Bảo Lộc tập trung ứng phó, hạn chế rủi ro thiên tai

HẢI ĐƯỜNG 06:25, 31/07/2024

Để hạn chế các thiệt hại do sạt lở đất, ngập lụt, lũ quét gây ra trong mùa mưa bão, TP Bảo Lộc đã hành động sớm và triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm giảm thiểu các rủi ro thiên tai gây ra đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho Nhân dân.

Các lực lượng công an, dân quân xã Đại Lào hỗ trợ người dân di dời ra khỏi khu vực 
có nguy cơ xảy ra sạt lở đất để đảm bảo an toàn
Các lực lượng công an, dân quân xã Đại Lào hỗ trợ người dân di dời ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất để đảm bảo an toàn

HÀNH ĐỘNG SỚM

Tuy mới bắt đầu bước vào mùa mưa, nhưng mưa lớn gây ngập úng cục bộ và sạt lở đất ngày càng diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân. Tần suất các vụ sạt lở đất, nguy cơ sạt lở và ngập úng xuất hiện ngày càng nhiều và không theo quy luật.

Để chủ động ứng phó với thiên tai, mưa lũ, Đảng bộ, chính quyền TP Bảo Lộc xác định, việc chủ động phòng, chống và ứng phó với thiên tai từ sớm, từ xa đảm bảo phương châm “4 tại chỗ” sẽ góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân và địa phương.

Theo đó, ngay từ cuối mùa khô năm nay, Bảo Lộc đã chủ động xây dựng phương án, kịch bản phòng, chống và ứng phó với các cấp độ, tình huống rủi ro thiên tai trong mùa mưa bão. Từ đó thông tin kịp thời, dự báo chính xác tình hình diễn biến thiên tai đến các cấp chính quyền và người dân để triển khai các biện pháp chủ động phòng ngừa, góp phần giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Nhâm - Trưởng Phòng Kinh tế, Phó Trưởng Ban phụ trách phòng, chống thiên tai TP Bảo Lộc, cho biết: Để chủ động ứng phó với thiên tai, ngay từ đầu mùa mưa bão, địa phương đã tiến hành rà soát các khu vực, vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở, sụt lún và ngập úng trên toàn địa bàn thành phố. Theo thống kê, toàn TP Bảo Lộc hiện có 89 khu vực, vị trí sạt lở, nguy cơ sạt lở và ngập lụt có thể xảy ra trong mùa mưa bão nằm trong vùng "báo động đỏ". Trong đó, có 61 điểm, vị trí có nguy cơ sạt lở cao và 28 khu vực nguy cơ cao xảy ra ngập úng khi mưa lớn kéo dài. Trong đó các xã, phường như Lộc Nga, Đại Lào, Đam B’ri, Lộc Châu, Phường 2, B’Lao và Lộc Sơn là những địa phương có nhiều điểm, vị trí nguy cơ cao xảy ra sạt lở. Đối với ngập úng, thì các địa phương có nguy cơ cao như Đại Lào, Lộc Châu, B’Lao, Lộc Sơn, Phường 2 và Phường 1.

Theo ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc, sau khi rà soát các khu vực, vị trí nguy cơ cao xảy ra sạt lở, ngập úng, thành phố đã chỉ đạo các địa phương tiến hành cắm biển cảnh báo để người dân nhận biết chủ động phòng, tránh; đồng thời, chỉ đạo các ngành chức năng, phường, xã chủ động nắm tình hình, kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó tránh bị động, bất ngờ.

“Việc rà soát, cảnh báo các khu vực sạt lở, ngập úng sẽ giúp địa phương chủ động triển khai có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” trong phòng, chống thiên tai. Từ đó, từng bước chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng, tránh, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân và các công trình của Nhà nước”- ông Nguyễn Văn Phương cho biết thêm.

• CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ

Công tác phòng, chống và ứng phó với thiên tai, mưa bão được cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở trên địa bàn TP Bảo Lộc chú trọng thực hiện theo hướng “nhanh hơn một bước” và lấy công tác dự phòng, cảnh báo làm trọng tâm.

Mới đây, trước tình hình mưa liên tục kéo dài, đồng chí Tôn Thiện Đồng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Bảo Lộc đã kiểm tra trực tiếp và chỉ đạo công tác phòng, chống sạt lở đất, ngập lụt trên địa bàn. Qua đó, yêu cầu các cơ quan chức năng, các phường, xã tuyệt đối không để người dân mạo hiểm sinh sống trong những căn nhà có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất; chủ động nguồn kinh phí hỗ trợ các hộ dân buộc phải di dời để đảm bảo cuộc sống cho bà con. Trường hợp người dân không chấp hành di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm thì buộc phải cưỡng chế di dời để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho bà con.

Bí thư Thành ủy Bảo Lộc Tôn Thiện Đồng giao Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn thành phố sẵn sàng lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; tổ chức trực ban 24/24 giờ trong những ngày mưa, bão; kịp thời, thường xuyên báo cáo tình hình về phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn về Thành ủy, UBND thành phố để có các chỉ đạo cụ thể, sát sao.

Ông Thân Nguyễn Vĩnh Thắng - Chủ tịch UBND xã Đại Lào, cho biết: “Trong đợt mưa kéo dài đã và đang diễn ra, trên địa bàn xã xuất hiện nhiều điểm có dấu hiệu xảy ra sạt lở tại các Thôn 4, 6 và 7. Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho bà con, UBND xã đã tiến hành di dời 10 hộ dân, với hơn 30 nhân khẩu ra khỏi các khu vực nguy hiểm. Cùng với việc hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn, UBND xã cũng đã tiến hành phong tỏa, cảnh báo tại các khu vực nguy cơ xảy ra sạt lở đất để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bà con”.

Tương tự, hiện tại, UBND xã Đam B’ri cũng đã hỗ trợ 3 hộ dân, với 11 nhân khẩu ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho bà con.

Ông Hồ Lâm Viên - Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Đam B’ri, cho biết: “Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự xã luôn bám sát các chỉ đạo của tỉnh, thành phố và địa phương về công tác phòng, chống thiên tai để chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả. Lực lượng dân quân luôn trong tư thế sẵn sàng tham gia phối hợp với các lực lượng để kịp thời hỗ trợ người dân trong mọi tình huống, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ”.

Với sự chủ động phòng, tránh và ứng phó kịp thời, thời gian qua, mặc dù diễn biến mưa bão trên địa bàn TP Bảo Lộc diễn ra phức tạp, nhưng về cơ bản được kiểm soát tốt. Theo dự báo, mùa mưa bão năm nay sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, vì vậy TP Bảo Lộc xác định phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt, góp phần bảo vệ cuộc sống người dân và những thành quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, cùng với nỗ lực của các cấp, các ngành chức năng thì điều quan trọng là mỗi người dân, cộng đồng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, chủ động theo dõi thông tin thời tiết để có biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân, gia đình và cộng đồng.