Huy động tổng lực cứu chữa đàn bò bị bệnh

DIỄM THƯƠNG 19:00, 11/08/2024

(LĐ online) - Chiều 11/8, đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng đã có buổi làm việc với các địa phương, sở ngành có liên quan về tình hình triển khai công tác phòng chống dịch bệnh và cứu chữa đàn bò bị nhiễm bệnh tiêu chảy tại 3 huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà trong thời gần đây.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

TIẾP TỤC HUY ĐỘNG TỔNG LỰC CỨU CHỮA ĐÀN BÒ BỊ BỆNH

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành trong Tổ công tác đặc biệt đã đưa ra các phân tích, luận chứng liên quan đàn bò sữa bị tiêu chảy dẫn đến bệnh, chết hàng loạt sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục NAVET-LPVAC.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính tới 10h ngày 11/8, có gần 5.000 con bò bị bệnh, trên 200 con bị chết, phát sinh thêm 1 địa phương là huyện Lâm Hà xuất hiện bò có dấu hiệu bị bệnh. 

Ông Hoàng Sỹ Bích - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin về công tác tổ chức đấu thầu qua mạng và chỉ có 1 gói thầu, chỉ có 1 nhà thầu nộp hồ sơ trúng thầu là liên danh nhà thầu Navetco - Amavet - IVRD - Vetvaco - Cenpharco tham dự và trúng thầu.

Giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hoàng Sỹ Bích thông tin tại buổi làm việc
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Sỹ Bích thông tin tại buổi làm việc

Tình hình tiêm phòng và diễn biến bệnh sau tiêm phòng, tổng lượng cấp phát vắc xin trong 7 tháng đầu năm là 9.126 liều vắc xin viêm da nổi cục Navet - LpVac (số lô 01, 02 và 03), trong đó Lô số 1 là 3.644 liều; lô số 2 là 160 liều; lô số 3 là 5.322 liều. Được cấp và đã thực hiện tiêm phòng cho các huyện gồm Đơn Dương tiêm được 4.912 con; Đức Trọng: tiêm được 3.200 con; Lâm Hà tiêm được 137 con; Di Linh tiêm được 273 con; thành phố Bảo Lộc tiêm được 545 con và Cát Tiên tiêm được 59 con.

Tính đến thời điểm ngày 02/8/2024, toàn tỉnh đã tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục được cho 9.126 con bò sữa (chiếm 37,3% tổng đàn bò sữa của tỉnh) trên địa bàn 6 huyện, thành phố (Đơn Dương tiêm được 4.912 con, chiếm tỷ lệ 53,82 %; Đức Trọng: tiêm được 3.200 con, chiếm tỷ lệ 35,06%; Lâm Hà tiêm được 137 con, chiếm tỷ lệ 1,50%; Di Linh tiêm được 273 con, chiếm tỷ lệ 3,00 %; thành phố Bảo Lộc tiêm được 545 con, chiếm tỷ lệ 5,97% và Cát Tiên tiêm được 59 con, chiếm tỷ lệ 0,65%). Loại vắc xin sử dụng phòng là vắc xin Navet - LpVac (số lô 01, 02 và 03) của Công ty cổ thuốc Thú y Trung ương Navetco.

• PHÁC ĐỒ ĐIỀU TRỊ ĐÁP ỨNG

Ngay sau khi tỉnh Lâm Đồng công bố và triển khai phác đồ điều trị cho bò bệnh thì hiện có 45% số bò bệnh đang dần phục hồi, chứng tỏ phác đồ cơ bản đã đáp ứng được tình hình cứu chữa bò bệnh. 

Theo ông Phạm Phi Long - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng: Đây là lần đầu tiên vắc xin này được tiêm trên bò sữa tại Lâm Đồng, các quy trình bảo quản, tiêm vắc xin cho bò đã được rà soát lại, bên cạnh đó cũng đề nghị kiểm nghiệm vắc xin ở đơn vị thứ 3 để mang tính khách quan. 

Ông Phạm Phi Long - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng báo cáo tại buổi làm việc

Theo UBND huyện Đức Trọng thông tin: Hiện nay, số lượng bò chết đang giảm, biểu hiện của bò hiện nay chuyển sang ho, sẩy thai ở bò đang mang thai. Huyện cũng đã tuyên truyền vận động, bám sát hộ dân có bò bệnh để hỗ trợ vật tư, phác đồ điều trị. 

Các địa phương dồn lực cứu chữa cho đàn bò bệnh
Các địa phương dồn lực cứu chữa cho đàn bò bệnh

Còn tại huyện Đơn Dương, đàn bò có dấu hiệu phục hồi, huyện cũng đã cử các đơn vị túc trực ở tại các hộ dân để hỗ trợ, xử lý bò chết theo đúng quy trình đảm bảo an toàn môi trường, đã bố trí chốt chặn để kiểm tra, kiểm soát không đưa bò ra khỏi địa phương. 

Đánh giá tình hình thực tế trong những ngày qua, đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Hiện, ngay sau khi thực hiện phác đồ điều trị, bò bệnh đã dần phục hồi. Tỉnh đã điều phối nước điện giải, các loại thuốc trong phác đồ điều trị để chữa trị cho bò bệnh một cách kịp thời. Với tinh thần tập trung cứu chữa, hạn chế thấp nhất số bò bị chết, Tổ công tác đặc biệt được thành lập và túc trực liên tục tại các địa phương để hỗ trợ kịp thời, có các giải pháp tại chỗ phù hợp theo tiến triển tình hình bò bệnh.

BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ THỎA ĐÁNG THIỆT HẠI CHO NGƯỜI DÂN

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng đã đặt ra các vấn đề cần phải làm rõ: Hiên tại, tình trạng bò bệnh và bò chết vẫn tiếp tục diễn ra, đáng quan tâm hơn là xuất hiện thêm địa phương Lâm Hà có bò bệnh.

Bên cạnh đó, khi triển khai phác đồ điều trị thì bò phục hồi khỏi bệnh có chiều hướng tăng cho thấy phác đồ điều trị này cơ bản đáp ứng được trước tình hình bò bệnh, nhưng hiện có một số bò phục hồi nhưng lại tái bệnh thì vì lí do gì?

Đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng phát biểu chỉ đạo
Đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng phát biểu chỉ đạo

Trước khi có công bố chính thức của các ngành về nguyên nhân một cách rõ ràng thì cũng cần nhìn nhận thực tế nguyên nhân tác động chính, trực tiếp để dẫn đến bò bệnh, chết là do quá trình sử dụng và tiêm vắc xin cho bò.

Còn có thể có các tác động khác gián tiếp khác như thể trạng bò, điều kiện thời tiết, môi trường… Do đó, cần phải đưa ra giải pháp phù hợp thực tiễn.

Đề nghị các ngành, địa phương tiếp tục cách ly, phân loại để dễ điều trị bò bệnh, rà soát đội ngũ thú y, tập trung nhân lực, vật lực tăng cường từ các huyện khác sang hỗ trợ cho các địa phương có bò bệnh, trong tình thế khẩn cấp này phải hỗ trợ ngay, đầy đủ thuốc phải đảm bảo cứu chữa bò bệnh, lan tỏa phác đồ điều trị đến người dân, bằng mọi cách phải hạn chế thấp nhất số bò bị chết.

Đồng chí Quyền Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý thêm 1 số vấn đề: Thứ nhất là xem lại quy trình đấu thầu qua mạng để đề xuất kiến nghị cho phù hợp vì liên quan đến thuốc - vắc xin.

Thứ hai là quá trình giao nhận, bảo quản vắc xin. Thứ ba, đây là vắc xin lần đầu tiên được sử dụng thì quy trình như thế nào.

Cuối cùng, quan trọng nhất là phương án bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại.

Đồng chí nhấn mạnh phải đặt quyền lợi, tài sản của người dân là trên hết, không để người dân bị thiệt thòi, có các kịch bản phù hợp nhanh chóng ổn định sản xuất cho người dân. 

Cũng trong chiều 11/8, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có buổi làm việc với Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị cung ứng vắc xin (công ty Navetco)… để xác định chính xác nguyên nhân và sớm có hỗ trợ thỏa đáng cho các hộ dân đang bị thiệt hại.