Khai mạc lớp truyền dạy nghề làm gốm dân tộc Churu

QUỲNH UYỂN 12:57, 06/06/2024

(LĐ online) - Sáng 6/6, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng phối hợp với UBND huyện Đơn Dương tổ chức khai mạc lớp truyền dạy nghề làm gốm dân tộc Churu tại thôn Krăng Gọ, xã Pró với sự tham dự của ông Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở, lãnh đạo các phòng, ban của huyện, lãnh đạo xã Pró cùng các nghệ nhân và đông đảo bà con trong thôn.

Tiết mục múa gốm chào mừng lớp học

Tham dự lớp học, 25 chị em phụ nữ trẻ người Churu sẽ được 4 nghệ nhân cao tuổi lành nghề truyền dạy quy trình làm gốm mộc truyền thống của người Churu, từ khâu chọn đất, giã đất, phơi, nhào nước, kỹ thuật nặn gốm, tạo tác hình gốm, tạo các sản phẩm, vật dụng với các hình dàng kích thước công dụng khác nhau, tạo hoa văn, các nung, tạo màu sắc mộc…

Các nghệ nhân, học viên tham dự lớp học

Bên cạnh đó, các nghệ nhân còn chỉ dạy tạo gốm mỹ thuật, gốm trang trí nhằm đa dạng hóa sản phẩm, có nhiều ứng dụng trong đời sống; những bí kíp của nghề qua từng khâu để giữ cho sản phẩm làm ra bền đẹp, không nứt nẻ.

Ông Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phát biểu khai mạc

Lớp truyền dạy diễn ra tại nhà nghệ nhân Ma Li với đầy đủ không gian thực hành, các dụng cụ làm nghề các học viên được cầm tay chỉ việc, vừa làm việc học, là điều kiện thuận lợi cho việc học.

Sau lễ khai mạc các học viên bắt tay vào vừa thực hành vừa học bí kíp nghề gốm truyền thống

Xã Pró có hơn 7.000 nhân khẩu, trong đó có 61% đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung ở 4/7 thôn. Ở đó ẩn chứa rất nhiều nét đẹp văn hóa, trong đó người Churu ở thôn Krăng Gọ có nghề làm gốm độc đáo từ lâu đời.

Đồng bào Churu thôn Krăng Gọ chứng kiến khai giảng lớp truyền dạy

Phát biểu khai mạc lớp học, ông Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng nhấn mạnh: Nghề gốm truyền thống là vốn quý của dân tộc Churu, làm nên nét văn hóa đặc sắc. Từ bàn tay cần mẫn, khéo léo của các mẹ các dì tạo nên các sản phẩm gốm độc đáo từ quy trình sản xuất, cách thức tạo tác, cách nung thể hiện sự sáng tạo khác với gốm của các dân tộc khác. Nhằm góp phần bảo tồn và phát triển giá trị của nghề gốm Churu, tránh nguy cơ bị mai một, biến thể hoặc mất dần theo thời gian trong xu thế phát triển hiện nay. Lớp truyền dạy nghề gốm nhằm nâng cao nhận thức của chủ thể sáng tạo di sản và xã hội cùng tham gia góp phần vào sự phát triển của văn hóa.

Lớp học tạo ra môi trường để thế hệ đi trước truyền nghề cho thế hệ sau

Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực thực hiện dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, là một trong những giải pháp hữu hiệu đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc, độc đáo của dân tộc Churu.

Khâu nhào đất công phu

Từ lớp truyền dạy nghề sẽ từng bước làm sống dậy một làng nghề, mở cơ hội để nghề làm gốm thủ công truyền thống ở xã Pró có điều kiện phát triển; đồng thời giáo dục thế hệ trẻ nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghề làm gốm thủ công của dân tộc mình.

Ông Trần Thanh Hoài cùng trải nghiệm làm gốm tại lớp truyền dạy

Ngay sau lễ khai mạc, các học viên đã bắt tay vào nặn gốm, làm nên những sản phẩm đầu tiên với sự chỉ dạy, hướng dẫn ân cần của các nghệ nhân.

Các em bé cùng bắt tay vào học
Không gian trưng bày các sản phẩm gốm tại lớp học