Ðam Rông: Nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học - công nghệ trong vùng đồng bào DTTS

HỒNG THẮM 06:18, 20/06/2024

Giai đoạn 2021 - 2023, trên địa bàn huyện Đam Rông đã triển khai thực hiện 4 nhiệm vụ ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ. Qua đánh giá, các mô hình cơ bản phù hợp với nhu cầu, điều kiện tự nhiên, tập quán sản xuất của người dân, từng bước đưa các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để người dân áp dụng vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Các mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ sẽ giúp người dân cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập
Các mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ sẽ giúp người dân cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập

Cụ thể, các dự án: Xây dựng Mô hình Vườn ươm giống rau tại xã Đạ K’nàng; Xây dựng Mô hình Nhân rộng giống nếp đen truyền thống tại xã Đạ M’rông; Nhân rộng Mô hình Chăn nuôi bò thịt theo hình thức bán thâm canh; Mô hình Trồng cà chua Beef trên giá thể áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Tổng kinh phí thực hiện các mô hình là hơn 1,6 tỷ đồng, trong đó, ngân sách sự nghiệp khoa học - công nghệ là 800 triệu đồng; ngân sách huyện 200 triệu đồng và nguồn vốn Nhân dân đối ứng là 610 triệu đồng.

Theo đó, các mô hình trước khi triển khai đã tiến hành khảo sát, lựa chọn các hộ có đủ điều kiện và phù hợp để tham gia. Người dân khi tham gia cũng đã được tập huấn, đào tạo để nắm vững quy trình và có đủ khả năng tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiên tiến về trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng các kỹ thuật canh tác mới… Do làm tốt công tác phối hợp với UBND các xã, công tác chuẩn bị chu đáo, đội ngũ giảng viên nhiệt tình, giàu kinh nghiệm nên các lớp tập huấn đã thành công tốt đẹp, được người dân hưởng ứng nhiệt tình và UBND các xã đánh giá cao về tính hiệu quả và thiết thực.

Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ cũng đang triển khai đề tài nông thôn miền núi cấp tỉnh “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển bền vững ngành trồng dâu, nuôi tằm tại huyện Đam Rông” tại 3 xã Đầm Ròn do Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng là cơ quan chủ trì thực hiện.

Kết quả cho thấy đã có nhiều mô hình ứng dụng khoa học - kỹ thuật mang lại hiệu quả, có quy mô phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cho năng suất, chất lượng, thu nhập cao, đặc biệt là mô hình nông nghiệp áp dụng công nghệ cao cho thu nhập vượt trội (từ 700 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm). Mô hình chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao như: chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả ven sông, suối sang trồng dâu, nuôi tằm; tái canh, ghép cải tạo vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp; trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê… Đồng thời, xây dựng các mô hình trình diễn, hội thảo đầu bờ, quy hoạch sản xuất theo từng tiểu vùng để góp phần nâng cao năng suất cây trồng, tăng thu nhập cho nông hộ.

Từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều nông hộ mạnh dạn chuyển đổi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nhất là khu vực các xã Phi Liêng, Đạ K’nàng, Đạ Rsal. Đến nay, diện tích canh tác trên 22.300 ha; tổng sản lượng lương thực đạt trên 17.948,3 tấn/năm; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân hàng năm đạt 142,6 triệu đồng/ha. Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 960,9 ha (trong đó diện tích nhà kính 28,9 ha), chủ yếu trồng rau, hoa khu vực Phi Liêng và Đạ K’nàng.

Nhờ đó, ngành Nông nghiệp ở địa phương cũng đã xây dựng 15 chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ, số hộ liên kết trên 900 hộ, sản lượng nông sản qua chuỗi trên 11.500 tấn, tăng 3 chuỗi, 60 hộ và 500 tấn nông sản. Giai đoạn 2021- 2023 thành lập mới thêm 4 hợp tác xã (HTX) lĩnh vực nông nghiệp, 6 THX, nâng tổng số HTX nông nghiệp toàn huyện lên 24 HTX, 15 THT.

Tuy nhiên, qua nhìn nhận khách quan, việc phát triển ứng dụng khoa học - công nghệ cao vẫn còn chậm so với mặt bằng chung của tỉnh. Địa bàn triển khai các nhiệm vụ là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện về cơ sở vật chất, kinh tế và giao thông đi lại một số khu vực còn khó khăn, địa hình chia cắt nên tiến độ triển khai có thời điểm chưa kịp thời. Trình độ dân trí của người dân còn thấp do đó còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận, triển khai các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới. Điều kiện kinh tế, nguồn vốn tự có của người dân còn hạn chế do đó gặp khó khăn trong việc tự nhân rộng các dự án đã triển khai. Việc tổ chức sản xuất nông nghiệp chưa được đồng bào dân tộc thiểu số hưởng ứng mạnh, chuyển đổi cây trồng hiệu quả kinh tế cao chưa nhiều. Còn một bộ phận bà con chưa mạnh dạn đổi mới tư duy sản xuất, ngại học tập, tiếp cận các mô hình mới có hiệu quả vào sản xuất; việc tổ chức sản xuất, tổ chức sinh hoạt và tổ chức chi tiêu trong gia đình còn hạn chế…

Trong thời gian tới, Đam Rông xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của huyện, ưu tiên nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, xác định các nhiệm vụ cần thiết để xây dựng, bố trí kinh phí phát triển các tiểu vùng nông nghiệp cơ bản, phù hợp với trình độ canh tác của người dân. Đồng thời, huyện cũng đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, bố trí kinh phí cho các địa phương ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để hoàn thiện trang thiết bị công nghệ thông tin, nhằm đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học - công nghệ; hỗ trợ việc tạo lập, xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm chủ lực của địa phương.