Nhiều hoạt động nổi trội về ứng dụng công nghệ cao, duy trì liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, huy động nguồn lực đóng góp lớn cho địa phương; Hội Nông dân huyện Đức Trọng đã trở thành điển hình tập thể tiêu biểu của huyện, của tỉnh, góp phần quan trọng trong công cuộc chung tay xây dựng nông thôn mới.
Nông dân Đức Trọng mạnh dạn đầu tư sản xuất theo hướng công nghệ cao |
Phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới” được các cấp Hội triển khai vận động thường xuyên, liên tục, góp phần huy động các nguồn lực thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới ở địa phương. Đến nay, 14/14 xã giữ vững các tiêu chí nông thôn mới, trong đó, có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Trọng chia sẻ: Thực hiện theo định hướng, chỉ đạo chung của tỉnh, huyện cũng đã nhanh chóng bắt kịp xu hướng mới, hiện đại. Dưới sự hướng dẫn tích cực của các chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp và đi tham quan học tập nhiều mô hình mới nên Hội Nông dân huyện đã nhanh chóng tiếp cận và từng bước ứng dụng vào sản xuất mô hình nông nghiệp hiện đại, khoa học, hiệu quả như mô hình ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến đã giúp cho người nông dân tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 11.406 ha sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Trong đó, diện tích nhà kính khoảng 317 ha, nhà lưới khoảng 165 ha, diện tích canh tác theo hướng tưới tự động ngoài trời chiếm khoảng 10.924 ha. Trong đó, bà con nông dân Đức Trọng cũng mạnh dạn tham gia ứng dụng mô hình 4.0 với khoảng 67 ha.
Để đồng hành và thúc đẩy sự phát triển bền vững, Hội đã chủ động xây dựng chuỗi liên kết trong cung ứng và tiêu thụ nông sản, chiếm vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển nông nghiệp tại địa phương. Hội đã ban hành nghị quyết về liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và xác định đây chính là “chìa khoá vàng" để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Ngay sau khi ban hành nghị quyết, triển khai xuống cơ sở đã nhận được sự đồng tình của các cấp Hội. Mỗi cán bộ Hội đã nhanh chóng phát huy trách nhiệm, bắt tay vào hành động. Điển hình như bà Phạm Thị Ân - Công ty TNHH Hồng Ân là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân xã Ninh Gia, mô hình của bà chuyên nuôi trồng và liên kết với nhiều hộ nông dân trồng các loại nấm ăn và nấm làm dược liệu. Quy mô tương đối lớn với công suất cung ứng 5 tấn sản phẩm tươi mỗi ngày và 15 tấn nấm khô/tháng. Được biết, năm 2023, tỉnh đã phê duyệt dự án chuỗi liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm là nấm bào ngư, ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 1,3 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này đã giúp công ty trang bị thêm 2 máy sấy, 2 kho lạnh, 1 máy đóng gói; 1 máy in bao bì nhãn mác. Từ đây đã giúp Công ty ổn định sản xuất và tăng cường liên kết với các hộ nông dân quanh vùng để bao tiêu sản phẩm và cung ứng ra thị trường.
Ngoài ra, Hội Nông dân huyện Đức Trọng đã chủ động tìm kiếm, ký thoả thuận hợp tác quốc tế với Công ty Orion Vina vốn Hàn Quốc để nhập khẩu củ giống khoai tây về cho bà con nông dân hợp đồng sản xuất và tiêu thụ khoai tây vụ đông. Đặc biệt, trong năm 2022 - 2023, Hội đã đề xuất Công ty Orion hỗ trợ nông dân găp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Để duy trì sản xuất gieo trồng 500 ha khoai tây, Công ty đã tài trợ 8 triệu đồng/ha với tổng kinh phí 4 tỷ đồng thông qua hỗ trợ phân bón Na Uy. Ngoài ra, Hội còn liên kết sản xuất với đơn vị Hiraki Da Lat có nhà máy đặt tại xã Phú Hội để sản xuất và bao tiêu nông sản với khoảng 60 loại rau, củ các loại, theo hướng sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, từ VietGAP, GlobalGAP đến sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ organic có chứng nhận tiêu chuẩn để xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nhật Bản.
Tìm hiểu về lĩnh vực này, chúng tôi được bà con nông dân Đức Trọng thông tin là nhờ sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện đã có liên kết với các đơn vị thu mua sữa bò tươi như Công ty Sữa Vinamik, Dalatmilk, Cô gái Hà Lan đã giúp gần như 100% hộ chăn nuôi bò được tiêu thụ sản phẩm ổn định. Hội cũng đã cùng bà con nông dân đang chăn nuôi bò sữa ở huyện tập trung xây dựng trại chăn nuôi trùn quế, liên kết với các nông hộ để tận dụng nguồn phân bò sữa làm thức ăn nuôi trùn quế, qua đó vừa góp phần xử lý ô nhiễm môi trường, lại tận dụng trùn quế bón cho các loại cây trồng, có tác dụng rất tốt trong cải tạo đất, góp phần tham gia phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Theo đánh giá của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Đức Trọng, ngoài định hướng, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao, Hội Nông dân huyện còn tích cực vận động hội viên tham gia xây dựng nông thôn mới với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, trong đó nông dân là chủ thể, là hạt nhân trong xây dựng nông thôn mới. Qua sự tuyên truyền, vận động tích cực, 5 năm qua, nông dân huyện Đức Trọng đã đóng góp trên 32 tỷ đồng, gần 17 ngàn ngày công lao động tương ứng trên 1,9 tỷ đồng để thực hiện các công trình làm đường nông thôn mới. Đặc biệt, hội viên nông dân đã hiến 27,8 ha đất trị giá gần 15 tỷ đồng để thực hiện xây dựng 13,6 km đường nhựa nóng, 37,8 km đường bê tông xi măng; làm trên 85 km đường đá cấp phối, xây dựng, sửa chữa 14 cầu cống, bê tông hóa 7,7 km kênh mương nội đồng; hỗ trợ cùng huyện thực hiện xây dựng 42 hội trường thôn, tổ dân phố, kéo 74 km đường điện thắp sáng, tu sửa, nâng cấp 2 đơn vị trường học phục vụ nhu cầu học tập của con em địa phương. Những đóng góp thiết thực của Hội đã góp phần quan trọng đưa huyện Đức Trọng trở thành huyện nông thôn mới theo đúng kế hoạch đề ra vào năm 2020, được tỉnh, huyện tuyên dương, ghi nhận, đánh giá rất cao.
Vinh dự là điển hình tập thể báo cáo tại Đại hội đại biểu MTTQ huyện vừa qua, ngoài những sáng kiến hay, cách làm hiệu quả, Hội Nông dân huyện Đức Trọng còn đề xuất giải pháp rất xác đáng. Đó là đề nghị tỉnh, huyện cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Sớm xây dựng vùng nguyên liệu nông sản tập trung gắn với cấp mã vùng trồng đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng của VietGAP, GlobalGAP và truy xuất nguồn gốc với tất cả các sản phẩm nông nghiệp. Tăng cường phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó chú trọng khâu bảo quản, chế biến nông sản. Hình thành Trung tâm cung ứng nông sản tại Đức Trọng, tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối với chợ đầu mối nông sản. Qua đó thúc đẩy phát triển nông nghiệp ngày càng mạnh và bền vững khi Đức Trọng đã cơ bản hội đủ các điều kiện cần thiết. Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi mới hơn để thu hút, mời gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lớn, nhất là nhà đầu tư nước ngoài vào địa phương để thúc đẩy lĩnh vực phi nông nghiệp và chế biến nông sản hiện đang rất cần và còn thiếu tại địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin