Hút thuốc lá có thể gây ung thư với mọi cơ quan trong cơ thể: Phổi, bàng quang, máu, cổ tử cung, đại tràng, thực quản, thận, vòm họng, gan, tụy, dạ dày. Hút thuốc cũng gây ra bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh phổi như khí phế thũng và viêm phế quản.
Học sinh tham gia Hội thi Tìm hiểu về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá |
Thuốc lá gây ra khoảng 25 căn bệnh khác nhau cho người hút thuốc; trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như: Ung thư, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp và ảnh hưởng tới sức khoẻ sinh sản. Hút thuốc ở phụ nữ mang thai gây các ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cả bà mẹ cũng như thai nhi. Các căn bệnh chính do thuốc lá gây ra như: ung thư phổi, khí phế thũng, rụng tóc, đục nhân mắt…
Thuốc lá còn là một trong các nguyên nhân chính gây ra các bệnh không lây nhiễm. Cụ thể, tính chung trên thế giới thuốc lá gây ra 90% các trường hợp ung thư phổi, 75% các trường hợp phổi tắc nghẽn mạn tính và 25% các trường hợp bệnh tim thiếu máu cục bộ. Theo ước tính ở Hoa Kỳ, thuốc lá là nguyên nhân của khoảng 30% các trường hợp tử vong do bệnh ung thư.
Hút thuốc thụ động là hít phải (hay còn gọi là phơi nhiễm) khói thuốc từ đầu điếu thuốc đang cháy hoặc khói thuốc do người hút thuốc phả ra. Khói thuốc thụ động chứa hàng nghìn các hóa chất; trong đó, ít nhất là 250 chất gây ung thư hay chất độc hại. Hút thuốc thụ động có thể gây nên nhiều bệnh nguy hiểm ở cả người lớn và trẻ em. Ở người lớn hút thuốc thụ động gây ung thư phổi, các bệnh về tim mạch, ung thư vú, bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch, gây các triệu chứng kích thích đường hô hấp, tăng nguy cơ đẻ non và trẻ nhẹ cân.
Ở trẻ em, hút thuốc thụ động có thể gây viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh, kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác.
Có hơn 5.000 thành phần hóa học được tìm thấy trong khói thuốc lá và hàng trăm thành phần trong số đó gây hại đến sức khỏe con người. Một số chất chủ yếu sau có trong khói thuốc: 1,3-Butadiene là một hóa chất được dùng để sản xuất cao su, nó được xem là một hóa chất gây ung thư và có thể gây ra một số bệnh ung thư máu. Chất Arsenic được dùng để bảo quản gỗ, một số hợp chất arsenic có liên quan đến ung thư phổi, da, gan và bàng quang. Chất Benzene được dùng để sản xuất các hóa chất khác, nó có thể gây ung thư, đặc biệt là bệnh bạch cầu ở người. Chất Cadmium là kim loại được dùng để sản xuất pin, Cadmium và hợp chất cadmium có thể gây ung thư phổi và có liên quan đến ung thư thận và tuyến tiền liệt. Chất Chromium VI được dùng để chế tạo kim loại hợp kim, sơn và thuốc nhuộm, các hợp chất Chromium VI gây ung thư phổi và có liên quan đến ung thư mũi và xoang mũi. Chất Formaldehyde được dùng để sản xuất các hóa chất khác và nhựa, nó còn được dùng như một chất bảo quản, Formaldehyde gây bệnh bạch cầu và ung thư ở các mô hô hấp. Chất Polonium-210 là một nguyên tố phóng xạ đã được chứng minh là gây ung thư ở động vật. Chất Tar được tạo ra từ một số hóa chất có trong khói thuốc lá, nó để lại dư lượng màu nâu, dính trên phổi, răng và mô.
Hút thuốc lá có thể gây ung thư với mọi cơ quan trong cơ thể: phổi, bàng quang, máu, cổ tử cung, đại tràng, thực quản, thận, vòm họng, gan, tụy, dạ dày. Hút thuốc cũng gây ra bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh phổi như khí phế thũng và viêm phế quản. Người hút thuốc có nhiều nguy cơ mắc bệnh lao, bệnh cảm và cúm; vàng răng, các bệnh về lợi (nướu) và sâu răng; phát triển nhiều nếp nhăn, bệnh loãng xương, khó thụ thai, bệnh đục thủy tinh thể, bệnh bất lực, bệnh tiểu đường.
Các nguy hại của việc hút thuốc lá với phụ nữ mang thai: Trẻ có thể quá nhỏ khi được sinh ra do khói thuốc làm chậm sự phát triển của em bé trước khi sinh. Trẻ có thể được sinh ra quá sớm (sinh non), trẻ sinh non thường có vấn đề về sức khỏe. Hút thuốc có thể gây tổn hại tới sự phát triển phổi và não của em bé; làm tăng nguy cơ em bé bị dị tật bẩm sinh. Con của bà mẹ hút thuốc trong khi mang thai và trẻ sơ sinh tiếp xúc với khói thuốc lá sau khi sinh có nguy cơ cao bị hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc lá giết chết hơn 8 triệu người trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó, hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong dù không hút thuốc nhưng tiếp xúc với khói thuốc một cách thụ động. Hiện nay, có hơn 1 tỷ người hút thuốc trên thế giới; trong đó, ở người trưởng thành có 847 triệu nam giới và 153 triệu nữ giới; ở nhóm tuổi thanh thiếu niên 13 -15 tuổi là 24 triệu người. Có 226 triệu người trưởng thành sử dụng thuốc lá sống trong đói nghèo trên toàn thế giới; hơn 10% thu nhập của gia đình chi tiêu cho sản phẩm thuốc lá, đồng nghĩa với việc giảm chi phí cho thực phẩm, giáo dục và chăm sóc sức khoẻ; 80% người hút thuốc trên thế giới sống ở nước thu nhập thấp và trung bình.
Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành cao đứng thứ 3 tại ASEAN và có khoảng 40.000 người tử vong mỗi năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. WHO dự báo đến năm 2030, sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện. Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Mặt khác, theo nghiên cứu tại Bệnh viện K, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam. Đặc biệt, chi phí điều trị 5 nhóm bệnh: ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra tại Việt Nam chiếm khoảng 1% GDP, tương đương với 3 tỷ USD (67.000 tỷ đồng).
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin