Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất khu vực tỉnh Lâm Đồng

NGUYỄN THÀNH 20:08, 20/07/2024

(LĐ online) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 6 giờ tới, Lâm Đồng là 1 trong 5 tỉnh có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá.

Bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia

Trong 6 giờ qua (từ 8 giờ ngày 20/7 đến 14 giờ ngày 20/7), khu vực các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang và Lâm Đồng, đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Riêng tại tỉnh Lâm Đồng, lượng mưa đo được tại Hòa Nam (Di Linh) 145,6mm, Ninh Gia (Đức Trọng) 54,4mm…

Mô hình độ đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa. Trong những giờ tới, khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20 - 30mm, có nơi trên 60mm...

Trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện, thành của các tỉnh.

Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.

Bản tin dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lâm Đồng phát đi chiều 20/7 cũng đưa ra cảnh báo dông, tố, lốc, sét, mưa đá và mưa lớn cục bộ trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, trong 3 giờ qua, qua theo dõi trên ảnh Ra đa thời tiết, ảnh mây vệ tinh và định vị sét, xuất hiện vùng mây dông đang phát triển trên khu vực thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, huyện Lạc Dương, Đam Rông, Đức Trọng, Bảo Lâm, Đa Huoai, Đạ Tẻh.

Trong những giờ tới, những vùng mây này sẽ gây mưa rào và dông cho khu vực nói trên, sau đó có thể phát triển và mở rộng sang khu vực huyện Lâm Hà, Đơn Dương, Di Linh, Cát Tiên. Cần đề phòng mưa lớn cục bộ kèm theo mưa đá, tố, lốc, sét và gió giật mạnh.

Chiều 20/7, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng đã phát bản tin áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, dự báo có thể mạnh lên thành bão trong những giờ tới.

Theo đó, hồi 13 giờ ngày 20/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 114,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9; di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 10-15km/h.

Từ 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và suy yếu dần.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa) có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 6-7, riêng khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa) sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh.