Một người thương binh đã hy sinh một phần xương máu cho Tổ quốc, trở lại đời thường, tiếp tục chiến đấu trên con đường xây dựng kinh tế gia đình. Và ông vẫn là người chiến sĩ chiến thắng trên mặt trận làm kinh tế, xây dựng được thương hiệu sầu riêng đặc biệt: Sầu riêng ông Cậy.
Ông Nguyễn Văn Cậy trong vườn sầu riêng |
Ông Nguyễn Văn Cậy, nông dân thôn Đức Thanh, xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm rất tự hào về những năm tháng đã hy sinh cho Tổ quốc. Chiến đấu tại chiến trường K từ năm 1981 tới năm 1985, ông được xuất ngũ với một phần thân thể đã bỏ lại trên chiến trường. Năm 1988, ông vào Lâm Đồng, định cư tại thôn Đức Thanh, xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm. Và, vẫn mang trong mình tâm hồn người chiến sĩ Cụ Hồ, ông tiếp tục chiến đấu trên chiến trường xây dựng kinh tế, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, gia đình hạnh phúc.
“Tôi là một trong những người đầu tiên trồng sầu riêng trên quê Đức Thanh. Đó là năm 2000, khi hầu hết bà con vẫn đang trồng chè, trồng cà phê, tôi đã xuống giống những cây sầu riêng Thái Monthon chuẩn” - ông Nguyễn Văn Cậy nhắc lại. Và quyết định táo bạo của người thương binh đã mở ra một cơ hội mới cho việc xây dựng kinh tế gia đình. Khi ấy, sầu riêng vẫn đang là đặc sản của miền Tây Nam Bộ. Sầu riêng Lâm Đồng chỉ được trồng ở quy mô nhỏ, vài cây như một thứ trái ăn trong gia đình. Thị trường cho sầu riêng cũng còn hẹp, giá rất thấp. Không nản lòng, ông Cậy chăm sóc và canh tác sầu riêng rất đúng kĩ thuật. Từ năm 2005, khi đón nhận lứa trái đầu tiên, ông mới thở phào bởi sầu riêng ngon, cơm dày, ngọt, được thị trường chấp nhận.
Và dần dần, sầu riêng trở thành loại cây trái đặc sản, không chỉ bó hẹp thị trường nội địa mà vươn ra xuất khẩu. Vườn sầu riêng 180 cây của người thương binh đã bắt đầu mang lại nguồn thu nhập đáng kể. “Vườn của gia đình tôi chỉ có 180 cây nhưng năng suất rất cao. Bởi ngay từ ban đầu, tôi đã mua giống chuẩn, trồng thưa, đảm bảo cây sầu riêng có điều kiện tốt nhất để phát triển” - ông Nguyễn Văn Cậy cho biết. Theo ông Cậy, trồng và chăm sóc sầu riêng còn tùy thuộc vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng địa phương. Như vùng Lộc Đức quê ông, sầu riêng chịu tác động rất nhiều bởi những trận gió mạnh. Thậm chí, đôi khi sầu riêng sắp chín, chỉ một đợt gió đi qua, sầu riêng rụng chi chít gốc, nông dân thiệt hại rất nhiều. Chính vì vậy, nông dân Lộc Đức thường đóng cọc sắt từ đất, dọc theo thân cây, làm trụ để néo cành, giúp cây sầu riêng vững, trái không bị rụng. Đất Lộc Đức cũng khá dốc, ông Cậy xác định phải tạo được thảm xanh, để cỏ mọc đều trong vườn. Khi cỏ lên cao, dùng máy cắt sát, để lớp cỏ xanh thảm trên mặt đất. Không chỉ để cỏ mọc, ông còn chủ động bỏ phân cho cỏ. Ông Cậy chia sẻ: “Mình bỏ phân cho cây và cỏ, cỏ ăn phân và trả lại màu xanh cho đất. Giữ cỏ trong vườn sầu riêng thực sự rất hiệu quả, vừa làm mát bộ rễ cây, vừa tạo sinh cảnh cho các loài động vật gây hại sinh sống hòa bình với sầu riêng, chống xói mòn cho đất”. Chỉ với 180 cây, ông Cậy thu hoạch trung bình 3 tạ trái/cây, xấp xỉ 50 tấn sầu riêng/vụ.
Không chỉ đơn thuần trồng và bán sầu riêng trên thị trường tự do, người thương binh Nguyễn Văn Cậy luôn tìm hướng tiến bộ cho sản phẩm nông nghiệp của gia đình. Năm 2023, ông tham gia xây dựng sản phẩm OCOP trái sầu riêng tươi với thương hiệu Sầu riêng ông Cậy. Và, trái sầu riêng to đều, cơm dày, vỏ mỏng đã được huyện Bảo Lâm chứng nhận đạt sản phẩm OCOP ba sao. Ông cũng là nông hộ tham gia liên kết với Hợp tác xã sầu riêng Lâm Đồng, xây dựng mã vùng trồng xuất khẩu. Năm 2024, những trái sầu riêng ông Cậy chuẩn bị theo những chuyến xe ra thị trường quốc tế. Ông Cậy chia sẻ, bà con trong thôn Đức Thanh luôn nhắc nhở nhau trồng và chăm sóc cây đúng kỹ thuật, giữ uy tín cho trái sầu riêng xuất khẩu Bảo Lâm, bảo vệ đầu ra lâu dài cho người nông dân.
Ông Nguyễn Quang Huy - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Bảo Lâm đánh giá, vườn sầu riêng của gia đình ông Nguyễn Văn Cậy là vườn sầu riêng được canh tác theo hướng hữu cơ, trái rất ngon, đạt chuẩn xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Cậy là một nông dân tích cực, sẵn sàng đồng hành cùng xã, cùng tập thể để nâng cao giá trị cho trái sầu riêng Lộc Đức. Bản thân ông Nguyễn Văn Cậy là thương binh 4/4, là một thành viên nhiệt tình của Hội Cựu chiến binh, sống xứng đáng với tinh thần người lính Cụ Hồ, làm kinh tế giỏi, nuôi con ăn học nên người.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin