Lâm Ðồng: Nỗ lực bảo vệ và phát triển rừng bền vững

NGUYỄN NGHĨA 06:06, 22/07/2024

Từ đầu năm đến nay, tình hình vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được kiểm soát chặt chẽ; đa số diện tích đất lâm nghiệp mới bị lấn chiếm đã được giải tỏa, thu hồi và bàn giao cho các đơn vị chủ rừng để xây dựng kế hoạch trồng lại rừng, đặc biệt số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp đã giảm so với cùng kỳ năm 2023.

Cán bộ quản lý, bảo vệ rừng tham gia chữa cháy rừng
Cán bộ quản lý, bảo vệ rừng tham gia chữa cháy rừng

VI PHẠM GIẢM, DIỆN TÍCH RỪNG PHỤC HỒI

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) đã được thực hiện thường xuyên và liên tục trong 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó đã tổ chức 370 cuộc tuyên truyền với 14.670 lượt người tham gia, ký 128 bản cam kết bảo vệ rừng và phát 1.060 tờ rơi. Các lực lượng còn duy trì việc tuyên truyền lưu động về QLBVR và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) thông qua hệ thống loa, đài cũng như tổ chức nhiều đợt tuyên truyền lưu động bằng xe loa tại các xã, phường, thị trấn có rừng.

Về công tác PCCCR, Chi cục Kiểm lâm đã ban hành và tham mưu cho Ban Chỉ đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành nhiều văn bản triển khai công tác này trên địa bàn tỉnh trong mùa khô 2023-2024. Đơn vị kiểm lâm và các cơ quan liên quan đã nhận được kinh phí hơn 28,4 tỷ đồng để thực hiện công tác PCCCR, trong đó có hơn 16,4 tỷ đồng được cấp cho các đơn vị thuộc cấp huyện (bao gồm Ban quản lý rừng và Hạt kiểm lâm) và 11,99 tỷ đồng được cấp cho 12 đơn vị thuộc tỉnh (bao gồm các công ty TNHH MTV lâm nghiệp, Ban quản lý rừng, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà và Chi cục Kiểm lâm).

Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 20 vụ cháy rừng với tổng diện tích 26,91 ha; trong đó, diện tích rừng bị thiệt hại là 4,08 ha. Cơ quan chức năng đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý tổng cộng 73 vụ vi phạm, trong đó 60 vụ đã xác định được đối tượng vi phạm và 13 vụ chưa xác định được đối tượng vi phạm. Diện tích thiệt hại do phá rừng là 4,61 ha, và khối khối lượng lâm sản thiệt hại là 359 m3 gỗ tròn/gỗ xẻ các loại. So sánh với cùng kỳ năm 2023, số vụ vi phạm giảm 43 vụ (tương ứng giảm 37%); diện tích thiệt hại do phá rừng giảm 6,2 ha (tương ứng giảm 57%), lâm sản thiệt hại giảm 480 m3 (tương ứng giảm 57%).

VẪN CÒN NHIỀU THÁCH THỨC

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Lâm Đồng vẫn còn nhiều thách thức. Vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra, đặc biệt là tình trạng phá rừng và khai thác rừng trái phép.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, đã có 30 vụ phá rừng và 13 vụ khai thác rừng trái phép. Tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp vẫn tiếp tục xảy ra, đặc biệt là ở các khu vực giáp với vườn, rẫy và lâm phần doanh nghiệp ngoài nhà nước quản lý. Công tác giải tỏa nhà kính, nhà lưới trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp vẫn chưa được thực hiện triệt để. Công việc phân loại rừng, phân định ranh giới các loại rừng cũng gặp nhiều khó khăn và bất cập. Các địa phương chưa thực hiện đúng tiến độ theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Do đó, việc tích hợp kết quả phân loại rừng và phân định ranh giới các loại rừng vào quy hoạch tỉnh vẫn chưa được thực hiện. Một số doanh nghiệp được thuê rừng, thuê đất lâm nghiệp để trồng rừng kinh tế đang gặp khó khăn về nguồn vốn và tiến độ triển khai dự án chậm.

Nguyên nhân của tình trạng hiện tại, theo phân tích của Ban Chỉ đạo, có thể chia thành hai nhóm nguyên nhân: yếu tố khách quan và yếu tố chủ quan. Yếu tố khách quan bao gồm cơ chế, chính sách, quy định trong công tác QLBVR chưa được chặt chẽ và rõ ràng, tạo điều kiện cho các đối tượng xấu lợi dụng để vi phạm. Ngoài ra, địa hình và thời tiết phức tạp cũng khiến cho công tác tuần tra bảo vệ gặp nhiều khó khăn, tạo điều kiện cho việc vi phạm xảy ra. 

Yếu tố chủ quan được chỉ ra là một số địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở, chưa quan tâm đúng mức và không thực hiện sâu sát trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp theo quy định. Các đơn vị chủ rừng cũng chưa thực hiện hiệu quả công tác tuần tra, kiểm tra rừng và chưa sử dụng lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng một cách hiệu quả để phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm kịp thời. Các địa phương và đơn vị chủ rừng chưa quyết liệt trong việc giải tỏa, thu hồi diện tích rừng bị phá và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Tình trạng để đối tượng vi phạm sử dụng diện tích do lấn, chiếm, phá rừng vẫn còn tồn tại. Chưa có sự chủ động và kịp thời rà soát quỹ đất trống để xây dựng kế hoạch trồng rừng.