Hiệu quả thiết thực từ Mô hình “Ngôi nhà xanh”

NHẬT MINH 00:03, 06/08/2024

Hưởng ứng Phong trào Phòng, chống rác thải nhựa do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động, từ tháng 3/2023, Hội LHPN xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng đã triển khai thực hiện Mô hình “Ngôi nhà xanh” thu gom rác thải gây quỹ ủng hộ phụ nữ, trẻ em nghèo, góp phần xây dựng cảnh quan, môi trường “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”. Đây cũng là xã đầu tiên của huyện Đức Trọng triển khai điểm mô hình này.

Hội viên phụ nữ xã Hiệp Thạnh thu gom, phân loại rác thải góp vào Ngôi nhà xanh
Hội viên phụ nữ xã Hiệp Thạnh thu gom, phân loại rác thải góp vào "Ngôi nhà xanh"

“Bảo vệ môi trường nói chung, giảm thiểu rác thải nhựa nói riêng, phân loại rác thải tại nguồn và duy trì sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường không chỉ góp phần hạn chế những ảnh hưởng xấu của môi trường tác động đến con người, mà còn là hoạt động thiết thực nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và sự phát triển bền vững. Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng đó, đồng thời, hưởng ứng Phong trào “Chống rác thải nhựa” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, Hội LHPN xã Hiệp Thạnh đã xây dựng kế hoạch triển khai xây dựng Mô hình “Ngôi nhà xanh” gây quỹ giúp đỡ trẻ em và phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã và góp phần bảo vệ môi trường”, bà Vũ Thị Dịu - Chủ tịch Hội LHPN xã Hiệp Thạnh, cho biết.

Cũng theo bà Vũ Thị Dịu, khi bắt đầu xây dựng mô hình, để tạo sự đồng thuận, Hội LHPN xã Hiệp Thạnh đã xác định, trước hết phải làm tốt từ cán bộ Hội để làm gương, từ đó lan toả đến hội viên phụ nữ. Với tinh thần đó, Hội phát động từng thành viên trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành tiên phong tham gia thực hiện mô hình đồng thời tuyên truyền, vận động lồng ghép trong các cuộc họp chi, tổ phụ nữ, phát động tuyên truyền qua các tiện ích mạng xã hội như các nhóm zalo, facebook để kêu gọi toàn thể chị em hội viên, phụ nữ cùng tham gia.

“Ngôi nhà xanh” được Hội LHPN xã Hiệp Thạnh thiết kế với khung thép chắc chắn, có mái che, bọc lưới xung quanh, có cửa mở phía sau đảm bảo phù hợp, gọn nhẹ, thuận lợi cho chị em phụ nữ sử dụng và có thể di chuyển được để chứa các loại phế liệu mà không lo bị mưa ướt. Các “Ngôi nhà xanh” được đặt tại địa điểm hội trường 5 thôn và UBND xã Hiệp Thạnh, nơi tập trung đông người qua lại, thu hút đông đảo hội viên phụ nữ cũng như bà con Nhân dân tham gia hưởng ứng.

Đồng thời với đó, việc triển khai mô hình cũng được tiến hành bằng các hoạt động cụ thể, như: Vận động hội viên, phụ nữ và Nhân dân hàng ngày cùng thu gom các loại rác thải chai nhựa, vỏ lon, túi nilong, bìa cát tông, giấy vụn..., khi "ngôi nhà” chứa đầy thì chị em trong Ban Chấp hành Chi hội và một số hội viên nòng cốt tiến hành phân loại, thu gom và bán để gây quỹ. 

Để mô hình hoạt động hiệu quả, các chi hội đã thành lập Ban Quản lý mô hình. Các thành viên có trách nhiệm vận động hội viên, phụ nữ tại chi hội mình phụ trách phân loại, thu gom rác tái chế trong gia đình để tập kết về “ngôi nhà xanh”. Bên cạnh đó, các thành viên còn là những tuyên truyền viên tích cực trong việc tuyên truyền, vận động hội viên nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, nắm và hiểu rõ việc xử lý rác thải tại hộ gia đình, không vứt rác sinh hoạt bừa bãi, hạn chế dùng các vật dụng sử dụng một lần.

Chị Lê Thị Minh Phương - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Fi Nôm, cho biết: “Chi hội Phụ nữ thôn Fi Nôm hiện có hơn 400 hội viên. Sau khi Hội LHPN xã triển khai mô hình tới các chi hội, chúng tôi đã triển khai tới 15 tổ hội trên địa bàn thôn và được mọi người nhiệt tình hưởng ứng. Đặc biệt, thời gian qua, chúng tôi có duy trì sinh hoạt câu lạc bộ (CLB) dân vũ của thôn vào các tối thứ 2,4,6 hàng tuần nên khi đi tham gia sinh hoạt CLB, các hội viên mỗi người đều mang theo một bịch lon, chai nhựa... để góp vào "Ngôi nhà xanh" được đặt tại hội trường thôn. Tôi thấy mô hình này rất hữu ích, gần gũi và thiết thực mà bất kỳ hội viên nào cũng có thể góp sức được”.

Chị Nguyễn Mai Anh, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Phú Thạnh, cũng cho biết: “Tôi thấy mô hình này thật sự rất thiết thực, vừa rèn luyện được thói quen giữ gìn môi trường sống, vừa góp gây quỹ giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn”.

Theo bà Vũ Thị Dịu, kể từ lúc phát động đến nay, qua mô hình này đã thu gom, bán và thu được kinh phí hơn 15 triệu đồng, dành tặng cho trẻ em, phụ nữ có hoàn cảnh khó trên địa bàn xã. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình, trong đó, vận động các quán ăn, cà phê tự nguyện phân loại rác thải tại cơ sở và trao tặng cho "Ngôi nhà xanh" của Hội Phụ nữ xã. Hiện, đã có quán cà phê Xóm Tiệm, hồ bơi Đan Chi trên địa bàn hưởng ứng phong trào trên”, bà Vũ Thị Dịu cho biết thêm.