UBND thành phố Đà Lạt chỉ đạo quyết liệt phòng chống sạt lở đất trong mùa mưa bão

VÕ TRANG - NGUYỄN NGHĨA 13:53, 08/07/2024

(LĐ online) - Nhằm ứng phó với tình trạng mưa lớn kéo dài và nguy cơ sạt lở đất cao, UBND thành phố Đà Lạt đã yêu cầu các phường, xã khẩn trương triển khai nhiều biện pháp phòng chống nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản.

Hiện trường một vụ sạt lở tại Đà Lạt xảy ra năm 2023.

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các phường, xã chịu trách nhiệm rà soát, khoanh vùng các khu vực có nguy cơ sạt lở, nghiêng lún, mất an toàn. Đối với các trường hợp nguy hiểm, cần có biện pháp tháo dỡ công trình theo quy định.

Yêu cầu chủ đầu tư đảm bảo an toàn thi công; phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị khảo sát để theo dõi chuyển vị, nghiêng lún của công trình và nền đất. Trường hợp không đảm bảo an toàn, phải có phương án gia cố, khắc phục.

UBND các phường, xã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về xây dựng, phòng chống sạt lở đất. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Các lực lượng chức năng cần được huy động, sẵn sàng ứng phó với các tình huống sạt lở đất có thể xảy ra.

UBND thành phố Đà Lạt cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng chống sạt lở đất; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về nguy cơ sạt lở đất và các biện pháp phòng tránh; hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn khi cần thiết.

Trước đó, Phòng Quản lý đô thị Đà Lạt đã tổ chức kiểm tra, rà soát các trường hợp xây dựng công trình thuộc vị trí taluy âm/dương, sườn dốc trên địa bàn thành phố Đà Lạt và kiến nghị có 61 trường hợp trên địa bàn các phường, xã cần có phương án đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. 

Theo nhận định của Phòng Quản lý đô thị, các công trình thuộc phía taluy dương hiện nay tiếp giáp với các kè chắn đất (kè đá, tường chắn bê tông cốt thép) có chiều cao lớn, thiếu hệ thống thu gom nước đỉnh kè và chân kè, hiện trạng để thoát và chảy tràn tự do.

Đối với các công trình thuộc vị trí taluy âm khi các chủ đầu tư tổ chức xây dựng có khối đế công trình gồm tường chắn bê tông và đắp đất hoặc làm kè đá đắp đất. Các công trình này hiện nay vẫn còn thiếu sót trong việc xây dựng mương thu nước chân kè... 

Đối với các công trình thuộc dạng sườn dốc, đa phần các chủ đầu tư khi xây dựng san gạt đất – đắp đất để tạo nền thuộc phạm vi diện tích được cấp theo giấy chứng nhận và có một phần công trình được xây dựng trên phạm vi đắp đất.