Hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi bò sữa

DIỄM THƯƠNG 20:29, 10/08/2024

(LĐ online) - Những con bò sữa, kế sinh nhai của nhiều hộ dân, xuất hiện tình trạng tiêu chảy, lượng sữa giảm, bỏ ăn, kiệt sức và chết, khiến người dân vô cùng hoang mang, lo lắng. Mong chờ đàn bò bệnh sớm được "giải cứu", ổn định sản xuất là nguyện vọng của bà con chăn nuôi bò sữa tai Đơn Dương, Đức Trọng thời điểm này.

DÂN “THẤP THỎM”

Thấp thỏm, lo lắng, buồn rầu vì thiệt hại về kinh tế và tinh thần là tâm trạng chung của bà con chăn nuôi bò sữa tại 2 huyện Đơn Dương, Đức Trọng. Bởi lẽ, khi hàng ngày phải chứng kiến những con bò trong trang trại của gia đình bị tiêu chảy, bỏ ăn, kiệt sức và chết.

Hiện, một con bò đang cho sữa có giá trị từ 40 đến 60 triệu đồng. Bỏ tiền đầu tư, vay tiền lập kế sinh nhai, nhưng giờ, những hộ chăn nuôi bò sữa nơi đây đang lo âu, thấp thỏm từng giờ…

Người chăn nuôi đang thấp thỏm, lo lắng, buồn rầu vì thiệt hại cả về kinh tế và tinh thần khi đàn bò bị bệnh

Ở thôn Lạc Trường, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tới nay thiệt hại lớn nhất là gia đình ông Nguyễn Minh Đệ. Tiêm vắc xin cho 51 con bò sữa từ ngày 20/7, tới nay,  4 con bò sữa trưởng thành đã chết, 8 con bò khác đang mang thai từ 7 – 8 tháng bị bệnh, sảy thai. Ông Đệ chi từ 2 tới 15 triệu đồng/ngày để mua thuốc chữa trị và tăng sức đề kháng cho đàn bò.

Còn gia đình bà Đào Thị Tình và Võ Thị Mỹ Dung (thôn Lạc Trường, xã Tu Tra), mỗi hộ cũng đã bị chết hai con bò sữa… Những con còn lại đã tiêm vắc xin hiện đang có triệu chứng bỏ ăn, sốt, chảy dãi, tiêu chảy ra máu…

Các hộ dân truyền điện giải, vitamin và túc trực chăm bò bệnh

Hay tại hộ ông Võ Đình Việt (xã Tu Tra) hiện đang có 76 con bò sữa, 2 trong số đó đã chết và mang đi tiêu hủy, số còn lại đã được tiêm vắc xin cũng đang chán ăn, sốt, cho sữa kém…

Vợ ông Việt buồn rầu cho biết: “Nhìn đàn bò bệnh mà chúng tôi thấp thỏm, tôi sợ nhất ra chuồng bò lúc này, vì thấy bò chết”…

Tại hộ anh Đinh Sỹ Dũng (thôn Lạc Trường, xã Tu Tra), ngày 8/8, hai con bò sữa mang thai sắp đẻ bị tiêu chảy ra máu rồi chết. Trước đó, ngày 27/7, nhân viên thú y của xã tới tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho 28 con bò sữa của gia đình anh Dũng. Mấy ngày sau, bò bỏ ăn, ho, sốt, chảy dãi, đi phân loãng, khi chuyển sang đi ra máu đông thì chết.

Dù gia đình anh Dũng đã gọi bác sĩ thú y tới truyền nước và các loại thuốc tăng sức đề kháng cho đàn bò nhưng nhiều con vẫn đang chuyển nặng và có nguy cơ chết.

Ở huyện Đức Trọng, tại tổ 20, thôn Bồng Lai, gia đình ông Nguyễn Tấn Tuân có tổng đàn 30 con bò sữa. Đứng bên đàn bò đang bị bệnh, ông Tuân tỏ ra hoang mang: “28 con bò của gia đình tôi đã tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục. Hiện,  đàn bò đang trong tình trạng kiệt sức, nguy cơ chết hàng loạt. Hiện chúng tôi thấp thỏm từng giờ…”.

Toàn thôn Bồng Lai có 146 hộ đang nuôi bò, với tổng đàn gần 3.500 con. Trong đó, đàn bò sữa hơn 2.800 con. Theo kế hoạch tiêm phòng cho đàn bò triển khai từ ngày 22 đến 31/7, đã có hơn 80% hộ chăn nuôi bò trên địa bàn thôn đã tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn bò.

Trong khi đó, gia đình ông Võ Văn Thiện (thôn Bồng Lai, huyện Đức Trọng) được cho là may mắn nhất thôn khi chưa tiêm vắc xin cho đàn bò. Ông cho biết: Ngày 23/7, nhân viên thú y xã Hiệp Thạnh đem vắc xin tới nhà, hướng dẫn cho ông chích cho mỗi con bò 2cc. Do bận công việc, ông Thiện xin thuốc để tự chích sau. Tới nay, ông Thiện vẫn chưa chích nên hơn 50 con bò của gia đình ông vẫn khỏe mạnh.

Tương tự, hộ chị Nguyễn Thị Diễm Kiều (Tổ 20, thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh) do bận công việc nên cũng chưa tiêm vắc xin cho đàn bò. Hiện nay, trại bò sữa 45 con của gia đình chị Kiều vẫn bình thường...

KHÔNG ĐỂ XẢY RA TÌNH TRẠNG BÁN CHẠY HOẶC GIẾT MỔ BÒ BỆNH

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tạm dừng sử dụng vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục và các vắc xin phòng các dịch bệnh khác trên phạm vi toàn tỉnh để điều tra, xác định nguyên nhân đàn bò sữa bị tiêu chảy, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Tăng cường kiểm dịch giết mổ, không để xảy ra tình trạng bán chạy, vận chuyển gia súc bị bệnh hoặc giết mổ gia súc bị bệnh ở nơi có dịch bệnh. Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc ra khỏi địa bàn xã, huyện và tỉnh, nhất là với trâu bò, bò sữa có nguy cơ bị bệnh.

Bò chết được mang đi tiêu hủy đúng quy trình, đảm bảo an toàn môi trường

Tăng cường các biện pháp vệ sinh phòng dịch, phun thuốc sát trùng, sử dụng vôi bột để sát trùng, vệ sinh, tiêu độc tại các cơ sở, hộ chăn nuôi và khu vực xung quanh có gia súc bị bệnh, chết, buộc tiêu hủy.

Ngay trong ngày 10/8, UBND tỉnh cũng chỉ đạo xử lý, chôn lấp bò bị chết do tiêu chảy theo đúng quy định để không gây ô nhiễm môi trường; đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác vận chuyển, giết mổ động vật, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “bán chạy” bò bị bệnh cho thương lái, các lò giết mổ; tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc ra khỏi địa bàn, nhất là trâu, bò có nguy cơ bị bệnh.

Ông Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng tổ công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa cho biết: Nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân và xử lý bò bị chết đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh. Đến nay, hiện tượng bò chết có xu hướng giảm dần, nhưng tỉnh tiếp tục theo dõi sát sao tình hình, lập sơ đồ theo dõi để kịp thời xử lý, báo cáo.


Từ khóa:

sản xuất

lo lắng