5 năm qua, các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Đức Trọng luôn đồng thuận, đoàn kết, có nhiều đóng góp tích cực nhằm xây dựng huyện Đức Trọng ngày càng phát triển.
Đồng chí Trần Trung Hiếu - Bí thư Huyện ủy Đức Trọng, trao tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc |
Huyện Đức Trọng hiện có 20 dân tộc anh em cùng sinh sống. Thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, tình hình kinh tế - xã hội, sản xuất của đồng bào DTTS duy trì ổn định, tin thần dân chủ ở cơ sở được phát huy, niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS ngày càng được nâng lên; cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, kinh tế xã hội vùng DTTS từng bước phát triển. Các chương trình y tế, văn hoá, giáo dục, an sinh xã hội được quan tâm chú trọng; tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm dần qua các năm, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS giữ vững ổn định.
Cùng đó, thực hiện quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các DTTS huyện Đức Trọng lần thứ III, năm 2019, công tác xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn huyện đã đạt được những bước tiến quan trọng. Trọng tâm là nhất quán chính sách "Các DTTS huyện Đức Trọng bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển" trên cơ sở nền tảng kế thừa truyền thống hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam và của tỉnh Lâm Đồng.
Hưởng ứng lời kêu gọi phát động các phong trào thi đua yêu nước, Đức Trọng đã tập trung lãnh đạo toàn hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở triển khai và thực hiện có hiệu quả bằng nhiều hình thức như phân công các ngành, đơn vị, tổ chức, cá nhân, giúp đỡ các thôn đặc biệt, các xã vùng sâu, vùng xa, xã đồng bào DTTS; nhân rộng các mô hình làm ăn điển hình tiên tiến, làm ăn giỏi trong vùng đồng bào DTTS. Tuyên truyền, vận động đồng bào đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống, không trông chờ ỷ lại mà phải tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Ông K’Breo - người có uy tín vùng đồng bào DTTS thôn Đoàn Kết, xã N’Thol Hạ, phấn khởi cho biết: “Trước đây, đời sống bà con DTTS trên địa bàn xã chủ yếu làm lúa nước 1 vụ, đời sống còn nhiều khó khăn. Thời gian gần đây, nhờ các chính sách của Đảng và Nhà nước, bà con trong thôn đã biết chuyển đổi cây trồng từ trồng lúa một vụ sang trồng dâu, nuôi tằm, cà phê... Bên cạnh đó, người dân trong thôn cũng tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do huyện, xã, phát động; đời sống vật chất, tinh thần ngày càng ổn định, phát triển”.
Với sự quyết tâm vào cuộc cả hệ thống chính trị và ý thức nỗ lực vươn lên của bà con, diện mạo vùng DTTS trong huyện đã có sự chuyển biến thay đổi mạnh mẽ, cơ sở hạ tầng được tăng cường: Các tuyến đường giao thông từ huyện xuống xã, từ xã xuống thôn được thông suốt, hệ thống điện lưới quốc gia phủ kín; trường học các cấp, trạm y tế đảm bảo phục vụ Nhân dân, hệ thống nước hợp vệ sinh cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Các thiết chế văn hóa được đầu tư nhằm phục vụ Nhân dân, các sinh hoạt văn hóa dân tộc được quan tâm duy trì, không còn tình trạng hộ đói, nhiều hộ có thu nhập khá, các hộ dân đều có đầy đủ các phương tiện gia dụng cần thiết trong gia đình... chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm nhanh, bền vững theo từng năm.
Đến nay, 100% số xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố có đồng bào DTTS sinh sống có điện lưới quốc gia, trên 99,7% số hộ đồng bào DTTS được dùng điện; trên 90% số hộ đồng bào DTTS được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% hộ dân có các phương tiện nghe, nhìn phục vụ cho đời sống sản xuất; 100% số xã có đường bê tông nhựa nóng đến trung tâm xã; 100% đường liên thôn, liên xóm được trải cấp phối tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân đi lại, sản xuất và lưu thông hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Từ năm 2019 - 2024, đã tổ chức 46 lớp đào tạo nghề cho 944 người lao động, trong đó có 485 người lao động DTTS. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71%, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Các lớp nghề tổ chức đáp ứng xu hướng chuyển đổi nghề, thiết thực, phù hợp với nhu cầu, trình độ của người học như nghề hàn, kỹ thuật chế biến món ăn, chăm sóc sắc đẹp, điện gia dụng, sửa chữa máy nổ, múa cồng chiêng... Đã cung ứng hơn 425 lao động cho các cơ sở sản xuất dịch vụ của huyện và giúp cho lao động chuyển đổi nghề, tạo việc làm có thu nhập ổn định, góp phần trong công tác giảm nghèo bền vững.
Từ năm 2019 đến quý I/2024, toàn huyện đã giải quyết việc làm cho 23.995 lao động (trong đó có 8.398 người là DTTS), có 155 người (trong đó có 16 người DTTS) tham gia xuất khẩu lao động tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...
5 năm qua, đã thực hiện cho vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, dư nợ đến ngày 31/3/2024 là 538.378 triệu đồng/11.745 lượt hộ vay, trong đó, cho vay hộ nghèo 27.871 triệu đồng/ 385 hộ cận nghèo 80.867 triệu đồng/1.129 hộ; hộ mới thoát nghèo 45.433 triệu đồng/797 hộ; hộ DTTS chuyển đổi nghề 2.099/34 hộ...; huy động nhiều nguồn kinh phí để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 132 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo (trong đó có 125 hộ DTTS)...
Tại Đại hội đại biểu các DTTS huyện Đức Trọng lần thứ 4, nhiệm kỳ 2024-2029 vừa được tổ chức, Bí thư Huyện ủy Đức Trọng Trần Trung Hiếu đã nhấn mạnh: “Những kết quả đạt được thời gian qua trên địa bàn huyện rất đáng trân trọng, thể hiện sự cố gắng, quyết tâm của các cấp, các ngành, các địa phương và đặc biệt là sự đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu tự vươn lên của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện, đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững quốc phòng - an ninh, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin