Chung tay nỗ lực giảm nghèo bền vững

PHẠM LÊ 06:24, 16/07/2024

Ủy ban MTTQVN, Hội Cựu chiến binh (CCB), Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phữ nữ (LHPN), Đoàn Thanh niên là các tổ chức chính trị - xã hội được Đảng, Chính phủ giao nhiệm vụ phối hợp cùng NHCSXH, đã luôn đồng hành, nỗ lực, sáng tạo, phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, thực hiện hiệu quả kênh dẫn vốn chính sách tới hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác… để phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo bền vững.

Ngày hội gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo
Ngày hội gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo

ỦY BAN MTTQVN TỈNH LÂM ĐỒNG:

Với phương châm “Giúp người nghèo giảm nghèo bền vững”; trong những năm gần đây, MTTQVN tỉnh và các tổ chức thành viên đã có nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo không chỉ giúp nhiều hộ thoát nghèo mà còn giảm nguy cơ tái nghèo. Phương thức hỗ trợ được xác định là cho “cần câu” hơn cho “con cá”. Thay vì giúp hộ nghèo bằng tiền, Ủy ban MTTQVN tỉnh, huyện trích Quỹ “Vì người nghèo” ủy thác sang NHCSXH cùng cấp để hộ nghèo và đối tượng chính sách khác vay vốn. Từ năm 2016 đến nay, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã bố trí chuyển 5,4 tỷ đồng và Ủy ban MTTQVN các huyện, thành phố đã chuyển hơn 4 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ “Vì người nghèo” ủy thác sang chi nhánh NHCSXH tỉnh và các Phòng giao dịch NHCSXH các huyện, thành phố để cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo cư trú trên địa bàn vay vốn làm nhà ở, sản xuất, kinh doanh, làm công trình nước sạch, nhà vệ sinh... Ngoài ra, Ủy ban MTTQVN tỉnh, các huyện, thành phố và cơ sở đã mở tài khoản tiền gửi Quỹ “Vì người nghèo” tại các Phòng giao dịch của NHCSXH các địa phương để thực hiện các giao dịch, bổ sung nguồn vốn huy động tiền gửi với số tiền trên 4 tỷ đồng để cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay… 

• HỘI CỰU CHIẾN BINH TỈNH LÂM ĐỒNG:

Vào thời điểm cuối năm 2014, Hội CCB chỉ nhận ủy thác 10 chương trình tín dụng chính sách với dư nợ hơn 284 tỷ đồng/425 Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV)/13.010 hộ vay. Nhưng đến 30/6/2024, Hội CCB đã nhận ủy thác 17 chương trình tín dụng chính sách với dư nợ hơn 993 tỷ đồng/423 Tổ TK&VV/16.644 khách hàng, tăng gần 3,5 lần (tốc độ tăng 249,65%) so với năm 2014. Chất lượng tín dụng không ngừng nâng lên, tỷ lệ nợ quá là 0,05% (giảm tỷ lệ -0,36% so với năm 2014). Các cấp Hội và Tổ TK&VV tích cực vận động 16.436/16.644 hộ vay thực hành tiết kiệm gửi tiền gửi thông qua Tổ TK&VV đạt 98,75% số hộ, với số tiền gửi 60.721 triệu đồng, bình quân 3,6 triệu đồng/1 hộ (tăng gấp 9,9 lần số bình quân năm 2014 là 312 ngàn đồng/hộ) đạt tỷ lệ 6,11%/tổng dư nợ. Chỉ thị 40 của Ban Bí thư, những chính sách tín dụng ưu đãi có thêm nguồn lực hỗ trợ những đối tượng chính sách, trong đó có hội viên Hội CCB, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của Hội Cựu chiến binh toàn tỉnh còn 32 hộ (tỷ lệ 0,11%), 113 hộ cận nghèo (tỷ lệ 0,39%); đồng thời, giúp nâng cao đời sống của hội viên, tạo điều kiện cho Hội CCB tiếp tục phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong sản xuất kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh...

• HỘI NÔNG DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG:

Từ năm 2014 đến 30/6/2024, dư nợ nhận ủy thác của Hội Nông dân đạt gần 1.846,5 tỷ đồng/778 Tổ TK&VV/31.486 khách hàng, tăng 2,4 lần so với cuối năm 2014, chiếm 30,93% trên tổng dư nợ ủy thác của NHCSXH. Hội Nông dân đã tích cực chỉ đạo, phối hợp tốt với NHCSXH và chính quyền địa phương phân loại, đôn đốc thu hồi giảm tỷ lệ nợ quá hạn từ năm 2014 là 0,44% đến nay giảm còn 0,06%. Triển khai thực hiện huy động tiền gửi tiết kiệm qua Tổ TK&VV, có 778 Tổ TK&VV với số dư hơn 118,2 tỷ đồng. Trong 3 năm 2022, 2023, 2024, Hội Nông dân các cấp từ tỉnh đến cơ sở phối hợp với NHCSXH tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, hội viên nông dân và Nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia “Ngày gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo” (2022); “Tuần gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo” (2023); “Tháng gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo” (2024)… 

• HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH LÂM ĐỒNG:

Dư nợ ủy thác do Hội LHPN quản lý đến 30/6/2024 là hơn 2.161 tỷ đồng, gấp 2,36 lần so với năm 2014, chiếm 36,2% tổng dư nợ của các đoàn thể, với 37.141 hộ vay, thuộc 872 Tổ. Nợ quá hạn 1.152 triệu đồng, chiếm 0,05% trên tổng dư nợ của Hội quản lý (giảm 0,3% so với năm 2004). Tiền gửi của tổ viên qua Tổ TK&VV 148.987 triệu đồng, với 36.764 hộ tham gia (bình quân 4 triệu đồng/hộ). Hội viên Hội LHPN tham gia các chương trình “Ngày gửi tiết kiệm chung tay vì người nghèo”, “Tuần lễ gửi tiết kiệm chung tay vì người nghèo” và “Tháng gửi tiết kiệm chung tay vì người nghèo” trong 3 năm triển khai (2022-2024), đạt trên 120 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hội LHPN các huyện, thành phố khảo sát và thành lập 23 Tổ Hợp tác TK&VV có cùng mục đích vay vốn sản xuất, kinh doanh, với 386 hộ vay, số tiền 28.494 triệu đồng để giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế. 

• TỈNH ĐOÀN LÂM ĐỒNG:

Tỉnh Đoàn đang quản lý 17 chương trình tín dụng chính sách, với dư nợ 968.462 triệu đồng (tăng hơn 5,1 lần so với năm 2014) triển khai tại 142/142 xã, phường, thị trấn cho 15.773 hộ vay, với 393 tổ TK&VV. Tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ kịp thời cho các mô hình của đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế thành công, giúp hàng nghìn thanh niên có cơ hội thể hiện khả năng sáng tạo, làm giàu cho bản thân, giúp ích cộng đồng xã hội, tạo hiệu ứng, lan tỏa trong đoàn viên, thanh niên toàn tỉnh. Tỉnh Đoàn triển khai hiệu quả và lan tỏa 2 Đề án của UBND tỉnh góp phần đáp ứng nhu cầu vay vốn khởi nghiệp, lập nghiệp của đoàn viên thanh niên. Trong đó, Đề án “Thành lập Tổ hợp tác tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” đã thành lập được 5 tổ hợp tác thanh niên, 46 tổ viên vay vốn với doanh số cho vay trên 3 tỷ đồng; Đề án “Chính sách tín dụng dành cho thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” đã giải ngân cho 118 thanh niên khởi nghiệp với dư nợ đạt trên 18 tỷ đồng...

Chị Drong Đuyên
chăm sóc đàn bò sữa
Chị Drong Đuyên chăm sóc đàn bò sữa

Chị Drong Đuyên - Chi hội trưởng Hội phụ nữ thôn D'ròn, xã Đạ Ròn, 10 năm trước vốn là một trong 3 hộ nghèo của thôn với 3 sào đất canh tác rau màu. Sau 10 năm, gia đình chị Đuyên đang có thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng từ chăn nuôi bò sữa. Chỉ với 2 con bò ban đầu mua được từ khoản vay 30 triệu đồng của NHCSXH, gia đình chị Đuyên hiện đang có 23 con với 8 con bò đang cho sữa, lượng sữa thu được từ 1,2-1,3 tạ/ngày. Đặc biệt, gia đình chị Drong Đuyên đã xây dựng căn nhà mới khang trang cách đây 2 năm hoàn toàn từ khoản tích luỹ nuôi bò sữa, với 3 đợt vay vốn, tổng cộng 150 triệu của NHCSXH.

Chị Drong Đuyên chỉ là một trong rất nhiều hộ vay vốn của huyện Đơn Dương có thu nhập ổn định và ngày càng khá giả từ nguồn vốn tín dụng chính sách. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đơn Dương: Hiện, toàn huyện nông thôn mới Đơn Dương không có hộ nghèo, tổng dư nợ còn trên 465 tỷ đồng, với hơn 12 ngàn hộ vay vốn 15 chương trình. Từ khi có Chỉ thị 40, nguồn vốn ngân sách huyện chuyển qua NHCSXH hỗ trợ cho người dân ở Đơn Dương vay vốn đạt trên 19 tỷ đồng, với 8 chương trình (tăng hơn thời điểm 10 năm trước 18,6 tỷ đồng).