Hành động vì môi trường xanh - sạch - đẹp

AN NHIÊN 06:32, 24/07/2024

Phong trào “Xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp, giảm thiểu chất thải nhựa” do Sở Y tế Lâm Đồng phối hợp với Công đoàn ngành phát động được các đơn vị nhiệt tình hưởng ứng, bước đầu có kết quả đáng khích lệ, đã làm thay đổi hành vi của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành y tế, có ý thức hơn trong việc sử dụng chất thải nhựa, đặc biệt là giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần. 

Phun hóa chất xử lý môi trường phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết
Phun hóa chất xử lý môi trường phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết

Thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tháng Hành động vì môi trường và Ngày Quốc tế đa dạng sinh học; Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới năm 2024, ngành Y tế Lâm Đồng đã tổ chức phát động phong trào dọn vệ sinh, thu gom rác thải với sự tham gia của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành. Kết quả toàn ngành đã huy động 21.066 lượt người tham gia; khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm 109.996 m; tổng lượng rác thu gom, xử lý 5.170,563 tấn; vệ sinh tổng chiều dài, diện tích các khu vực công cộng, đường giao thông 235,9 km ; trồng thêm 4.529 cây và 2,6 ha cây xanh được chăm sóc.

Sở Y tế đã phối hợp với Đài phát thanh truyền hình tỉnh thực hiện chuyên mục giao lưu với bác sỹ của bạn theo chủ đề “Nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt”. Tuyên truyền 324 lượt trên Đài phát thanh truyền hình, hệ thống loa đài của xã, phường, thị trấn về nước sạch vệ sinh môi trường. Treo 157 băng rôn tuyên truyền về nước sạch vệ sinh môi trường tại các bệnh viện, trung tâm y tế các huyện, thành phố; trạm y tế các xã, phường, thị trấn toàn tỉnh và các khu vực tập trung đông dân cư. Mở 27 lớp tập huấn, hội thảo với 700 người tham gia; thảo luận nhóm tuyên truyền về nước sạch vệ sinh môi trường 179 buổi, 4.042 lượt người tham gia tại các huyện: Đam Rông, Đức Trọng, Di Linh, Lạc Dương, Bảo Lâm và TP Đà Lạt. Họp nhóm cộng đồng tuyên truyền về nước sạch vệ sinh môi trường tại các huyện, thành phố 165 buổi, với 15.040 lượt người tham gia. Thăm hộ gia đình tuyên truyền về giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng tại 24.293 hộ. Tổ chức phúc tra 4 công trình vệ sinh tại 5.593 hộ ở TP Đà Lạt.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh in ấn và phân phối các tài liệu, tranh ảnh tuyên truyền cho các huyện, thành phố trên toàn tỉnh, với 10.000 tờ rơi xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt; 10.000 tờ rơi về hướng dẫn xây dựng nhà tiêu thấm dội nước; 10.000 tờ rơi về hướng dẫn xây dựng nhà tiêu tự hoại. Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện kiểm tra về hoạt động của chương trình vệ sinh môi trường, công tác quản lý chất thải y tế theo Thông tư 20/2021/TT-BYT tại 6 trung tâm y tế các huyện, thành phố. Giám sát, hỗ trợ hoạt động chương trình vệ sinh môi trường, công tác quản lý chất thải y tế tại 22 trạm y tế xã, thị trấn thuộc các huyện: Đức Trọng, Bảo Lâm và Lâm Hà. Bên cạnh đó, trung tâm y tế các huyện, thành phố kiểm tra giám sát vệ sinh môi trường tại các khu vực trung tâm và nơi công cộng về quy trình thu gom và xử lý rác, nước thải tại 29 chợ, 277 trường học; 131 trạm y tế, bệnh viện huyện, 37 trạm cấp nước, 11.863 hộ gia đình và 426 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh.

Sở Y tế tỉnh đã phát động, tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp, giảm thiểu chất thải nhựa", góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Cán bộ y tế hướng dẫn người dân các giải pháp xử lý nước đơn giản, rẻ tiền phổ biến vào mùa khô hạn và các giải pháp xử lý phân, rác thải, thu gom cách ly phân, rác theo đúng quy định; xây dựng sử dụng các loại nhà tiêu hợp vệ sinh phù hợp với điều kiện kinh tế mỗi gia đình; duy trì các hoạt động làm sạch môi trường nơi ở và xung quanh nhà ở, vệ sinh chuồng trại để phòng, chống dịch sốt xuất huyết và các bệnh dịch khác tại địa phương. Tuyên truyền trong cán bộ, nhân viên, người bệnh và gia đình người bệnh về rửa tay bằng xà phòng. Vận động Nhân dân tham gia “Ngày chủ nhật xanh” do TP Đà Lạt phát động.

Theo đánh giá của Sở Y tế, các đơn vị y tế trong ngành đã triển khai thực hiện tốt các nội dung giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế theo chỉ đạo của Sở Y tế như: rà soát, đánh giá thực trạng nguồn, số lượng phát sinh chất thải nhựa tại đơn vị; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giảm thiểu chất thải nhựa; tổ chức ký cam kết giảm thiểu chất thải nhựa giữa thủ trưởng đơn vị với lãnh đạo các khoa, phòng, chủ đơn vị cung cấp dịch vụ tại đơn vị; báo cáo kết quả thực hiện công tác giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế. Công tác kiểm tra, giám sát về vệ sinh môi trường, việc đảm bảo các quy định về chất lượng nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt, ăn uống tại các cơ sở cấp nước tập trung được đẩy mạnh; thông qua các đợt kiểm tra kết hợp với công tác tuyên truyền, hướng dẫn nên ý thức về việc chấp hành và thực hiện các quy định pháp luật tại các cơ sở được nâng lên.

Tuy nhiên, một số khó khăn, tồn tại như: Các sản phẩm nhựa được sử dụng trong ngành y tế rất đa dạng, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt của người dân khi vào khám, chữa bệnh rất phổ biến, do đó rất khó khăn cho việc rà soát, đánh giá thực trạng nguồn, số lượng phát sinh chất thải nhựa tại đơn vị y tế trong ngành. Việc phân loại chất thải nhựa tái sử dụng còn khó thực hiện do ý thức và thói quen của người dân thường bỏ chung vào rác sinh hoạt. Trong khi đó, giá thành các túi, vật liệu thân thiện môi trường còn khá cao, khả năng cung ứng tại các địa phương cũng rất khác nhau và hầu hết là chưa đảm bảo cho việc sớm thay thế, loại trừ hoàn toàn việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.