Đôi chân trần của mẹ

TRẦN ĐẠI 01:10, 27/06/2024

Có một nhà xã hội học nói rằng “Thời 4.0 do nhiễu loạn thông tin nhiều chiều, nên việc bố mẹ dạy dỗ con cái không chỉ dựa vào lời nói mà còn là hành động thiết thực cho bọn trẻ nhận ra nhân cách và cốt lõi của gia đình. Vì tài sản để lại cho con không phải bằng vật chất mà bằng kiến thức để tồn tại và trách nhiệm chính mình...”.

Dìu mẹ trên đường
Dìu mẹ trên đường

Những ngày gần đây, trên đường Mai Thúc Loan thuộc Thôn 2, xã Đại Lào, Bảo Lộc, mỗi buổi sáng người ta thường gặp một thanh niên 30 tuổi da ngăm, xốc nách dìu một phụ nữ khoảng 60 tuổi vừa đi vừa động viên bà bằng âm sắc nhỏ nhẹ. Bà mẹ bước đi rất khó khăn, đầu luôn ngoẹo sang một bên, mắt mở trừng trừng một cách vô hồn, hình như bà không nói được, chỉ thấy nhép miệng, hai tay quờ quạng một cách vô thức. Khoảng 1 giờ sau, mọi người lại thấy chính người thanh niên này chạy xe ba gác rồi máy cày, xe ben chở đầy ắp phế liệu về bãi tập kết, trên gương mặt còn lấm tấm mồ hôi, vì anh ta là chủ xe kiêm tài xế và cả bốc vác.

Người thanh niên da ngăm làm việc liền tay và luôn dành thời gian chăm sóc mẹ đầy trách nhiệm, cháu tên là Nguyễn Cát Nhân, 32 tuổi. Nhân sau khi tốt nghiệp cao đẳng công nghệ thông tin trở về nhà áp dụng mua bán phế liệu, quan hệ khách hàng và khai thác thị trường bằng phương pháp công nghệ mà mình đã học. Cách đây vài ngày, trong vai người hàng xóm đến thăm bà Khuyên, mẹ Nhân, được cháu tiếp đón và nghe câu chuyện về mẹ từ đáy lòng mình với âm sắc buồn buồn từ việc chăm sóc mẹ, đến thương trường phế liệu. Cháu bộc bạch: “Mẹ con là một phụ nữ hết lòng vun đắp cho gia đình. Lúc thiếu thời, mẹ không được học nhiều, không có vẻ đẹp kiêu sa như những người khác nhưng lại là người con hiếu thảo với bố mẹ, ngoài ra, còn là người phụ nữ biết tổ chức cuộc sống, luôn tìm cách thoát nghèo. Năm 2000, mẹ là người ngày ngày ngồi trên chiếc xe đạp tay bóp kèn cao su “toét toét” để mua phế liệu, rồi vài năm sau bà đi bằng xe máy kéo theo xe lôi 2 bánh chở đầy phế liệu. Cuối cùng là mở đại lý thu mua, mẹ làm quần quật từ sáng đến chiều tối, không biết một ngày mẹ đi bao nhiêu lần để tiếp nhận, vận chuyển các mặt hàng phế thải bốc mùi từ các bạn hàng. Công việc này chắc bác có thể hình tượng các loại nhôm nhựa đến sắt thép toàn đồ phế thải vừa dơ bẩn nằm trong đống rác người ta. Người giàu có hay sang trọng mỗi lần đến vựa ve chai đều mang khẩu trang dày, có người che mũi. Ngày còn trẻ đi học về thấy mẹ khuân vác, chúng con lao vào phụ mẹ sắp xếp phế liệu theo từng loại, dường như suốt ngày gương mặt và quần áo của mẹ luôn lấm lết bụi bặm nhưng chưa bao giờ thấy mẹ buồn hoặc than thở với các con. Mẹ nói: “Mẹ cố gắng lao động để đủ tiền cho các con ăn học chỉ mong sau này không vất vả như bố mẹ. Có chữ và có nghề vẫn hơn người ít học con ạ!”. Bác biết, có những lúc mưa dầm, các khách hàng chở ve chai đến, mẹ lao ra phụ mở xuống. Lúc trời nắng công việc nặng nhọc hơn thế nhưng mẹ ít khi bị ốm vặt. Hồi ấy, ông nội cháu bị bại liệt, là con dâu nên mẹ lo chăm sóc ông từ miếng ăn, giấc ngủ cũng như vệ sinh của người già đầy trách nhiệm, có lần nghe mẹ tâm sự với bố: “Việc chăm sóc bố mẹ ngoài nghĩa vụ của vợ chồng mình còn là tấm gương cho con cái sau này, chuyện đời khó biết trước”. Mẹ Khuyên của con là thế".

Tiếp tôi trong gian phòng của người bệnh nặng, Cát Nhân yên lặng nhìn mẹ đang mở đôi mắt to trong bất lực, cháu vừa bóp tay, chân cho mẹ vừa thì thầm: “Trước Tết vài ngày, mẹ cố đóng thùng để xuất đi chuyến hàng phế liệu cuối năm trong cái nóng hừng hực, người ướt đẫm, bổng mẹ quỵ xuống bất tỉnh. Chắc đó là những giọt mồ hôi cuối cùng của mẹ. Ra Tết, bố con đã đưa đi Sài Gòn điều trị nhưng bệnh chỉ giảm đi đôi chút và bây giờ như bác thấy đấy!”. Nhân nâng đôi chân của mẹ lên trong tâm thức đau xót: “Đôi chân trần này không biết cả đời mẹ đi bao nhiêu cây số vì cuộc sống gia đình thời khốn khó”. Rồi ôm mặt nhìn vô tường trong im lặng, tôi biết cháu đang khóc, người thanh niên trên 30 tuổi nước mắt bao giờ cũng chảy ngược. Tôi nhoài người nắm tay người phụ nữ hàng xóm, mà tôi trân quý, bà là một mẫu người thức khuya, dậy sớm chạy xe bóp kèn đi ngang dọc vùng quê thu mua phế liệu, nay nằm bất động trong tuyệt vọng.

Hôm qua ghé nhà gặp bố của Nhân trong lúc ông đang ốm, tuy hơi mệt nhưng ông cố bắt tay tôi thì thầm: “Nghe tin ông có ý định viết về tấm gương hiếu thảo và trách nhiệm công việc đứa con trai cả của tôi. Tôi muốn nói thêm là trong hai đứa con trai của tôi, đứa nào cũng lót chữ Cát như: Cát Nhân, Cát Linh. Chữ Cát theo Hán tự gồm có chữ Sĩ và chữ Khẩu mang hàm ý làm người phải biết trước biết sau, biết lo làm ăn, cũng nhờ ước vọng đó cộng với quen việc hàng ngày nên lúc hai vợ chồng tôi đau ốm các cháu có thể bắt tay vào việc ngay, đôi khi lại giỏi hơn mình. Suy cho cùng, người già như chúng ta, tài sản để lại cho con cái không phải bằng tiền bạc hay giá trị vật chất khác mà là kiến thức nghề nghiệp và trách nhiệm. Cũng nhờ đi học nghề công nghệ thông tin và lăn lóc với thương trường mà hai đứa con tôi tiếp quản sự nghiệp của gia đình gần 30 năm không phải đổ nhiều mồ hôi và đi chân trần như mẹ nó, ông ạ!”.