Đức Trọng: Tập trung tổng lực cứu chữa đàn bò, hạn chế để bò chết và bảo vệ đàn bò khỏe mạnh

N.MINH 16:25, 12/08/2024

(LĐ online) - Tại huyện Đức Trọng, ngoài thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh có tỷ lệ đàn bò bị bệnh và chết nhiều nhất, sáng 12/8, thôn Bắc Hội, xã Hiệp Thạnh cũng đã có bò bị chết và thêm 2 xã Liên Hiệp, Phú Hội xuất hiện đàn bò sữa bị bệnh, với triệu chứng tương tự.

 

Đồng chí Trần Trung Hiếu - Bí thư Huyện ủy Đức Trọng, chỉ đạo tại cuộc họp
Đồng chí Trần Trung Hiếu - Bí thư Huyện ủy Đức Trọng, chỉ đạo tại cuộc họp

Trước tình hình trên, sáng 12/8, Bí thư Huyện ủy Đức Trọng Trần Trung Hiếu đã triệu tập cuộc họp triển khai phòng chống bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa. Tham dự có đồng chí Lê Nguyên Hoàng – Phó Chủ tịch UBND huyện, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn có liên quan và lãnh đạo các xã có nuôi bò, gồm: Hiệp Thạnh, Hiệp An, Liên Hiệp và Phú Hội.

Báo cáo tại cuộc họp, đồng chí Lê Nguyên Hoàng – Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Tổng số bò sữa trên địa bàn huyện tính đến ngày 10/7/2024 là 5.523 con/9 xã, thị trấn. Trong đó, số bò đã tiêm vắc xin viêm da nổi cục (VDNC) là 3.200 con/4 xã (Hiệp Thạnh: 2.864/4.200 con; Hiệp An: 2/23 con; Liên Hiệp: 170/556 con; Phú Hội: 164/168 con). Qua theo dõi, tính đến 8 giờ ngày 12/8, trên địa bàn huyện có 2.356 con bò sữa mắc bệnh/117 hộ chăn nuôi, trong đó, đã chết 60 con bò sữa/40 hộ chăn nuôi. Trong đó, ngoài Hiệp Thạnh có tỷ lệ bò tiêm vắc xin và bị bệnh nặng nhất, các xã Liên Hiệp, Phú Hội đã lần lượt có bò bị tiêu chảy, với các triệu chứng giống với bò của người dân tại xã Hiệp Thạnh.

Đồng chí Lê Nguyên Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện, báo cáo tình hình bệnh trên đàn bò thời gian qua
Đồng chí Lê Nguyên Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện, báo cáo tình hình bệnh trên đàn bò thời gian qua

Thời gian qua, ngành chức năng của xã, huyện, đã phối hợp với tỉnh, Trung ương triển khai các biện pháp cấp thiết để hỗ trợ người dân trong điều trị bò bệnh, tiêu hủy bò chết. Trong đó, ngày 11/8, UBND huyện đã thành lập Tổ công tác phòng chống, bệnh trên đàn bò sữa trên địa bàn huyện do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Tổ trưởng và thành viên là các phòng, ban chuyên môn, địa phương liên quan; ban hành thông báo phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong Tổ công tác.  Mặt khác, phối hợp với Cục Thú y, Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản lấy mẫu bò bệnh đã tiêm vắc xin VDNC và bỏ khỏe chưa tiêm vắc xin VDNC tiến hành xét nghiệm tìm nguyên nhân bò bị bệnh; hội chẩn hoàn thiện phác đồ điều trị. Hiện nay, đã có phác đồ điều trị, qua thực hiện phác đồ điều trị bệnh trên đàn bò sữa có tiến triển.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thông tin tình hình
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thông tin tình hình

Tại cuộc họp, lãnh đạo các xã Hiệp Thạnh, Liên Hiệp đã báo cáo tình hình bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa và các công tác triển khai phòng, chống bệnh trên đàn bò thời gian qua. Ngoài ra, Trung tâm Nông nghiệp huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng thông tin thêm một số vấn đề về công tác triển khai phòng, chống bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa; công tác phối hợp hỗ trợ người dân điều trị bệnh; phối hợp kiểm kê bò chết, bò bệnh; phối hợp tiêu hủy bò chết...

Đa số các ý kiến đều cho rằng, việc thực hiện hiện phác đồ điều trị đàn bò có tiến triển, tuy nhiên, tình hình bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp; một số con sau khi đã hết tiêu chảy, lại chuyển qua ho, nhiều con khó thở; bò có thai thì bị sẩy thai... nguy cơ tái bệnh là rất cao...

Lãnh đạo xã Hiệp Thạnh báo cáo tình hình
Lãnh đạo xã Hiệp Thạnh báo cáo tình hình

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Trần Trung Hiếu cho rằng, những ngày qua, từ huyện, tới xã, thôn đã huy động tối đa lực lượng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để giảm thiểu tối đa thiệt hại của người dân.

Tuy nhiên, trước tình hình bệnh trên đàn bò đang diễn biến phức tạp, nên không được lơ là, chủ quan trong lúc này. Vì vậy, đồng chí đề nghị Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND các xã, các cơ quan, ban ngành có liên quan, đặc biệt là Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp cần phải nắm chắc phương hướng chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trong đó, tập trung tất cả nguồn lực biện pháp để cứu chữa đàn bò đang bị bệnh, giảm thiểu tối đa đàn bò đang bị chết và bảo vệ đàn bò khỏe mạnh.

Lãnh đạo xã Liên Hiệp báo cáo tình hình
Lãnh đạo xã Liên Hiệp báo cáo tình hình

Mặt khác, lãnh đạo UBND huyện tập trung chỉ đạo việc thường xuyên theo dõi,  nắm chắc tình hình dịch bệnh để có phương án xử lý phù hợp, nhằm ổn định tình hình. Chỉ đạo huy động lực lượng thú y trên địa bàn huyện để hướng dẫn các biện pháp phòng chống bệnh. Đảm bảo việc cung cấp hóa chất, vật tư y tế, các loại thuốc điều trị theo phác đồ đã có; chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia sức ra khỏi địa bàn, tuyệt đối không được để người dân bán chạy bò bệnh.

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy báo cáo tình hình
Trưởng ban Dân vận Huyện ủy báo cáo tình hình

Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân vận Huyện ủy, các tổ chức chính trị, đoàn thể của huyện, xã tiếp tục duy trì các tổ hỗ trợ trực tiếp tới tận nhà người dân nuôi bò, tăng cường công tác tuyên truyền; hỗ trợ, động viên bà con để bà con yên tâm trong lúc này...

Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Phòng Văn hóa – Thông tin và Thể thao phải thường xuyên chỉ đạo đưa thông tin chính xác tình hình bệnh trên đàn bò, tuyên truyền phổ biến trong Nhân dân tuân thủ đầy đủ, nghiêm tiêm túc các quy định, chính sách trong phòng chống dịch bệnh và theo đúng hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Đặc biệt, phải hạn chế thông tin xấu, độc, không chính thống liên quan đến tình hình bệnh trên đàn bò.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện báo cáo tình hình
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện báo cáo tình hình

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Nông nghiệp tiếp tục túc trực 24/24 giờ, ưu tiên cán bộ cho Bồng Lai, Hiệp Thạnh, vừa hướng dẫn, vừa tuyên truyền phác đồ điều trị bò bệnh theo kiến nghị của Chi cục Thú y; phối hợp với các đơn vị kịp thời cung cấp thuốc, vật tư, hóa chất cho người dân. Thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình, cập nhật chính xác số liệu hàng ngày để báo cáo cho UBND huyện; chịu trách nhiệm trong việc lập danh sách số bò bệnh, chết... đảm bảo theo đúng quy định, để có căn cứ tính toán bồi thường thiệt hại hoặc hỗ trợ người dân khi đã có kết luận xác định rõ được nguyên nhân gây bệnh trên đàn bò.

Đề nghị Phòng Tài nguyên và Môi trường cử ngay cán bộ giám sát xử lý, tiêu hủy bò bệnh đảm bảo vệ sinh môi trường theo yêu cầu.

Công an huyện nắm tình hình, xử lý nghiêm đối tượng tung tin sai sự thật về tình hình bệnh trên đàn bò.

Mặt khác, đồng chí Bí thư Huyện ủy cũng đề nghị các đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND các xã không lơ là, chủ quan, nắm chắc tình hình, thường xuyên theo dõi tình hình bệnh trên đàn bò nói riêng và bệnh trên đàn gia súc nói chung.