Phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm

AN NHIÊN 06:13, 08/05/2024

Trong thời gian gần đây, tại một số địa phương trên cả nước đã liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP), gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của một bộ phận người dân. Một số vụ nổi cộm như: Vụ NĐTP liên quan đến cơ sở kinh doanh bánh mì que tại tỉnh Quảng Ngãi; vụ nghi NĐTP liên quan đến các cơ sở kinh doanh thực phẩm, gánh hàng rong trước cổng trường học tại TP Hồ Chí Minh; vụ NĐTP liên quan đến cơ sở kinh doanh bánh mì tại Đồng Nai vào ngày 1/5 có khoảng 500 người mắc…

Cấp cứu hồi sức tích cực cho bệnh nhân bị ngộ độc rượu tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng
Cấp cứu hồi sức tích cực cho bệnh nhân bị ngộ độc rượu tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng

GIÁM SÁT, PHÒNG NGỪA, CẢNH BÁO NGUY CƠ THỰC PHẨM MẤT AN TOÀN

 Trong 3 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng không ghi nhận vụ NĐTP trên 30 người mắc. Toàn tỉnh đã thành lập 162 đoàn thanh tra, kiểm tra đã tiến hành kiểm tra 3.150 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trong đó, có 2.874 cơ sở đảm bảo đầy đủ các điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) (chiếm 91,2%); có 276 cơ sở vi phạm các quy định về ATTP (chiếm 8,8%). Xử lý nhắc nhở, chấn chỉnh 275 cơ sở và xử lý vi phạm đối với 19 cơ sở với tổng số tiền phạt 83,5 triệu đồng. Giám sát đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các sự kiện tập trung đông người, kết quả sau đợt giám sát không có vụ NĐTP. Chủ động nắm thông tin từ hệ thống giám sát ATTP trong cả nước, cập nhật thông tin, cảnh báo sản phẩm thực phẩm không an toàn trên website: antoanthucphamlamdong.gov.vn. Sản xuất, phân phối tài liệu truyền thông về ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội xuân năm 2024 gồm 359 băng rôn và 175 băng đĩa tuyên truyền về ATTP cho các huyện, thành phố. 

Trước đó, năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 4 vụ NĐTP với 212 người mắc, không có người tử vong. Cụ thể: 1 vụ NĐTP tại trường học ở huyện Bảo Lâm với 14 trường hợp có triệu chứng rối loạn tiêu hóa do ăn quả cây ngô đồng; 1 vụ NĐTP do ăn nấm độc hái trên rừng tại huyện Di Linh với 15 người mắc; 1 vụ NĐTP trong tiệc cưới tại huyện Di Linh với 49 người mắc; 1 vụ NĐTP liên quan đến bữa tiệc gia đình tại huyện Lạc Dương với 134 người mắc. Tỷ lệ mắc NĐTP cấp tính/100.000 dân trong các vụ ngộ độc được ghi nhận là 15,8 giảm so với cùng kỳ năm 2022 (17,19). Khi xảy ra các vụ NĐTP, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành điều tra xác định căn nguyên và điều trị kịp thời.

Hàng năm, các cơ quan chức năng tổ chức hoạt động giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm nhằm cảnh báo nguy cơ về ATTP. Ngành Y tế lấy 261 mẫu sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Y tế để kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy có 20/261 (7,7%) mẫu không đạt; 1 mẫu có chỉ tiêu không phù hợp thông tin trên nhãn; 6 mẫu không đạt chỉ tiêu vi sinh; 13 mẫu không đạt chỉ tiêu hóa lý. Tiến hành kiểm tra nhanh 149 mẫu thực phẩm có mối nguy ô nhiễm cao, kết quả các mẫu kiểm tra nhanh đều đạt.

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành lấy mẫu giám sát lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản với 950 mẫu sản phẩm. Trong đó: Mẫu có nguồn gốc thực vật không đạt là 8/849 mẫu (0,94%); mẫu nguồn gốc động vật không đạt 17/71 mẫu (23,9%) gồm 17 mẫu giò chả phát hiện có hàm lượng Natribenzoat và 1 mẫu mật ong phát hiện hoạt chất Carbendazim; mẫu thủy sản không đạt 3/30 mẫu (10%) là 3 mẫu thủy sản phát hiện hoạt chất Trichlorfon.

Sở Khoa học và Công nghệ khảo sát về an toàn đối với 10 mẫu thực phẩm lưu thông trên thị trường (chả cá, chả chiên, chả lụa, thịt hộp, xúc xích, giò sống, cá hộp), kết quả phát hiện 1 mẫu cá hộp dương tính với phẩm màu...

Sở Y tế triển khai công tác giám sát đảm bảo ATTP tại các lễ hội, sự kiện của tỉnh. Thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính về lĩnh vực ATTP, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, các quy trình cấp giấy chứng nhận đều được công khai, niêm yết tại nơi tiếp nhận và trả kết quả, 100% hồ sơ về ATTP đều được xử lý trước và đúng thời hạn theo quy định. Trong năm 2023, các ngành đã tổ chức cấp 1.620 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm (Trong đó, ngành Nông nghiệp 244, ngành Công thương 77 và ngành Y tế 1.299 giấy chứng nhận).

Công tác kiểm nghiệm thực phẩm, giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm và giám sát NĐTP và nắm bắt kịp thời thông tin vụ NĐTP; tổ chức điều tra, xác minh; phối hợp các cơ quan liên quan truy xuất nguồn gốc; tổ chức lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm xác định nguyên nhân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất vụ NĐTP xảy ra. Tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống NĐTP, đặc biệt là NĐTP tại các bếp ăn tập thể, trường học, ngộ độc rượu, nấm độc. Nâng cao năng lực hệ thống Labo kiểm nghiệm ATTP, tăng cường công tác hậu kiểm chất lượng sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường.

TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP ĐẢM BẢO ATTP

Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh Lâm Đồng vừa có chỉ đạo khẩn các huyện, thành phố tăng cường các biện pháp đảm bảo ATTP. Thực hiện Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 3/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn ngừa, xử lý NĐTP, để chủ động trong công tác bảo đảm ATTP, phòng, chống NĐTP và các bệnh truyền qua thực phẩm, đặc biệt trong giai đoạn nắng nóng, chuyển mùa, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTTP các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban có liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATTP đối với các cơ sở thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp. Tập trung lực lượng triển khai kiểm tra có trọng tâm các cơ sở thuộc phạm vi quản lý của cấp huyện, thành phố; cấp xã, phường, thị trấn theo phân cấp hiện hành, đảm bảo tránh chồng chéo hoặc bỏ sót cơ sở. Đặc biệt, tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ nấu ăn lưu động, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh thực phẩm, gánh hàng rong trước cổng các trường học... Kiên quyết xử lý nghiêm, không để các cơ sở không bảo đảm điều kiện về ATTP hoạt động; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời cho cộng đồng.

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, xác định công tác thông tin, truyền thông về ATPP là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, truyền thông phải đi trước một bước trong chuỗi các hoạt động đảm bảo ATTP. Chú ý kết hợp các hình thức, phương tiện truyền thông kỹ thuật số, phối hợp với các báo, đài, phát thanh, truyền hình địa phương tăng cường dung lượng, thông tin mang tính chất thời sự về ATTP. Chú trọng việc tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh tại cơ sở các thông tin, cảnh báo nguy cơ mất ATTP trên địa bàn. Nâng cao kiến thức đảm bảo ATTP trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm góp phần phòng, chống NĐTP. Huy động sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng, các tổ chức, đoàn thể xã hội cùng chung tay, góp sức vì thực phẩm sạch, chất lượng, an toàn. Vận động, tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; đồng thời phê phán hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, gây nguy hại đối với sức khoẻ con người.

Chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp đảm bảo ATTP, giám sát nguy cơ ATTP, phòng, chống NĐTP và bệnh truyền qua thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Huy động sự tham gia, phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể, tổ chức xã hội có liên quan trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe, đảm bảo ATTP, vệ sinh môi trường tại các cơ sở thực phẩm. Chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch, phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho lực lượng chuyên môn trong việc khám, cấp cứu, điều trị. Xử lý kịp thời giảm thiểu ảnh hưởng, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về ATTP, NĐTP, bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn.