Chính sách dân tộc góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

NHẬT QUỲNH 05:52, 26/07/2024

Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ vùng dân tộc, miền núi, nhằm giúp bà con có thêm điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần. Nhờ vậy, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển khá toàn diện.

Chính sách dân tộc góp phần nâng cao đời sống đồng bào DTTS
Chính sách dân tộc góp phần nâng cao đời sống đồng bào DTTS

NHIỀU CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Theo Ban dân tộc tỉnh, năm 2023, Lâm Đồng có hơn 338.000 người dân là đồng bào DTTS, chiếm 24,7% dân số toàn tỉnh. Phần lớn bà con đồng bào DTTS sinh sống ở các xã vùng sâu, vùng xa, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, trình độ lao động, kỹ thuật chưa cao, đời sống còn nhiều khó khăn. Vì vậy, việc thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, nhất là các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) và các dự án hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng, không những giúp ổn định, nâng cao đời sống đồng bào DTTS mà còn góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.

Theo ông Dơ Woang Ya Gương - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã thực hiện 7 chính sách do Ủy ban Dân tộc và các bộ ngành quản lý, chỉ đạo. Các chương trình, dự án trong giai đoạn này có tổng nguồn vốn gần 305 tỷ đồng, thực hiện đầu tư, duy tu, bảo dưỡng gần 600 công trình trên địa bàn khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, hỗ trợ nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề, thăm hỏi… Các chính sách này đã giúp đời sống kinh tế - xã hội người dân vùng đồng bào DTTS có nhiều khởi sắc.

Tuy nhiên, so với sự phát triển chung của toàn tỉnh, đời sống đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo còn cao; các hủ tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan còn chậm khắc phục; tiềm ẩn yếu tố phức tạp về an ninh trật tự... Vì vậy, giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh tập trung thực hiện các chính sách hướng tới sự phát triển toàn diện và bền vững hơn cho người dân đồng bào DTTS.

Theo đó, địa phương tập trung triển khai 4 chính sách chính sách do Ủy ban Dân tộc và các bộ ngành quản lý, chỉ đạo; gồm 10 dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và 3 đề án về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tuyên truyền phòng, chống tội phạm ma túy và hỗ trợ bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS. Nguồn lực đầu tư của giai đoạn này lên tới hơn 818 tỷ đồng, bao trùm các lĩnh vực từ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất; quy hoạch, bố trí, ổn định dân cư; phát triển sản xuất, cơ sở hạ tầng... cho đến giáo dục, y tế, bảo tồn các giá trị văn hóa. Nhờ vậy, mà đời sống người dân vùng đồng bào DTTS đã có bước phát triển toàn diện.

DUY TRÌ VÀ PHÁT HUY...

Kết quả, theo ông Dơ Woang Ya Gương, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2024 phát triển khá toàn diện, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 85,2 triệu đồng, tăng 220% so với cùng kỳ năm 2016 (38,7 triệu đồng). Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2 - 3%/năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2023 là 1,09%, giảm 5,58% so với năm 2016 (6,67%). Chất lượng giáo dục, chăm sóc y tế được nâng lên; các hoạt động văn hóa, văn nghệ… phát triển, phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo người dân tham gia. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, quốc phòng được giữ vững. Đồng bào các DTTS chung sống đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, chấp hành tốt các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách dân tộc ở một số xã trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, cấp cơ sở chưa phát huy tốt vai trò tham gia của người dân, của Ban giám sát cộng đồng. Kinh tế vùng đồng bào DTTS phát triển còn chậm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa theo kịp các vùng khác, hiệu quả kinh tế chưa cao. Chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề, nhất là tạo việc làm sau đào tạo còn hạn chế...

Vì vậy, theo ông Dơ Woang Ya Gương, thời gian tới, địa phương sẽ nỗ lực khắc phục những hạn chế này; đồng thời, phấn đấu thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác dân tộc và các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, hướng tới mục tiêu giúp đồng bào DTTS phát triển toàn diện, bền vững.

Dự kiến đến năm 2030, tỉnh phấn đấu để cơ bản không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK), 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm ít nhất từ 2 - 3%/năm; duy trì 100% xã đạt chuẩn tiêu chí quốc gia về y tế; trên 99,6% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác; 99% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; không còn nhà tạm, nhà dột nát...

Mặt khác, tỉnh cũng sẽ hỗ trợ đồng bào DTTS thu hẹp khoảng cách, chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế - xã hội so với bình quân chung của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi để các hộ gia đình vùng ĐBKK được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục chất lượng cao; nâng cao các chỉ tiêu về kinh tế, văn hóa xã hội nhằm từng bước phát triển toàn diện, nhanh, bền vững; nâng cao tỷ lệ che phủ rừng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.