Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới

VIẾT TRỌNG  06:44, 23/05/2024

Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Lâm Đồng vừa có công văn gửi đến các ngành, các cấp, các huyện, thành trong tỉnh đề nghị có các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6 và Tháng hành động vì môi trường năm 2024. 

Tặng giỏ xách nhựa đi chợ nhằm giảm rác thải túi ni lông cho đại diện phụ nữ huyện Đức Trọng
Tặng giỏ xách nhựa đi chợ nhằm giảm rác thải túi ni lông cho đại diện phụ nữ huyện Đức Trọng

Ngày Môi trường thế giới (5/6) do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động được Việt Nam hưởng ứng từ năm 1982 đến nay đã trở thành phong trào rộng khắp trên phạm vi cả nước, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Chủ đề chính của năm 2024 này là “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá" nhằm kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới.

Cùng đó, ngày 22/5 - Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2024 được Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học”, kêu gọi các bên liên quan hãy cùng đóng góp vào việc thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (GBF) nhằm ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học trong thập kỷ “Phục hồi hệ sinh thái”. Thông điệp này cũng nhằm nâng cao nhận thức của các bên liên quan về Khung GBF và Hội nghị các bên tham gia Công ước về Đa dạng sinh học (COP16) sẽ diễn ra từ 21/10 đến 1/11 năm nay tại Cali, Colombia.

Sở TNMT đề nghị căn cứ tình hình thực tế, từ cuối tháng 5 đến hết tháng 6/2024, các đơn vị, địa phương cần tổ chức các hoạt động cộng đồng như ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom, xử lý chất thải... Các hoạt động cần cụ thể, mang tính thiết thực và hiệu quả. 

CÓ CÁC HOẠT ĐỘNG THIẾT THỰC, HIỆU QUẢ

Trong dịp này, Sở TNMT Lâm Đồng đã đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao để tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường năm 2024. 

Cụ thể, cần tăng cường các hoạt động quản lý chất lượng môi trường đất; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon và quản lý bền vững tài nguyên rừng; tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước; xây dựng bản đồ hạn hán cho các khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp; tổ chức các hoạt động chuyển giao công nghệ và những kết quả về hợp tác quốc tế, hợp tác khu vực, trong đó có sáng kiến về giảm phát thải thông qua các nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, sáng kiến về chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Các địa phương cần rà soát, phân loại, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường đất; điều tra, đánh giá khu vực đất bị ô nhiễm, có nguy cơ ô nhiễm; khoanh vùng và có kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất bị ô nhiễm theo quy định; có biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu tối đa quá trình sa mạc hóa, hạn hán trên địa bàn. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương và tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia tiếp cận với các thông tin và kỹ thuật phòng tránh khô hạn và hoang mạc. Tăng cường bổ sung nguồn kinh phí, nguồn nhân lực, các phương tiện dự báo thời tiết, khí tượng thuỷ văn của địa phương trong việc chống sa mạc hóa và hạn hán. 

Các đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, phát triển sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ sa mạc hóa; nghiên cứu và áp dụng những giải pháp tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước và bảo vệ bề mặt của đất. Đặc biệt, các cấp chính quyền cần nâng cao nhận thức, coi nội dung phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa là một phần không thể tách rời của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, là nhiệm vụ quan trọng của quá trình phát triển bền vững gắn chặt với các chương trình dự án, sáng kiến có liên quan tới biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai và phát triển sinh kế bền vững. 

Cần kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải từ hoạt động xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp (đặc biệt là hoạt động chăn nuôi và canh tác nông nghiệp) và quy định về phân loại rác thải tại nguồn, đảm bảo chất thải phát sinh phải được xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về chất thải tương ứng trước khi thải ra môi trường, đặc biệt nghiêm cấm việc xả thải không đúng quy định ra môi trường đất; đẩy mạnh việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, các mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững nhằm hạn chế tối đa quá trình sa mạc hóa, ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Cần nhân rộng các mô hình hiệu quả trong việc phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá đặc biệt là những khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của hiện tượng hạn hán. Phát hiện, biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân và cộng đồng, doanh nghiệp có thành tích, sáng kiến tiêu biểu trong hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên. 

THÚC ĐẨY LỐI SỐNG HÀI HÒA THIÊN NHIÊN

Để hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 2024, cần tăng cường truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học và các giá trị của đa dạng sinh học trong chiến lược phát triển bền vững của quốc gia; lồng ghép nội dung bảo tồn đa dạng sinh học vào các chương trình giáo dục đồng thời thúc đẩy lối sống hài hòa với thiên nhiên.

Các đơn vị, địa phương trong tỉnh cần tăng cường ngăn chặn các hoạt động buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã; ngăn chặn, giảm thiểu sự xuất hiện và tác động của các loài ngoại lai xâm hại đối với đa dạng sinh học thông qua các biện pháp kiểm soát, tăng cường quản lý con đường du nhập hoặc diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại.

Cần nghiên cứu và áp dụng các giải pháp giảm ô nhiễm và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh học thông qua các giải pháp như giảm thiểu phát thải, ngăn chặn và giảm rác thải nhựa, quản lý chặt chẽ thuốc trừ sâu và hóa chất dùng trong sản xuất nông lâm ngư nghiệp, quản lý dịch bệnh, thâm canh bền vững, lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học vào các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của địa phương để đảm bảo sự công bằng, toàn diện và đồng bộ trong quá trình ra quyết định có liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học...



Liên kết hữu ích