Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã cùng với các ngành chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành việc lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu bình đẳng giới, đặc biệt là chú trọng xây dựng môi trường sống an toàn, hạnh phúc đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Tạo điều kiện để phụ nữ tham gia các hoạt động nhằm khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình và ngoài xã hội |
• TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ, HIỆU QUẢ CÁC HOẠT ĐỘNG
Tại Lâm Đồng, nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành việc lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu bình đẳng giới được ban hành như: Kế hoạch triển khai chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch về thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030”; Kế hoạch triển khai Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng…
Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương cụ thể hóa, lồng ghép giới trong chương trình, kế hoạch theo giai đoạn và hàng năm với các mục tiêu, hoạt động cụ thể trong công tác bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; phòng ngừa xâm hại phụ nữ và trẻ em gái; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống mua bán người… thông qua các hoạt động thiết thực như hội nghị, hội thảo, tập huấn, tọa đàm, các cuộc thi, giao lưu văn nghệ, thể thao… Đồng thời, triển khai có hiệu quả “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới”. Đặc biệt duy trì, nhân rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả các mô hình, cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Hiện nay, toàn tỉnh có 561 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 840 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, 440 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và 289 số điện thoại đường dây nóng.
Xác định kinh tế phát triển, đời sống nâng cao là yếu tố quan trọng để xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách triển khai công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm ngày càng phát huy có hiệu quả, đời sống của chị em phụ nữ ngày càng được nâng lên. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động với dữ liệu cung, cầu phong phú, đa dạng để kịp thời tư vấn, kết nối việc làm cho người lao động, nhất là lao động nữ. Đồng thời, nâng tần suất tổ chức và đa dạng các hình thức tổ chức phiên giao dịch việc làm, trong đó chú trọng đến các phiên giao dịch việc làm chuyên đề cho phụ nữ, nhằm tạo điều kiện cho lao động nữ có cơ hội việc làm và học nghề phù hợp với trình độ, năng lực. Trong 5 năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nữ được quan tâm triển khai, đã có trên 92 ngàn lao động nữ trong độ tuổi được đào tạo nghề, chiếm tỷ lệ 52,99% trên tổng số lao động được đào tạo nghề.
• TẠO MÔI TRƯỜNG SỐNG AN TOÀN CHO PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM GÁI
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, bên cạnh việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động nhằm xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái, vẫn còn tồn tại tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em gái, gây ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần và bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến trật tự xã hội tại địa phương.
Để tạo môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái, tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái được tham gia và thụ hưởng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đòi hỏi mỗi gia đình và toàn xã hội chung tay, góp sức xóa bỏ bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới. Trong đó tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp, các tổ chức và cá nhân trong phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, bình đẳng giới trong các lĩnh vực. Đồng thời đa dạng hoá các hình thức hoạt động truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật về bình đẳng giới, phòng ngừa xâm hại phụ nữ và trẻ em gái; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống mua bán người; duy trì, phát huy và nhân rộng các mô hình mới, giải pháp hay về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi để mỗi phụ nữ, trẻ em gái ý thức và tự phấn đấu vươn lên, khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Nâng cao trình độ dân trí, tăng cường vai trò xây dựng gia đình bình đẳng, tôn trọng, cùng nhau chia sẻ công việc, sống hoà thuận, thuỷ chung. Tăng cường các biện pháp nhằm ngăn ngừa và bảo vệ phụ nữ và trẻ em trước nguy cơ bị bạo lực và quấy rối, từng bước xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin