Lâm Hà: Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư

THÂN THU HIỀN 06:04, 05/07/2024

Những năm qua, Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) ở huyện Lâm Hà được chú trọng và triển khai sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Qua đó tạo nguồn động lực cho người dân thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn.

Việc thành lập các CLB, đội, nhóm sẽ là nơi để đồng bào các dân tộc
tại Lâm Hà phát huy và duy trì văn hóa vùng, miền
Việc thành lập các CLB, đội, nhóm sẽ là nơi để đồng bào các dân tộc tại Lâm Hà phát huy và duy trì văn hóa vùng, miền

PHÁT HUY NHỮNG GIÁ TRỊ VỐN CÓ

Tiếp nối mạch nguồn văn hóa truyền thống của người đi trước, vào những ngày nhàn rỗi, thế hệ trẻ ở thôn Tân Đức (xã Tân Văn) lại cùng nhau tụ họp, trao cho nhau những lời ca, tiếng hát, những điệu múa... Đó cũng là lí do cho sự ra đời của Câu lạc bộ (CLB) Văn hóa dân gian dân tộc Thái. 

Hiện, CLB được duy trì với 33 thành viên đều là bà con đồng bào dân tộc Thái. Là người hướng dẫn trực tiếp các thành viên trong CLB, chị Nguyễn Thị Kim Thanh - thành viên CLB chia sẻ: “Trong CLB có cả nam và nữ cùng tham gia. Ở đó, mọi người thống nhất sinh hoạt vào mỗi tối hằng ngày. Trong quá trình sinh hoạt, chúng tôi sẽ cùng nhau tập những điệu múa, điệu xòe hay nghe lại những bài hát đặc trưng của dân tộc mình”.

Thôn Tân Đức được thành lập từ năm 1978, hiện thôn có 285 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu; trong đó, đồng bào dân tộc Thái chiếm 1/3 dân số. Khoác lên mình một diện mạo mới, ở thôn, cùng với sự ấm no về kinh tế, đời sống của người dân được nâng cao, các phong trào văn hóa dần trở thành nét đẹp trong sinh hoạt. Ông Mào Văn Mỹ - Bí thư Chi bộ thôn Tân Đức cho hay: Để gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, vào các ngày lễ, dịp tết... thôn lại tổ chức tập trung bà con cùng nhảy sạp, ném còn, hòa vào các điệu dân ca dân vũ, thi trưng bày, nấu các món ăn dân tộc Thái và đặc biệt là biểu diễn các tiết mục văn nghệ đặc trưng. “Thông qua các hoạt động của CLB nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa để từ đó người dân có ý thức tìm lại cội nguồn. Đây cũng là cách để bà con trong vùng chung tay đưa các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đến gần hơn với thế hệ trẻ. Qua đó, các con, các cháu sẽ có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc lưu giữ, kế thừa và phát huy các giá trị này”, ông Mỹ cho hay.

Việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy và định hướng phát triển văn hóa các dân tộc tại huyện Lâm Hà được dựa trên nhóm văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa, nhóm dân tộc phía Bắc, nhóm dân tộc Kinh. Đến nay, toàn huyện có 9 CLB cồng chiêng với 297 thành viên; 2 CLB hát Then với 99 thành viên; 1 CLB Văn hóa dân gian Dao đỏ với 32 thành viên; 1 CLB Văn hóa dân tộc Thái với 35 thành viên; bảo tồn và phát huy 1 làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm. 

TỪNG BƯỚC XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA 

Huyện Lâm Hà hiện có 30 dân tộc anh em sống đan xen gồm: K’Ho, Mạ, Mơ nông, Tày, Nùng, Thái, Mường, Dao, Gia Rai, Ê Đê, Chăm,... và các dân tộc thiểu số (DTTS) khác là 8.093 hộ/36.831 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 24,4% dân số toàn huyện. 

Theo UBND huyện Lâm Hà: Thời gian qua, các nội dung của Phong trào TDĐKXDĐSVH được triển khai sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, góp phần phát huy được vai trò của hệ thống chính trị trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Trong đó, các tiêu chí của phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa được triển khai đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nếp sống của mỗi gia đình, khu dân cư. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, quy ước khu dân cư, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa phát triển rộng khắp…

Đến cuối năm 2023, toàn huyện có 29.944/37.535 hộ đạt gia đình văn hóa (tỷ lệ 94%), 169/170 thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa (tỷ lệ 99%); 132/135 cơ quan, đơn vị, trường học đạt cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa (tỷ lệ 98%), duy trì 100% xã, thị trấn được công nhận và công nhận lại danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”; 16/16 xã, thị trấn đều có các CLB về thơ ca, đàn và hát dân ca, dưỡng sinh, thể dục, thể thao, gia đình văn hóa, phòng, chống bạo lực gia đình, phụ nữ không sinh con thứ ba... 

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư, sửa chữa, nâng cấp nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao các địa phương. Đến nay huyện đã bố trí quy hoạch quỹ đất phát triển hạ tầng văn hóa, thể thao với diện tích 533.455 m2. Hiện 14/16 xã, thị trấn có nhà văn hóa, 165/170 thôn, TDP có nhà sinh hoạt cộng đồng. 

Trong năm 2022-2023, huyện Lâm Hà đã xây mới, sửa chữa 18 nhà sinh hoạt cộng đồng với tổng kinh phí 4.669 triệu đồng, công trình xây mới nhà thiếu nhi huyện với kinh phí 44 tỷ đồng đang thực hiện; mua sắm 14 bộ âm thanh cho nhà văn hóa 14 thôn. Đầu tư hệ thống âm thanh thông minh cho xã Đạ Đờn với kinh phí 1.112 triệu đồng; sửa chữa 6 nhà văn hóa thôn đồng bào DTTS với kinh phí 1,2 tỷ đồng đều từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

Toàn huyện đã phủ sóng phát thanh - truyền hình, hệ thống trạm truyền thanh không dây đã được đầu tư nâng nấp, hiện 16/16 xã, thị trấn đã có hệ thống truyền thanh không dây, 100% thôn, TDP có hệ thống cụm loa, phủ sóng truyền thanh trên 80% số hộ gia đình nghe; Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện thực hiện phát thanh chương trình tiếng K’Ho phục vụ đồng bào DTTS.

Nhằm đóng góp vai trò quan trọng trong việc duy trì và truyền dạy các giá trị văn hóa đặc sắc tiêu biểu của các vùng, miền cho thế hệ trẻ tiếp nối, hiện toàn huyện có 11 nghệ nhân là người DTTS được phong tặng danh hiệu nghệ nhân cấp bộ, cấp tỉnh. Trong giai đoạn 2019-2024, đã tổ chức trên 20 chương trình, liên hoan văn hóa, văn nghệ cấp huyện và trên 60 chương trình, liên hoan văn hóa, văn nghệ cấp xã, thị trấn thôn, TDP và cơ quan, đơn vị. 

Ông Đinh Đức Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà khẳng định: Phong trào TDĐKXDĐSVH đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh thần đoàn kết cộng đồng, và xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh. Để phong trào nói trên được triển khai rộng khắp và có hiệu quả hơn nữa, trong thời gian tới, huyện Lâm Hà tiếp tục triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động và từng bước đưa phong trào đi vào chiều sâu. Đặc biệt, tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa, nhất là việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ.