Được thành lập năm 2003, xã Phước Lộc (huyện Đạ Huoai) khởi đầu với muôn vàn khó khăn khi đa phần các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của xã là hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, xã có 866 hộ, 3627 nhân khẩu, đồng bào DTTS chiếm khoảng 84%, trải qua một thời gian cố gắng, phấn đấu, đến nay xã chỉ còn 7 hộ nghèo (có 2 hộ thuộc đối tượng bảo trợ xã hội). Theo kế hoạch, năm nay, xã sẽ phấn đấu không còn hộ nghèo.
Nhiều hộ gia đình ở xã Phước Lộc thoát được nghèo đói, có thu nhập cao nhờ trồng sầu riêng |
Trong cuộc trò chuyện về sự đổi thay mạnh mẽ của mảnh đất Đạ Huoai thời gian qua, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nguyễn Quý Mỵ có nhắc đến công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương, trong đó có xã Phước Lộc. Theo đồng chí Bí thư Huyện ủy thì thời gian trước, đời sống của người dân ở đây còn khó khăn, những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và của địa phương, sự tích cực lao động của người dân địa phương mà xã Phước Lộc nói riêng đã có những bước phát triển. Câu chuyện cụ thể đó chính là nhiều năm trước đồng chí Bí thư Huyện ủy cùng đoàn công tác của huyện kiểm tra tình hình thực tế về phát triển kinh tế hộ gia đình và hỗ trợ cây giống sầu riêng cho hộ nghèo, hộ gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn. Sau một thời gian quay trở lại, nhiều hộ dân, nhất là đồng bào DTTS vui mừng cho biết rằng mình đã thoát nghèo nhiều năm và nay đã có thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Phú - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Lộc cho biết: Đến nay, toàn xã có diện tích trồng sầu riêng khoảng 600 ha, diện tích cho thu hoạch khoảng 400 ha, người dân bắt đầu trồng nhiều từ năm 2015. Trước đây, bà con chủ yếu trồng các loại cây như điều, chè, cây tre… sau đó chuyển đổi dần sang sầu riêng qua các năm. Xác định đây là cây trồng chủ lực, Hội Nông dân luôn đẩy mạnh tuyên truyền trong Nhân dân, nhất là đồng bào DTTS về áp dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ, nông nghiệp bền vững, người nông dân tử tế ngay trên chính mảnh vườn của mình. Nhờ vậy, thu nhập của người dân và trên một đơn vị diện tích không ngừng được tăng lên. Năm 2023, toàn xã có 30 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện; 21 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh; 10 hộ đạt danh hiệu nông dân kinh doanh, sản xuất giỏi cấp Trung ương, trong đó có nhiều hộ là đồng bào DTTS.
Nhiều năm trước, gia đình của chị Ka Bình (thôn Bình An) là hộ nghèo, nhờ không ngừng học hỏi để trồng sầu riêng mà hộ gia đình đã thoát nghèo, vươn lên thành gia đình khá giả. Nhờ những vụ sầu riêng bội thu mà đến nay gia đình đã mua được ô tô và xây dựng được nhà cửa khang trang. Anh Trần Bắc Giang (người Tày) là chồng của chị Ka Bình cho biết, gia đình tôi trồng 2 ha sầu riêng, những năm trước, gia đình thuộc diện hộ nghèo nhưng đến nay mỗi vụ sầu riêng cho thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến khoảng một tỷ đồng; nhờ vậy mà thoát được hộ nghèo, vươn lên trong cuộc sống.
Trước đây, gia đình chị Ka Krẹ cũng là hộ nghèo của thôn Phước Dũng, nhờ canh tác sầu riêng mà gia đình đã thoát được nghèo, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, đủ đầy. Hay như gia đình chị Ka Huân cũng từ hộ nghèo mà vươn lên thành hộ có thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm.
Theo đồng bào DTTS ở xã Phước Lộc thì ngày trước bà con phải đối mặt với nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế hộ gia đình, nhưng thời gian trở lại đây nhờ mạnh dạn đầu tư, phát triển cây sầu riêng mà cuộc sống có nhiều đổi thay, khởi sắc. Chuyện xây nhà tiền tỷ và sắm ô tô không còn là chuyện hiếm của xã Phước Lộc nữa. Một số cán bộ của xã Phước Lộc còn cho biết thêm rằng, ở địa phương nhiều gia đình là đồng bào DTTS ngoài khoản tiền dành dụm, đầu tư còn mua được cả 2 chiếc xe ô tô tiền tỷ. Giấc mơ thoát nghèo, làm giàu chính đáng đã trở thành hiện thực trên mảnh đất này.
Có lẽ người sâu sát và am hiểu về xã Phước Lộc không ai khác chính là đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Trần Đình Phong, nhận công tác khi mới thành lập xã, đến nay xã Phước Lộc đã đạt mốc 20 năm hình thành và phát triển. Đồng chí Trần Đình Phong cho biết: Ngày đầu thành lập xã với nhiều khó khăn, đa phần người dân là đồng bào DTTS người Mạ, K’Ho, Chăm… Ngày đó, bà con còn khó khăn, vất vả lắm, nhà ở toàn làm bằng tranh, tre, nứa, lá. Thời gian gần đây có thể nói đã thay đổi một cách đáng kể, hiện xã chỉ còn 7 hộ nghèo (2 hộ thuộc đối tượng bảo trợ xã hội), năm nay theo kế hoạch sẽ phấn đấu không còn hộ nghèo; nhà tạm hiện chỉ còn 2 hộ, địa phương đang chuẩn bị các điều kiện để xóa nhà tạm cho 2 hộ này.
Một địa phương với sự khởi đầu khó khăn khi đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ khoảng 84% và đa phần là nghèo đói nhưng đến nay, nhờ xác định và đầu tư phát triển cây trồng chủ lực mà đời sống bà con được cải thiện hẳn, ngày càng có nhiều hộ dân thu nhập cao, xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm phương tiện đi lại, con em được ăn học đến nơi đến chốn.
Cũng theo đồng chí Bí thư Đảng ủy Trần Đình Phong, trên cơ sở triển khai Nghị quyết chuyên đề số 01 của Huyện ủy Đạ Huoai về “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương giai đoạn 2021-2025”; năm 2021, Đảng ủy xã Phước Lộc đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 06 về “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực của xã Phước Lộc giai đoạn 2021 - 2025”. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, các đảng viên ở địa phương đã “nói đi đôi với làm”, bắt tay vào thực hiện. Từ đó, người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào DTTS tin tưởng, làm theo để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình, nhất là trong việc trồng và chăm sóc cây sầu riêng - loại cây trồng chủ lực tại địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin