(LĐ online) - Tê tay và chân là triệu chứng phổ biến và cực kỳ khó chịu. Ngoài cảm giác tê, còn có thể cảm thấy như bị kim châm, ngứa ran hoặc nóng rát dưới da.
Cần phải đi khám ngay nếu cảm thấy tê tay và chân kéo dài một thời gian. Ảnh: Pexels |
Cảm giác tê thường có thể lành tính và tạm thời. Ví dụ, khi đè lên cánh tay dưới đầu trong khi ngủ hoặc khi bắt chéo chân quá lâu. Trong cả hai trường hợp, tình trạng tê thường không gây đau, sẽ sớm thuyên giảm bằng cách đổi tư thế.
Tuy nhiên, đôi khi cảm giác tê ở tay và chân có thể nghiêm trọng, từng đợt hoặc mạn tính. Cũng có thể đi kèm với các triệu chứng khác, như đau, ngứa ran, mất cảm giác và teo cơ.
Trong những trường hợp này, tê có thể là dấu hiệu của tổn thương thần kinh gọi là bệnh thần kinh ngoại biên. Theo thời gian, tình trạng có thể trở nên tồi tệ hơn, theo chuyên trang y tế WebMD.
Cần phải đi khám ngay lập tức nếu cảm thấy tê ở tay và chân kéo dài một thời gian. Tìm ra nguyên nhân và kiểm soát càng sớm càng ít có nguy cơ phát triển các vấn đề lâu dài.
Tê tay
Các tình trạng sau đây có thể gây tê và ngứa ran ở ngón tay, bàn tay và cánh tay:
Hội chứng ống cổ tay. Tình trạng này xảy ra khi dây thần kinh giữa bị chèn ép ở cổ tay, khiến các ngón tay và cẳng tay bị tê hoặc ngứa ran.
Hội chứng chèn ép dây thần kinh trụ. Vấn đề này có thể gây ngứa ran ở các ngón tay và ảnh hưởng đến dây thần kinh bên trong cẳng tay, lòng bàn tay và hai ngón cuối.
Tê chân
Các tình trạng sau đây thường gây ngứa ran hoặc tê ở bàn chân, ngón chân và cẳng chân:
Bệnh liệt dây thần kinh mác. Bệnh này do dây thần kinh chạy xuống chân bị tổn thương. Nó ảnh hưởng đến mặt ngoài của chân hoặc phần trên của bàn chân.
Hội chứng đường hầm cổ chân. Đây là phiên bản bàn chân của hội chứng ống cổ tay. Trong trường hợp này, dây thần kinh chạy dọc bên trong mắt cá chân bị nén.
Đau thần kinh tọa. Điều này là do thoát vị đĩa đệm ở lưng dưới, có thể chèn ép dây thần kinh và gây tê hoặc ngứa ran ở chân.
Tê cả tay và chân
Bệnh tiểu đường. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh lý thần kinh ngoại biên, chiếm khoảng 30% trường hợp.
Trong bệnh thần kinh tiểu đường, cảm giác tê, ngứa ran và các triệu chứng khác thường xuất hiện đầu tiên ở cả hai bàn chân, sau đó lan lên cẳng chân, rồi đến hai bàn tay và lan lên cánh tay.
Đau xơ cơ. Chứng rối loạn đau mạn tính này có thể gây tê, ngứa ran ở cả hai chi.
Thoái hóa đốt sống cổ. Điều này thường xảy ra khi các đĩa đệm ở cổ bắt đầu mòn theo tuổi tác và chèn ép các dây thần kinh ở cột sống. Có thể gây tê và ngứa ran ở cánh tay, chân, bàn tay và bàn chân.
Bệnh hệ thống. Bao gồm rối loạn thận, bệnh gan, tổn thương mạch máu, bệnh về máu, bệnh thận bột (amyloidosis), rối loạn mô liên kết, viêm mạn tính, mất cân bằng nội tiết tố (gồm cả suy giáp), cả ung thư và khối u lành tính cũng ảnh hưởng đến dây thần kinh.
Thiếu vitamin. Các vitamin E, B1, B6, B12 và niacin cần thiết cho dây thần kinh khỏe mạnh. Thiếu hụt B12 có thể gây ra bệnh lý thần kinh ngoại biên. Nhưng quá nhiều B6 có thể gây tê tay chân.
Ngoài ra, viêm khớp dạng thấp, bệnh đa xơ cứng, HIV và AIDS và nghiện rượu cũng gây tê.
Một số loại thuốc cũng có thể gây tê, theo WebMD.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin