờ ý thức của người dân về phát triển kinh tế đã được nâng lên đáng kể. Cùng với việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả, tận dụng đất ven sông, suối, đất bồi để trồng dâu, nuôi tằm. Có những hộ rất chịu khó, nhất là chị em của THT Trồng dâu, nuôi tằm, một số hộ nuôi từ 1 - 2 hộp tằm cho thu nhập trên dưới 20 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy, đến nay, cuộc sống sinh hoạt của gia đình từng bước đã được cải thiện và nâng cao...”.

Hiện nay, trồng dâu, nuôi tằm đang trở thành sinh kế quan trọng, giúp nhiều hộ dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, mang giá trị kinh tế ổn định, tạo sức lan tỏa đến nhiều hộ dân trong vùng. Nhờ thay đổi tư duy, nhận thức nên chỉ sau gần 10 năm tuyên truyền, vận động người dân theo nghề trồng dâu, nuôi tằm, đến nay, trên địa bàn xã Đạ M’rông đã có trên 300 hộ đồng bào trồng gần 100 ha dâu, cuộc sống của bà con từng bước được đi lên, cái đói, cái nghèo, hủ tục lạc hậu dần được đẩy lùi.

Nhận thấy, đây là vùng có tiềm năng phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm; đồng thời nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong vùng phát triển nghề nuôi tằm, vì vậy, năm 2023, chị Ma Rương đã đứng ra thành lập THT Cung ứng tằm con tại xã Đạ M’rông để cung cấp tằm con cho người dân trong vùng. Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, đến nay, THT Cung ứng tằm con xã Đạ M’rông đã thu hút 25 thành viên tham gia, với tổng diện tích 2 ha dâu, bình quân cung cấp cho thị trường 100 hộp tằm giống/tháng. 

Là Tổ trưởng THT Trồng dâu, nuôi tằm, chị Ma Rương không chỉ là người trực tiếp tổ chức, điều hành các hoạt động của tổ, mà còn tổ chức sản xuất, theo dõi, hướng dẫn chị em trong tổ trồng, chăm sóc dâu và nuôi tằm theo quy trình kỹ thuật đạt năng suất cao. Khuyến khích các hộ phát triển sản xuất dâu tằm theo hướng tập trung, xây dựng chuỗi liên kết giữa các hộ nuôi tằm theo quy mô lớn. “Trong tương lai, chúng tôi sẽ phấn đấu thành lập Hợp tác xã trồng dâu, nuôi tằm, chuyên cung ứng tằm con và thu mua kén tằm của bà con nuôi tằm tại các xã Đạ Long, Đạ Tông và Đạ M’rông; tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng chục hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Đạ M’rông... 

Với những đóng góp, cống hiến cho địa phương, chị Ma Rương vinh dự là một trong những “Gương sáng đời thường” được Ủy Ban MTTQ Việt Nam các cấp khen thưởng và tôn vinh.