Với quyết tâm thoát nghèo, chị K’Phi ở xã Tân Thanh (Lâm Hà) đã cùng gia đình vượt qua khó khăn, mạnh dạn áp dụng mô hình sản xuất đa canh mang lại giá trị kinh tế cao. Sau hơn 30 năm gây dựng, giờ đây, gia đình chị Phi đã có cơ ngơi khá khang trang và cuộc sống ngày càng ổn định.
Trồng dâu, nuôi tằm đã giúp gia đình chị K’Phi có thu nhập cao |
Trên tuyến đường vào Thôn 9, chúng tôi không khó để tìm đến nhà chị K’Phi, bởi nhà chị nằm gần ngay ngã 3 đường bê-tông của thôn cùng vườn dâu tươi tốt. Nhắc đến chị K’Phi, hầu như bà con trong vùng ai cũng đều biết và bày tỏ cảm phục sự cần cù, chịu khó, nỗ lực vươn lên trong sống cuộc. Ở chị luôn lan tỏa những điều tích cực, sự khẳng khái, kiên trì, bền bỉ về phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ “dám nghĩ, dám làm”. Ngồi dưới hiên nhà cấp 4 đã dần phai màu theo thời gian, trước sân bê-tông thoáng đãng mới xây dựng vào cuối năm 2023, chị kể cho chúng tôi nghe về hành trình vượt khó của mình. Sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo y sỹ đa khoa đầu tiên của tỉnh, do hoàn cảnh khó khăn nên chị Phi ở nhà phụ giúp gia đình, đi làm thuê, làm mướn ở xã Tân Thanh… Sau một thời gian tìm hiểu, được già làng cho 1 ha đất sản xuất và tự khai hoang, năm 1992, gia đình chị Phi quyết định rời xã N’Thol Hạ (Đức Trọng) chuyển về sinh sống ở vùng đất này. Những năm đầu ở vùng đất mới, vợ chồng chị K’Phi vận động con cháu trong dòng tộc làm rẫy tỉa lúa, trồng khoai, sắn, để lấy ngắn nuôi dài phát triển cây cà phê.
Chị K’Phi chia sẻ: “Đến nay, gia đình tôi có hơn 2,5 ha đất canh tác. Với diện tích này, tôi đã chọn mô hình sản xuất đa canh. Đây là mô hình có thể trồng cùng lúc nhiều loại cây để đảm bảo có thêm thu nhập khi giá cà phê xuống thấp”.
Để thực hiện có hiệu quả mô hình này, nhiều năm qua, gia đình chị K’Phi đã chuyển đổi một số diện tích cà phê già cỗi kém năng suất sang trồng 0,7 ha cây dâu tằm, số diện tích cà phê còn lại gia đình chị chuyển đổi dần theo hình thức tái canh. Trong quá trình tái canh, khi cây cà phê còn nhỏ, chị trồng xen ngô, đậu và khoai môn sáp vàng, đồng thời tận dụng đất giáp ranh, bờ suối để trồng cỏ, chuối, đu đủ phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Chị K’ Phi bày tỏ: “Đến nay, gia đình tôi đã có trên 22 năm gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm. Trồng dâu, nuôi tằm là nghề quan trọng trong hành trình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững của gia đình. Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế gia đình, năm 2017, tôi đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng cùng với số tiền tích lũy của gia đình đầu tư xây dựng nhà nuôi tằm với diện tích 120 m2 và mua sắm các dụng cụ nuôi tằm với tổng kinh phí 400 triệu đồng”.
Cũng theo chị K’Phi, với diện tích trên, nhà tằm của gia đình có công năng cùng lúc có thể nuôi trên 3 hộp tằm con/lứa, theo hình thức nuôi trên nền nhà. Theo ước tính của chị Phi, vài năm trở lại đây khi vùng nguyên liệu được đảm bảo, gia đình chị thường xuyên nuôi trên 30 hộp tằm con/năm, mỗi hộp bình quân đạt 70 kg kén. Như vậy, mỗi năm, gia đình chị K’Phi cung cấp khoảng 2.100 kg kén tằm cho thị trường. Với giá kén hiện nay trên thị thường lên đến 225.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu về trên 40 triệu đồng/tháng.
Những năm trở lại đây, giá kén tằm trên thị trường luôn ổn định ở mức cao và dao động trên dưới 200.000 đồng/kg, nghề trồng dâu, nuôi tằm đã giúp cho gia đình chị Phi từng bước cải thiện, nâng cao cuộc sống với thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, khi đã trừ chi phí. Không những chỉ có nguồn thu từ nghề trồng dâu, nuôi tằm, vườn cà phê tái canh bằng giống cao sản của gia đình chị K’Phi cũng đã cho năng suất khá ổn định, bình quân sản lượng mỗi năm đạt trên 6 tấn. Kế đến là 100 con vịt/lứa, bình quân mỗi năm nuôi 4 lứa, sau khi trừ các chi phí, mỗi năm gia đình chị thu lãi 80 triệu đồng...
Trải qua biết bao năm tháng khó khăn, vất vả, từ khi mạnh dạn chọn hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế, mô hình đa canh đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, không những giúp gia đình chị Phi trả hết nợ vay ngân hàng, mà còn đầu tư xây dựng cơ ngơi khá khang trang.
Ngoài làm kinh tế giỏi, tích cực vận động con cháu cần cù, chăm chỉ, chịu khó phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, chị K’Phi còn nhiệt tình, năng nổ tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Với trên 20 năm làm Chi hội trưởng chi hội Thôn 9, Tổ trưởng tổ vay vay vốn..., chị K’Phi không những làm tốt trách nhiệm được giao, mà còn “truyền lửa” cho chị em hội viên phụ nữ trong vùng về tinh thần vượt khó vươn lên trong cuộc sống; thường xuyên gần gũi, sâu sát với chị em hội viên, vận động chị em phụ nữ đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, nhiều chị em hội viên trong thôn đều theo nghề trồng dâu, nuôi tằm. Nhờ đó, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số của thôn đã có cuộc sống khá ổn định, hiện chỉ còn 2 - 3 hộ còn nghèo khó do thiếu đất sản xuất.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin